Theo chiều dài lịch sử, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam với nhiều đặc thù, đã có những thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân phụng sự, giàu lòng yêu nước, luôn đặt lợi ích của dân tộc, của quốc gia lên trên hết, trước hết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới công thương Hà Nội ngày 18/9/1945. (Ảnh Tư liệu)
Lời cam kết chạm đến trái tim
Ngày 13/10/1945, Bác Hồ gửi thư cho giới công thương, cổ vũ các nhà tư sản dân tộc vượt qua khó khăn, cùng toàn dân tham gia kiến thiết đất nước. Trong thư Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công-Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Để các nhà tư sản yên tâm tham gia kiến quốc khi vừa giành được độc lập cho nước nhà, Bác cam kết: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới Công-Thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau”. Tận tâm là từ trái tim tới trái tim. Có khẩu hiệu nào, cách tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp nào hay hơn câu Bác viết.
Người cũng khẳng định một chân lý không bao giờ thay đổi: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng” và khuyến khích các nhà công nghiệp, thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công-Thương cứu quốc đoàn”, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế tư nhân trong xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã có nhiều chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, trong đó, bức thư của Bác gửi giới công thương được coi như văn kiện đầu tiên của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam. Cùng với quá trình Đổi mới của đất nước, khu vực kinh tế tư nhân được chính thức thừa nhận trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12 năm 1986) và ngày càng được khẳng định vai trò, vị trí trong nhiều Nghị quyết, định hướng của Đảng. Quan điểm, chủ trương nhất quán, đúng đắn và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước coi kinh tế tư nhân là nền tảng đã thúc đẩy kinh tế tư nhân vươn lên mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước suốt chặng đường gần 40 năm Đổi mới. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân vẫn đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những trở ngại từ rào cản tiếp cận nguồn lực, nhất là đất đai, vốn tín dụng... Đó là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân không thể lớn hoặc không muốn lớn.
Để khơi dậy, phát huy được tiềm năng, sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới, ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68), thể hiện tư duy đổi mới rất mạnh mẽ, tháo bung mọi rào cản để kinh tế tư nhân thật sự trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Trọng trách mới, sứ mệnh mới
TS Nguyễn Đình Cung nhận định, kinh tế tư nhân đã được đặt vào đúng vị trí, vai trò lịch sử của mình thay vì tư duy từ trước đến nay là kinh tế tư nhân phát triển đến đâu thì được thừa nhận đến đó. Nghị quyết cũng yêu cầu xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân và doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân và đặc biệt là xác định doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, được bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm.
Tâm đắc với nhiều nội dung của Nghị quyết, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, nhận thức và tư duy đổi mới chưa từng có của Đảng đã giải quyết được hầu hết các vấn đề đang trở thành rào cản kìm hãm sự phát triển kinh tế tư nhân, từ điểm nghẽn thể chế, tiếp cận nguồn lực, môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo nhân lực… với cách thể hiện rất rõ ràng, cụ thể, sát với thực tiễn và có định hướng chính sách để triển khai thực hiện ngay vào cuộc sống.
Sự trì trệ của bộ máy hành chính công cùng với những khó khăn của thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là xu hướng hình sự hóa các quan hệ kinh tế những năm gần đây đã phần nào làm giảm nhiệt huyết và ham muốn đầu tư của doanh nghiệp, doanh nhân, gây tác động bất lợi đến huy động nguồn lực phát triển kinh tế đất nước. Do đó, yêu cầu tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự trong xử lý vi phạm; xóa bỏ cơ chế xin-cho, xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm” có giá trị rất lớn trong việc xốc lại tinh thần kinh doanh, khích lệ người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tính đến cuối năm 2024, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, sử dụng khoảng 82% tổng số lao động. |
Nghị quyết 68 cũng là văn kiện đầu tiên của Đảng đề cập đến vai trò của các hộ kinh doanh và đưa ra những chủ trương hỗ trợ thực chất, hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh bằng các giải pháp căn cơ, như hoàn thiện khung khổ pháp lý, có chính sách hỗ trợ cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị, kế toán, thuế... Đây là những điểm yếu cố hữu đang làm khó doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong quá trình phát triển lên quy mô lớn hơn, trở thành “vùng xám” trong bức tranh còn nhiều hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay. TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam tin tưởng, thông điệp mạnh mẽ của Nghị quyết 68 đã chạm đến những vấn đề đang nóng bỏng đặt ra trong thực tiễn phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Một trong số đó, là đại đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ trong khi rất thiếu vắng những doanh nghiệp cỡ vừa. Về phía PGS, TS Trần Đình Thiên, điều ông tâm đắc nhất chính là mỗi giai đoạn đất nước gặp khó khăn, bế tắc, kinh tế tư nhân lại được gọi tên, được trao trọng trách mới, sứ mệnh mới.
Nhớ lại dấu mốc 80 năm trước, những câu chữ từ tâm của người đứng đầu Chính phủ đã khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần muốn cống hiến, phụng sự của những doanh nhân dân tộc. Giờ đây, khi Đảng “phất cờ”, tin rằng, kinh tế tư nhân sẽ ngay lập tức trỗi dậy, trở thành động lực dẫn dắt cả nền kinh tế thoát khỏi khó khăn, vươn lên cùng thời đại.