Làm theo gương bác

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới ánh sáng thời đại Hồ Chí Minh

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng. Người chỉ ra, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ với đoàn kết quốc tế, tạo nên sức mạnh to lớn, là nguyên nhân hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.

Bác Hồ cùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu 

Về vai trò, tầm quan trọng của đoàn kết trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh: Hồ Chí Minh khẳng định: Đoàn kết thống nhất trong Đảng không chỉ là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng mà còn là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết toàn dân, là vấn đề sinh tử của Đảng, là sống còn của cách mạng. Người nêu rõ: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng”. Người đã chỉ rõ: “Dân tộc ta suy hay thịnh, mất hay còn, chính ở trong lúc này. Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn”. Trong bản Di chúc, Người đã tâm huyết căn dặn Đảng ta: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Sức mạnh đoàn kết trong công tác xây dựng Đảng

Thứ nhất, cơ sở để xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, theo Hồ Chí Minh, chính là đường lối, quan điểm của Đảng và Điều lệ Đảng, đường lối, quan điểm của Đảng, nghị quyết của tổ chức đảng các cấp. Đây là cơ sở tạo nên sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức, từ đó thống nhất về hành động nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Nếu xa rời nguyên tắc này sẽ dẫn đến đoàn kết hình thức, giả hiệu. Đoàn kết mà không thống nhất hoặc thống nhất mà không đoàn kết, sẽ dẫn đến những nguy cơ phá hoại đoàn kết thống nhất từ trong nội bộ.

Thứ hai, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. Theo Người, chỉ có dân chủ rộng rãi trong Đảng, mọi cán bộ, đảng viên mới thật sự được đóng góp ý kiến, phát huy được trí tuệ tập thể, cán bộ, đảng viên hiểu nhau để có được nhận thức thống nhất. Đó cũng là sự bảo đảm để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, một nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, củng cố sức mạnh tổ chức và bản chất cách mạng của Đảng, phòng ngừa những biểu hiện chia rẽ, bè phái. Muốn dân chủ, đoàn kết, Hồ Chí Minh cho rằng, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy phải thực sự cầu thị, biết lắng nghe, chắt lọc và kết luận vấn đề một cách khách quan, khoa học, không để xảy ra tình trạng áp đặt ý kiến chủ quan của người chủ trì, dẫn đến chất lượng nghị quyết không cao, chủ trương đưa ra không phù hợp với thực tiễn. Người yêu cầu, cương vị lãnh đạo càng cao thì càng đòi hỏi phải thực hiện mở rộng dân chủ và dân chủ thật sự chứ không phải hình thức.

Thứ ba, phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Người nói: “Phê bình để đoàn kết, để tiến bộ”, nghĩa là “vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học hỏi những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau”. Muốn đoàn kết chặt chẽ, cán bộ, đảng viên cũng phải “thật thà phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết”. Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là công việc cần thiết, là động lực để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng không được giấu khuyết điểm, ngược lại, phải công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, tìm rõ nguyên nhân của khuyết điểm, đề ra cách sửa chữa. Song, “phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự sửa chữa”. Phê bình phải “rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật”. “Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc”. Qua đó, mà thuyết phục, cảm hóa, giáo dục để người có khuyết điểm vươn lên tự khẳng định mình.

Thứ tư, cần thương yêu, đồng cảm và chia sẻ giữa cán bộ, đảng viên với nhau. Tình đồng chí là thiêng liêng, cao cả trong một đảng cộng sản chân chính cách mạng. Mọi cán bộ, đảng viên có chung chí hướng, mục tiêu tranh đấu vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của đồng bào nên đã kết thành một khối, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Những người không có tình cảm cách mạng trong sáng không thể có tình thương yêu đồng chí dẫn đến ích kỷ, đố kỵ, kèn cựa, ganh ghét, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Thương yêu đồng chí là “phải luôn luôn chú ý đến công việc của họ, kiểm thảo họ, hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa”. Thương yêu đồng chí không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc mà phải “giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm”. Chỉ có xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, cán bộ, đảng viên mới chung sức chung lòng xây dựng đoàn kết nội bộ chặt chẽ, vững chắc.

Thứ năm, phải chống những căn bệnh gây chia rẽ, mất đoàn kết - đó là bệnh hẹp hòi và chủ nghĩa cá nhân. Vì, những người mắc bệnh hẹp hòi thường sinh ra kéo bè kéo cánh, dẫn đến chia rẽ nội bộ, gây ra những mối nghi ngờ, làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí với nhau. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần đầu tiên ra thăm miền Bắc (20-10-1962). Ảnh tư liệu

Một số giải pháp để tăng cường sức mạnh đoàn kết trong Đảng

Một là, coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về sự đoàn kết thống nhất trong từng chi bộ. Trọng tâm của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, mục tiêu đấu tranh cách mạng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa... làm cho mỗi đảng viên thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết nhất trí trong Đảng, từ đó củng cố đoàn kết nhân dân. Khi nhận thức tư tưởng được nâng cao, mỗi đảng viên sẽ thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, giúp mỗi đảng viên hiểu rõ nhiệm vụ của mình để có quyết tâm phấn đấu và cống hiến.

Hai là, tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Muốn phát huy trí tuệ và sức sáng tạo của đảng viên, nhất thiết phải mở rộng dân chủ và phát huy dân chủ nội bộ, tạo điều kiện và cơ hội để mọi đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình. Nhưng dân chủ phải đi liền với tập trung nghiêm ngặt, dân chủ phải dựa trên cơ sở đường lối, quan điểm, quy định của Đảng, nghị quyết của tổ chức đảng; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ.

Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm khi có vi phạm. Cấp ủy phải sớm phát hiện những biểu hiện mất đoàn kết để có biện pháp khắc phục. Đồng thời, cảnh giác và mạnh dạn chấn chỉnh trước việc lợi dụng những bất đồng trong nội bộ để kích động, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Chi bộ.

Vậy, đoàn kết là nội dung lớn và căn bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là một trong những nguyên tắc cơ bản để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng là trách nhiệm của mỗi đảng viên và cơ quan lãnh đạo của Đảng. Thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết thống nhất trong Đảng và xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh vừa là việc làm thiết thực vừa góp phần thực hiện tốt chủ đề năm 2024 - 2025 theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII; đồng thời, cũng thiết thực góp phần vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây cũng là cách để mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần, ý thức, trách nhiệm của bản thân vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.

Lương Công Thảo