Làm theo gương bác

Trang bị lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ đảng viên để bước vào kỷ nguyên mới

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định những quan điểm, tư tưởng vai trò quan trọng của cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc: “Cán bộ là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Người khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”; “Không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”; giáo dục lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong việc đấu tranh chống thói hư tật xấu, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên; nhằm cung cấp hệ thống tri thức, lý luận khoa học và quan điểm, chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng để xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và mục tiêu, lý tưởng cho các lực lượng cách mạng; giúp cho người học công cụ tư duy khoa học để nhận thức, nắm bắt được bản chất, tính tất yếu, tính quy luật vận động khách quan của lịch sử cách mạng Việt Nam; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, để định hướng nhận thức và hành động thực tiễn cho bản thân đúng đắn, hiệu quả, hạn chế và tránh vấp váp, sai lầm, mù quáng và thất bại; góp phần xây dựng niềm tin, lý tưởng cách mạng, tính nhân văn, nhân đạo; tính đảng, tính cách mạng và khoa học. Người cho rằng học lý luận để nâng cao vốn lý luận của mỗi cán bộ, đảng viên và từ đó nâng cao trình độ lý luận của Đảng để bản thân mỗi cán bộ hoàn thành tốt hơn công việc của mình và như thế toàn Đảng sẽ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của Đảng. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, sao cho xứng đáng là những người tiêu biểu, tiền phong, cách mạng nhất luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành trọng trách “kép” mà Hồ Chí Minh đã tin tưởng gửi gắm đó là vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Những tư tưởng của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, là những chỉ dẫn quý báu để Đảng ta kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, cụ thể cách mạng Việt Nam.

Bác Hồ với cán bộ. Ảnh tư liệu

Việc học tập lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu và học tập lý luận chính trị là một yêu cầu cần thiết và cấp bách, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng cũng phải học. Nếu không giáo dục cho đảng viên làm cách mạng mà cứ yêu cầu họ làm cách mạng thì họ không làm tròn được nhiệm vụ”. Hơn nữa, làm cách mạng cũng là một “nghề” đặc biệt, đó là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hướng dẫn nhân dân làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới tốt đẹp, tiến bộ, văn minh hơn… nên lực lượng nòng cốt của sự nghiệp cách mạng càng phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện một cách bài bản, hệ thống để vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc thực tiễn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”. Tuy nhiên, Đại hội cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là “việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên chưa nắm được chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”. Những hạn chế, tồn tại trong công tác giáo dục lý luận chính trị, là một trong những nguyên nhân làm cho “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”.

Trong thời gian qua, việc triển khai nghiêm túc, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cũng như xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định, chế độ học tập lý luận chính trị trong đã góp phần khắc phục những biểu hiện ngại học, lười học, thậm chí học chiếu lệ, học cho đủ “chứng chỉ” các môn lý luận chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, quan tâm của cấp ủy các cấp, của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, quản lý công tác giáo dục chính trị tư tưởng; trong việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, khả năng thích ứng với thực tiễn trong quá trình thực thi công vụ. Cùng với đó, việc gắn đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với công tác cán bộ (quy hoạch, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật), với quá trình thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới…góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị và phát huy tối đa năng lực, sở trường của mỗi người trong thực thi nhiệm vụ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị nhất là trong chấp hành nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng...

Như vậy, có thể khẳng định, việc học tập lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng; là công việc cấp bách, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài. Lý luận chính trị giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc biện chứng; có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...phù hợp với quy luật khách quan. Không có lý luận chính trị thì tinh thần và ý chí kém cương quyết, không nhìn xa trông rộng, dễ lạc phương hướng và “mù chính trị”, thậm chí xa rời cách mạng. Với ý nghĩa đó, việc học tập lý luận chính trị không chỉ góp phần để cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng hiệu quả những tri thức lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, là cẩm nang để giúp mỗi cán bộ, đảng viên thâm nhập, đi sâu vào quần chúng, gần dân, hiểu dân và trọng dân, xứng đáng là người lãnh đạo gương mẫu, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024  và Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị  tại điểm cầu Phú Yên

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, không ít cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị mà thường tập trung cho học tập chuyên môn, nghiệp vụ; thậm chí có người còn cho rằng đó là việc làm “vô ích” gây lãng phí thời gian, công sức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên học tập lý luận chính trị chưa thực sự nghiêm túc, còn thực hiện qua loa, hình thức; vẫn còn tư tưởng học để có đủ bằng cấp, đủ điều kiện để được đề bạt, bổ nhiệm, nên chưa thật sự toàn tâm, toàn ý cho việc nghiên cứu, học tập;  thiếu tích cực trong học tập; sao chép khi làm bài thu hoạch. Một bộ phận cán bộ, đảng viên không vận dụng tri thức đã học để xem xét giải quyết các vấn đề của địa phương, cơ quan, đơn vị mình; không sử dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn công việc theo chức trách, nhiệm vụ; học không đi đôi với hành; lý luận chưa gắn với thực tiễn.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (lớp 3) ngày 31/10/2024 (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được xác định là công việc then chốt trong xây dựng Đảng; mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc phải nghiên cứu, học tập lý luận chính trị; gắn lý luận chính trị với thực tiễn để vừa phòng và chống “bệnh”: ngại học; học hình thức, hời hợt; học thuộc làu “khô cứng”, vừa vận dụng linh hoạt lý luận trong thực tiễn, để lý luận bám sát thực tiễn, trở thành hiện thực sinh động trong thực tiễn. Trên tinh thần đó, việc quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý” và Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” gắn với chủ động, nhạy bén, kịp thời trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” trong cả hệ thống chính trị là hết sức cần thiết. Đồng thời, vì “đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu”; là “khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”…Để đưa đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới là Đại hội lần thứ XIV của Đảng - kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam để xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, tiến cùng và sánh vai với các cường quốc năm châu…mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, người đứng đầu, từng cán bộ, đảng viên không chỉ cần phải chủ động đón vận hội, thời cơ và vững vàng đối diện với khó khăn, thử thách, mà còn phải bản lĩnh, kiên trung trước những cạm bẫy vật chất, tiền tài, quyền lực, danh vọng. Đó chính là phải “đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam” để vừa noi theo những tấm gương điển hình tiên tiến, vừa rút kinh nghiệm từ bài học đau xót về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên (vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật đã, đang bị xử lý nghiêm minh) để mỗi người tự soi, tự sửa mình từ sớm, từ xa. Đồng thời, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, tự răn mình nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên để trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào cũng phải kiên định lý tưởng cộng sản và “nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cặn dặn.

Hoài My