Làm theo gương bác

Thu lợi nhuận gần 02 tỷ đồng/năm từ mô hình nuôi bò vỗ béo khép kín công nghệ cao tại xã Hòa Quang Bắc

Anh Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1977, xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp, đông anh em, hoàn cảnh kinh tế khó khăn; sau hơn 10 năm làm thuê, nghiên cứu các mô hình nông nghiệp trồng cây, chăn nuôi để ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo ở vùng đất Thạch Lâm, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa.

Mô hình nuôi bò vỗ béo khép kín công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Trung xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa

Với truyền thống lâu nay, người nông dân ở địa phương thường chăn nuôi bò theo cách chăn thả hoặc nuôi nhốt, cho ăn rơm, cỏ, cám tổng hợp, không thực hiện tiêm phòng, sổ giun sán định kỳ,… nên thường kéo dài thời gian nuôi, dẫn đến chi phí cao, năng suất hiệu quả đem lại thấp, thu nhập không ổn định. Sau khi nghiên cứu nhiều mô hình chăn nuôi ở địa phương, năm 2008, anh Trung vào làm thuê tại trang trại chăn nuôi bò ở các tỉnh Nghệ An, Bình Dương và được các chủ trang trại đưa đi nghiên cứu, tham quan nhiều trang trại, nông trại chăn nuôi lớn tại các nước Úc, Thái Lan,… tìm hiểu, lựa chọn mô hình chăn nuôi bò phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở từng địa phương.

Đến năm 2018, sau khi tích lũy kinh nghiệm kỹ thuật chăn nuôi, số vốn đầu tư,… anh Trung quyết định về thôn Thạnh Lâm, xã Hòa Quang Bắc đầu tư vào dự án chăn nuôi bò theo mô hình khép kín công nghệ cao, với diện tích xây dựng cơ sở hơn 01 ha đất nông nghiệp, với đàn bò 50 con. Đến nay, tổng đàn bò của anh có hơn 200 con với mô hình chăn nuôi bò vỗ béo khép kín công nghệ cao; với thời gian nuôi ngắn, chất lượng thịt tốt, giá cả đầu vào, ra ổn định nên việc chăn nuôi của gia đình anh phát triển khá thuận lợi, doanh thu và lợi nhuận tăng theo từng năm; tổng doanh thu hơn 34 tỷ/năm, thu lãi từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ/năm; tạo việc làm cho hơn 12 lao động phổ thông, có thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng,...

Tuy nhiên, anh cho biết thời gian đầu gặp một số khó khăn như: thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn bò; dịch bệnh luôn tìm ẩn, giá cả đầu vào, ra không ổn định; công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn lao động, an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo,... nhất là bảo vệ sức khỏe người dân sống xung quanh trang trại chăn nuôi. Sau thời gian nghiên cứu, anh đã đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất, ứng dụng mô hình trang trại chăn nuôi bò vỗ béo khép kín công nghệ cao để kịp thời xử lý môi trường phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường, đàn bò thích nghi với điều kiện thời tiết, chất lượng thịt bò đạt theo tiêu chuẩn; sản xuất nông sản sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn đã được các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra đánh giá, theo dõi để đảm bảo phù hợp theo quy định.

Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, gia đình anh đã giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn,... và hỗ trợ các hoạt động với số tiền trên 120 triệu đồng; xây dựng nông thôn mới các công trình phúc lợi trên 100 triệu đồng ở địa phương,... Anh là hội viên nông dân tiêu biểu, luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong tham gia các hoạt động của Hội Nông dân, là tấm gương tiêu biểu của nông dân Phú Yên. Do đó, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2019 - 2021; về thành tích tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển huyện Phú Hòa, giai đoạn 2002 - 2022; Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2021 - 2023… và Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về  phong trào thi đua “Phú Yên đoàn kết, sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế năm 2022”…

Có thể nói mô hình nuôi bò vỗ béo của anh Trung đã và đang phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ dân trong xã học tập, tham gia sản xuất để vươn lên thoát nghèo, tự làm giàu, từ đây, mở ra hướng đi mới, có thể nhân rộng mô hình ra nhiều xã khác trên địa bàn huyện và các huyện miền núi trong tỉnh. Qua đó, giúp các chi, tổ Hội Nông dân xây dựng, chăn nuôi dần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông,… chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp hội viên nông dân có thể làm giàu từ một loại vật nuôi truyền thống, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân trong thời gian đến.

Minh Nguyên