Phát huy kết quả từ việc thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7/11/2006 của Bộ chính trị khóa X về tổ chức Cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, chuyển từ việc học sang làm theo là chính, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, ngày 14/02/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 68-KH/TU về triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”. Qua đó, nhằm huy động công sức, trí tuệ của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn tỉnh giúp đỡ các xã, thôn (buôn) còn khó khăn và hộ nghèo vươn lên, vượt khó, thoát nghèo, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy) phối hợp với Agribank Chi nhánh Phú Yên trao tặng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa trong kế hoạch giúp đỡ xã khó khăn và hộ nghèo.
Ngay sau khi Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành, các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt quán triệt, triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 68-KH/TU.
Thường trực Tỉnh ủy phân công 88 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh giúp đỡ 62 xã (gồm: 19 xã miền núi đặc biệt khó khăn gắn với phân công đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách địa bàn; 16 xã bãi ngang ven biển còn nhiều khó khăn và 27 xã nghèo, còn khó khăn). Các cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ khẩn trương phối hợp với các xã được phân công giúp đỡ tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch, phương án, nội dung, hình thức, đối tượng giúp đỡ nhằm triển khai có hiệu quả việc giúp đỡ xã và các hộ nghèo trong xã.
Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cũng đã khẩn trương xây dựng kế hoạch giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và hộ nghèo, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị ở địa phương, đơn vị mình bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực.
Đến năm 2021, qua 07 năm thực hiện Kế hoạch 68-KH/TU, với sự chung sức, đồng lòng giúp đỡ của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh đã có 39/62 xã vươn lên thoát khỏi xã khó khăn và hàng ngàn hộ thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Tỉnh Phú Yên từ 62 xã khó khăn và đặc biệt khó khăn giảm xuống còn 12 xã miền núi đặc biệt khó khăn thuộc khu vực III, 01 xã thuộc khu vực II và 10 xã thuộc khu vực I.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 68-KH/TU, ngày 20/7/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 232-KL/TW về việc điều chỉnh phân công Tỉnh ủy viên phụ trách xã miền núi đặc biệt khó khăn, xã còn khó khăn; phân công Tỉnh ủy viên dự sinh hoạt chi bộ thôn, buôn, khu phố; phân công cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ xã khó khăn; trong đó phân công 23 đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách 12 xã miền núi đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) và 11 xã còn khó khăn (xã khu vực II, I); phân công 62 cơ quan, đơn vị và đề nghị 25 doanh nghiệp giúp đỡ 62 xã khó khăn. Căn cứ vào tình hình, điều kiện, lợi thế của cơ quan, đơn vị và nhu cầu thực tiễn của địa phương được giúp đỡ, các cấp ủy phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án, giải pháp giúp đỡ đạt hiệu quả cao; nhất là tập trung vào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống có tính bền vững cho hộ nghèo.
Qua 10 năm thực hiện Kế hoạch số 68-KH/TU, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, nội dung phong phú, đa dạng, thiết thực, huy động nhiều nguồn lực trong cơ quan, đơn vị, sự đóng góp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và huy động từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội đã giúp đỡ hơn 30.000 hộ khó khăn và hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có 24.787 hộ vươn lên thoát nghèo; đã sửa chữa và xây mới 6.407 căn nhà cho người nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng hơn 220.000 suất quà giá trị hơn 105 tỷ đồng; hỗ trợ, trao học bổng cho 29.503 học sinh nghèo, khó khăn tiếp bước đến trường, với số tiền trên 22 tỷ đồng và nhiều hình thức giúp đỡ thiết thực khác. Tổng giá trị kinh phí của các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giúp đỡ các xã, thôn (buôn) khó khăn và hộ nghèo qua 10 năm đạt hơn 252,130 tỷ đồng. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 64/82 xã nông thôn mới (đạt 78%), trong đó có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu sản xuất, 25 thôn/khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 31 vườn mẫu nông thôn mới và 05 thôn nông thôn mới thông minh, 29 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 35 vườn mẫu nông thôn mới, duy trì 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Tây Hòa, Phú Hòa).
Các nội dung và phương thức giúp đỡ được triển khai rất phong phú, đa dạng như: Vận động, hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của xã, thôn (buôn), khu phố; kéo đường ống nước sinh hoạt cho người dân, giảm giá nước sinh hoạt; cải tạo, sửa chữa trường học, nhà công vụ cho giáo viên, xây mới nhà vệ sinh cho học sinh mầm non, tiểu học; thực hiện công trình “Nước sạch cho em”; xây mới, chỉnh trang, hỗ trợ thiết bị cho các trạm y tế xã; xây dựng thư viện, tủ sách pháp luật, tủ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với hàng vạn đầu sách cho cán bộ, Nhân dân tham khảo, học tập; làm hàng nghìn km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đào giếng nước sinh hoạt, các công trình “Thắp sáng đường quê”, đường hoa nông thôn mới; chỉnh trang, xây tường rào nhà văn hóa, thôn, buôn, khu phố; thực hiện các công trình thanh niên, xây dựng khu vui chơi thanh thiếu nhi; tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa thăm hỏi tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo; hỗ trợ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đến trường; giúp đỡ vốn, cây con giống, phương pháp sản xuất để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; xây dựng các mô hình giúp đỡ hộ nghèo trong cuộc sống như: “Hũ gạo cho người khó”, “Phiên chợ 0 đồng”… Ngoài giúp đỡ về vật chất, các cơ quan, đơn vị còn huy động hơn 80.000 ngày công thực hiện các công trình, phần việc thanh niên như: tổ chức ôn tập văn hóa hè cho các em học sinh, phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu; thực hiện các công trình làm đường giao thông nông thôn, “Thắp sáng đường quê”, “Ánh sáng đường quê”; tu sửa, dọn vệ sinh nhà văn hóa thôn (buôn), trường học, các nhà bia liệt sĩ của xã, huyện, nhà Mẹ Việt Nam anh hùng, các hộ nghèo, gia đình neo đơn; xây dựng các công trình, khu vui chơi dành cho thanh thiếu nhi; trồng cây xanh, phát quang, dọn dẹp các tuyến đường giao thông; nạo vét kênh mương, các công trình thủy lợi, thủy nông phục vụ sản xuất; hỗ trợ bà con nông dân công lao động theo thời điểm, mùa vụ… Cùng với triển khai các biện pháp giúp đỡ về kinh tế, các cơ quan, đơn vị còn giúp đỡ địa phương về nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đã hướng dẫn, hỗ trợ quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác, việc chuyển đổi số cho cán bộ, công chức cấp xã và giúp bà con Nhân dân thực hiện cài đặt các ứng dụng điện tử phục vụ cho việc cập nhật dữ liệu cá nhân, giải quyết các thủ tục hành chính, sử dụng các dịch vụ công…
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy) tặng quà cho hộ nghèo xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa trong kế hoạch giúp đỡ xã khó khăn và hộ nghèo.
Nhìn chung, qua 10 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 68-KH/TU, ngày 14/02/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo” đã nhận được sự quan tâm ủng hộ và tích cực tham gia của cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động toàn tỉnh. Công tác triển khai thực hiện Kế hoạch số 68-KH/TU khá đồng bộ, nghiêm túc; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có sự chủ động, sáng tạo trong vận dụng mô hình vào thực tiễn, phối hợp trao đổi, thống nhất đối tượng, nội dung, biện pháp giúp đỡ, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả việc giúp đỡ các xã, thôn (buôn) và hộ nghèo. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm trong việc triển khai mô hình đã góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ hộ nghèo và đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, góp phần đáng kể đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời đã tạo được sự gần gũi, gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Đặng Hồng Thái