Làm theo gương bác

Tư tưởng Hồ Chí Minh qua thơ chúc Tết của Người

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Ngoài ra, Người còn là một nhà văn, nhà thơ lớn. Người từng quan niệm: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Vì vậy, hơn ai hết, Bác hiểu được sức mạnh của ngòi bút, văn chương có sức mạnh to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Tết Nhâm Ngọ - 1942, lần đầu tiên Bác Hồ gửi thơ Chúc Tết - mừng xuân: “Chúc đồng bào ta đoàn kết mau !/ Chúc Việt- minh ta càng tấn tới,/ Chúc toàn quốc ta trong nǎm này/ Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!”

Bằng ngôn ngữ giản dị, Bác đã thể hiện mong muốn tập hợp quần chúng, đoàn kết toàn dân đứng lên giải phóng khỏi ách nô lệ. Và bằng dự cảm, nhãn quan cách mạng, hình ảnh “cờ đỏ sao vàng bay phất phới” trong bài thơ đã trở thành hiện thực 3 năm sau đó - Cách mạng Tháng 8/1945 đã thành công rực rỡ.  

Bắt đầu từ Tết Bính Tuất - 1946 đến Tết Kỷ Dậu - 1969 trước ngày Bác đi xa, hầu như năm nào Bác cũng có thơ Chúc Tết - mừng xuân. Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã viết bài thơ chúc mừng năm kháng chiến đầu tiên, xuân Đinh Hợi: Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng,/Tiến lên chiến sỹ, tiến lên đồng bào!/Sức ta đã mạnh, người ta đã đông./Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!/Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

Bài thơ Chúc mừng năm mới Đinh Hợi có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Cả bài thơ là một áng hùng văn, một khúc ca chiến đấu và chiến thắng. Âm điệu bài thơ như một hồi kèn xung trận. Mạch thơ cuồn cuộn và dâng trào cảm xúc, phơi phới tinh thần lạc quan cách mạng. Trong hoàn cảnh đầy khó khăn thử thách của những ngày đầu kháng chiến giữa núi rừng Việt Bắc thế nhưng Bác vẫn truyền đến toàn dân niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. Đặc biệt, câu cuối của bài thơ đã trở thành một khẩu hiệu trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi./ Thống nhất độc lập nhất định thành công”. Và lời tiên đoán ấy của Bác đã trở thành hiện thực cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.

Năm 1954, trong thơ chúc tết Xuân Giáp Ngọ, Bác đã vạch ra hai nhiệm vụ quan trọng cho quân và dân ta và khẳng định niềm tin tất thắng:

Nǎm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:

- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do

- Cải cách ruộng đất là công việc rất to

Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn.

Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,

Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.

Và đúng như Bác dự liệu, vào 7/5/1954 quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (năm 1954), kết thúc sự đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương.

Từ năm 1954 - 1975, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Từ Xuân Kỷ Hợi -1959 đến Xuân Ất Tỵ -1965, hàng năm Bác đều có thơ chúc Tết. Thông điệp quan trọng nhất vẫn là tinh thần đoàn kết dân tộc, hăng hái thi đua trên cả hai mặt trận sản xuất và chiến đấu: “Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua,/ Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa./ Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,/ Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ./ Cả nước một lòng, hǎng hái tiến lên”(Thơ chúc Tết Xuân Canh Tý).

Từ năm 1966, chiến trường miền Nam liên tiếp lập được nhiều chiến công nên các bài thơ chúc Tết Xuân Bính Ngọ - 1966, Xuân Đinh Mùi - 1967 đầy phấn khởi với tin vui chiến thắng liên tiếp từ miền Nam thân yêu “Mừng miền Nam rực rỡ chiến công” và thắng lợi của nhân dân Miền Bắc“Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng”. Đặc biệt, bài thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân - 1968 tràn đầy khí thế, hùng hồn như một mệnh lệnh tiến công. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968 đã đi vào lịch sử dân tộc như bản anh hùng ca: 

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà,

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thư chúc Tết xuân năm 1968. Ảnh tư liệu

Nhìn lại năm 1968 với nhiều thắng lợi trên khắp các mặt trận nên bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu - 1969 như một tiếng reo vui, một mệnh lệnh tấn công để giành lấy thắng lợi, mang mùa xuân về cho dân tộc: Nǎm qua thắng lợi vẻ vang,/Nǎm nay tiền tuyến chắc càng thắng to./Vì độc lập, vì tự do,/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào./Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,/Bắc- Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Bài thơ vừa là sự đúc kết của những thắng lợi trong năm qua, vừa dự báo những kết quả trong năm mới. Những vần thơ mạnh mẽ, khí thế là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết của Tổ quốc như lời hịch của cha ông ta vang vọng từ ngàn xưa với nghĩa vụ thiêng liêng đối với non sông, đất nước. Từ lời kêu gọi của Bác với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” “không có gì quý hơn độc lập, tự do” quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.  

Qua những bài thơ chúc Tết của Bác, chúng ta càng nhận thức bên cạnh những lời chúc mừng năm mới đó còn là tư tưởng, nhãn quan của một nhà chính trị, lãnh đạo thiên tài. Tư tưởng xuyên suốt 22 bài thơ của Bác là sự kiên định về chính trị, niềm tin vào tương tai tươi sáng, tất thắng của dân tộc, độc lập, ấm no hạnh phúc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, trong các bài thơ, chúng ta bắt gặp tần suất lặp lại của các cụm từ: “nhất định thành công”, “quyết thành công”, “nhất định thắng lợi”, “ắt thành công”, “toàn thắng ắt về ta”... Bác nhắc đến con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đầy lạc quan, tin tưởng “Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi”, “Chủ nghĩa xã hội Ngày càng thắng lợi”, đó là con đi tới tương lai “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”.

Điểm nổi bật trong phong cách thơ Hồ Chí Minh đó là sự giản dị, chân thật, gần gũi; kết hợp giữa tính dân tộc và tính thời đại. Mỗi vần thơ vang lên, đồng bào ta, dù là tầng lớp trí thức hay Nhân dân đều có thể cảm thụ và hiểu rõ từng lời, từng chữ của Người. Trong thơ Bác, dường như nhịp tim của Người và nhịp tim của nhân dân đã hòa điệu làm một. Bác chọn thời điểm giao thừa, lúc mà mỗi người đang vui vẻ, tinh thần phấn chấn nhất để tiễn năm cũ đi và đón chào năm mới. Thơ chúc Tết - mừng xuân của Bác dễ đi vào lòng người vì Bác viết một cách dễ hiểu, sâu sắc, hàm súc: vừa tổng kết những công việc, những thắng lợi của năm cũ và định hướng những nhiệm vụ mới bằng những vần thơ. Đúng như một nhà báo Mỹ đã cảm nhận: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt kháng chiến bằng những vần thơ”.

Thơ chúc Tết của Bác còn thấm đượm tinh thần quốc tế trong sáng. Tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản Bác đã nêu lên bằng mệnh đề “Bốn phương vô sản đều là anh em” điều này cũng thể hiện xuyên suốt trong thơ chúc Tết - mừng xuân của Bác “Các mạng thành công khắp thế giới”, “Mừng phe dân chủ hòa bình thế giới”, “Mừng Việt Nam, mừng thế giới”… Sự đoàn kết ấy nhằm hiện thực hóa mục tiêu lớn của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; là hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước, các dân tộc.       

Đã 55 mùa xuân trôi qua, đồng bào cả nước không còn được nghe giọng đọc thơ chúc Tết ấm áp, truyền cảm của Bác Hồ trong thời khắc giao thừa thiêng liêng. Nhưng mỗi khi mùa xuân sang trên cánh mai vàng đào thắm, hòa cùng nhịp đập trái tim hân hoan của hàng triệu người con đất Việt, những bài thơ chúc Tết của Bác như còn mãi ngân vang. Từng từ, từng ý thơ của Người đã tạc vào núi sông và bừng sáng như ngọn lửa thiêng, soi tỏ đường cách mạng cho dân tộc vững bước trên con đường ấm no, hạnh phúc.

Trong thời khắc thiêng liêng này, khi đất trời đang chuẩn bị bước vào Xuân Ất Tỵ - 2025, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của Đảng ta và dân tộc ta. Người đã cống hiến trọn đời mình cho dân, cho nước, dẫn dắt Đảng ta, nhân dân ta làm nên những thắng lợi vẻ vang và làm “rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Đất nước ta với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng ngày càng phát triển, thịnh vượng và khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc. Những thành tựu vĩ đại đó càng chứng tỏ tư tưởng, sự nghiệp, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá, là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta vững bước đi tới tương lai, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

PĐH