Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, vị lãnh tụ thiên tài dẫn dắt dân tộc ta đấu tranh giải phóng áp bức, bất công, tiến lên xây dựng cuộc sống no ấm, bình đẳng, phồn vinh và hạnh phúc. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta. Từ khi Đại hội VII của Đảng (năm 1991) khẳng định: Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, từ đó việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn, liên tục và xuyên suốt của Đảng ta, với mục đích: “Làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, làm cho tư tưởng, đạo đức của Người trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong xã hội.
![]() |
Đồng chí Phạm Đại Dương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân có thành xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022. (Ảnh: Hồng Thái). |
I. NHỮNG SÁNG TẠO TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
Thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tỉnh Phú Yên đã triển khai thực hiện với những sáng tạo nổi bật sau:
1. Sáng tạo trong tổ chức học tập và tuyên truyền
- Từ khi thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư về đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới cho đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức học tập với tổng số 27 chuyên đề, trong đó từ năm 2022 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tự biên soạn 3 chuyên đề[1] sát với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và những vấn đề mang tính nổi cộm, yêu cầu cấp thiết trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong tình hình mới. Việc tổ chức học tập các chuyên đề bằng hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến đến sâu rộng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về nội dung, giá trị, ý nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, giữ gìn phẩm chất, lối sống và vận dụng sáng tạo trong công việc thực tiễn đặt ra.
- Bên cạnh việc tổ chức học tập thì công tác tuyên truyền có vai trò hết sức quan trọng trong suốt quá trình triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú, đa dang như tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên không gian mạng, qua các hình thức trực quan, sáng tác, quảng bá các phẩm văn học, nghệ thuật và bằng tấm gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác. Trong đó, những hình thức tuyên truyền nổi bật, mang đậm dấu ấn, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất đó là:
* “Hội thi kể chuyện Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Trước yêu cầu tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, đạo đức trong tình hình mới, ngày 07/11/2006, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về việc tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tổ chức Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn tỉnh được tổ chức trong hai đợt: đợt 1 tổ chức năm 2007 từ cấp huyện, thị, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đến cấp tỉnh, có 426 thí sinh tham gia. Năm 2008, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tổ chức đợt 2 với thành phần là đoàn thể chính trị - xã hội và trong lực lượng vũ trang từ cơ sở đến tỉnh và tổ chức hội thi trong các trường học. Toàn tỉnh đã tổ chức 243 hội thi, với 3.234 thí sinh tham gia, thu hút hàng vạn quần chúng đến dự và cổ vũ cho hội thi. Sau hội thi nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức đưa các thí sinh đạt giải về kể chuyện cho nhân dân ở các thôn, buôn, khu phố, cơ quan, đơn vị nghe; đồng thời tổ chức thu, phát trên sóng phát thanh tỉnh và truyền thanh các huyện, thị, thành phố, truyền thanh nội bộ của đơn vị lực lượng vũ trang, xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tạo cảm xúc, sức lan tỏa mạnh mẽ trong lòng người nghe về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
* Việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng điển hình tiêu biểu
Trong quá trình triển khai việc học tập và làm theo Bác, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo các cấp, các ngành, hội, đoàn thể, lực lượng báo chí tập trung phát hiện, giới thiệu những tập thể, cá nhân có những mô hình mới, việc làm hay mang lại hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa trong cơ quan, đơn vị và trong xã hội để giới thiệu cho các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng và nhân rộng. Trong đó, năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp tỉnh đã gặp mặt, biểu dương, khen thưởng 48 tập thể và 121 cá nhân có nhiều thành tích trong làm theo. Bên cạnh đó, các cấp ủy từ cơ sở đến huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động (2006-2009), tổ chức gặp mặt, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đã biểu dương 332 tập thể, 865 cá nhân trong tỉnh có nhiều thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Từ đó đến nay, hàng năm, Ban Tuyên giáo đều tham mưu lựu chọn, giới thiệu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen thưởng hàng trăm điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt trong 03 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW (2021-2023), Ban Tuyên giáo đã tham mưu, giới thiệu Thủ tướng Chính phủ và Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen cho 06 tập thể và 12 cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 08 cá nhân và 13 tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; có 02 cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Trung ương in sách “Người tốt, việc tốt - Nét đẹp từ những điều giản dị”, 07 mô hình để in sách “Mô hình hay, cách làm sáng tạo”; có 02 tập thể (Hội Nông dân Hòa Vinh và Ban Chỉ huy Quân sự thị trấn La Hai) được giới thiệu Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng phim ngắn về điển hình tiêu biểu phát trên sóng truyền hình toàn quốc; có 01 cá nhân tiêu biểu xuất sắc được tham dự Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” năm 2023…
2. Sáng tạo trong xây dựng và nhân rộng mô hình làm theo Bác
Xác định việc làm theo Bác là nội dung trọng tâm, là minh chứng rõ ràng nhất cho kết quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, các cấp ủy, các ngành, các đoàn thể đã tập trung triển khai, vận động các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân nghiên cứu xây dựng hàng trăm mô hình hay, việc làm tốt, mang lại hiệu quả thiết thực để nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn, đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện tình hình an ninh trật tự ở địa phương, xây dựng đảng và hệ thống chính trị các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước([2]).
Trong đó, có 02 mô hình tiêu biểu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn, xây dựng, triển khai trong toàn tỉnh và được nhiều địa phương trong nước học tập và nhân rộng, đó là:
* Mô hình “Tổ chức chào cờ Tổ quốc và học tập dưới cờ trong tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh
Năm 2009, nhận thấy việc tổ chức chào cờ Tổ quốc vào sáng thứ hai hàng tuần ở huyện Sông Hinh có ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần vun đắp tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, chấn chỉnh giờ giấc, tác phong và trách nhiêm trong cán bộ, đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo (Công văn số 430-CV/TU, ngày 30/3/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) đưa việc chào cờ Tổ quốc thành Mô hình nhân rộng trong toàn tỉnh và yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Lúc đầu nội dung của chào cờ Tổ quốc và học tập dưới cờ vào sáng thứ hai hàng tuần, gồm: chào cờ hát Quốc ca, đọc 01 bài viết hay mẫu chuyện về Bác, lãnh đạo đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ ở cơ quan, địa phương, đơn vị mình trong tuần qua và triển khai quán triệt nhiệm vụ trong tuần tới, tháng tới. Đến năm 2023, để tiếp tục nâng cao chất lượng Mô hình “Chào cờ Tổ quốc và học tập dưới cờ”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương bổ sung thêm nội dung tổ chức biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại buổi chào cờ.
Nhìn chung, qua 15 năm triển khai Mô hình “Chào cờ Tổ quốc và học tập dưới cờ” được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, trở thành nền nếp. Thông qua chào cờ đầu tuần và học tập dưới cờ đã khơi dậy khí phách hào hùng, niềm tự hào của dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng nhiệt huyết và khát vọng cống hiến của mỗi người; đồng thời góp phần chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong lao động, học tập.
* Mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”
Nhằm nâng cao trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên trong việc góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời huy động công sức, trí tuệ của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh giúp các xã, thôn (buôn) còn khó khăn và hộ nghèo vươn lên, vượt khó, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh, góp phần làm cho Đảng gắn bó mật thiết hơn với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, năm 2014 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra Kế hoạch số 68-KH/TU, ngày 14/2/2014 về triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo” triển khai trên toàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh giúp đỡ xã khó khăn, đặc biệt khó khăn; các cơ quan, đơn vị cấp huyện giúp đỡ thôn (buôn) khó khăn, đặc biệt khó khăn; cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh giúp đỡ các hộ nghèo. Phương pháp giúp đỡ: bằng vật chất; ngày công lao động; hỗ trợ vật tư, tư vấn về phương pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; đầu tư xây dựng cơ bản…
Kết quả đạt được: Năm 2014, có 62 xã miền núi đặc biệt khó khăn, xã nghèo còn khó khăn và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công cho 88 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh giúp đỡ; đến nay, toàn tỉnh còn 23 xã còn khó khăn, xã đặc biệt khó khăn. Để nâng cao chất lượng việc giúp đỡ, năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công từ 2 - 3 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh (trong đó có 01 doanh nghiệp) và 01 đồng chí Tỉnh ủy viên trực tiếp phụ trách tập trung giúp đỡ mỗi xã còn khó khăn, xã đặc biệt khó khăn (tổng số có 23 Tỉnh ủy viên phụ trách 23 xã). Các xã còn lại bước đầu phát triển tiếp tục phân công mỗi cơ quan, đơn vị cấp tỉnh giúp đỡ một xã.
Từ năm 2014 đến nay, tổng giá trị kinh phí của các địa phương, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giúp đỡ các xã, thôn, buôn khó khăn và hộ nghèo đạt hơn 300 tỷ đồng, số hộ khó khăn và hộ nghèo được giúp đỡ hơn 15 ngàn hộ, số hộ nghèo được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo hơn 3.500 hộ, số học sinh nghèo được giúp đỡ tiếp tục đến trường 12.762 học sinh...; đến năm 2021, toàn tỉnh từ 62 xã giảm xuống còn 23 xã còn khó khăn, xã đặc biệt khó khăn.
3. Phát huy trách nhiệm nêu gương
- Để triển khai, thực hiện hiệu quả Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy triển khai thực hiện, trong đó nổi bật tập trung vào việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức các cấp (trong đó điển hình là thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 03/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh (nay là Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 15/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh); nêu cao tinh thần, trách nhiệm, đạo đức công vụ, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”; “Thân thiện, nghĩa tình; tận tụy, trách nhiệm; kỷ luật, kỷ cương”; 5 biết “Biết chào hỏi, biết lắng nghe, biết giải thích, biết xin lỗi, biết cảm ơn”… Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp tập trung xây dựng các nội quy, quy chế chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và đánh giá chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời xây dựng các chuẩn mực đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ, văn hóa công sở và công khai để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện và nhân dân giám sát.
Đến năm 2018, để triển khai thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Tỉnh ủy ban hành Quy định số 397-QĐ/TU, ngày 20/7/2021 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chỉ đạo triển khai đợt kiểm điểm “tự phê bình và phê bình” với chủ đề “tự soi, tự sửa” và các đợt sinh hoạt chính trị về nội dung các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tạo được những chuyển biến tích cực trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tinh thần nêu gương trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngày càng đi vào nền nếp, qua đó góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có những hạn chế, đó là: Một số cấp ủy xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề hằng năm còn chung chung, ít có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn tại địa phương, đơn vị. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương ở một vài cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu chưa tốt, còn xảy ra vi phạm về đạo đức, lối sống. Việc phát hiện, nhân rộng những việc làm hay, mô hình mới trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn ít và thiếu tính ấn tượng, sự tác động, sức lan tỏa mạnh mẽ trong địa phương, cơ quan, đơn vị và xã hội.
II. NHỮNG GIẢI PHÁP
Để tiếp tục thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh như trong Di chúc đối với Đảng, với Nhân dân Việt Nam nói chung và của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên nói riêng, trong thời gian tới cần chú trọng triển khai mạnh mẽ một số giải pháp sau:
- Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và tuyên truyền về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị; triển khai hiệu quả Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và các nghị quyết, quy định của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Hai là, trên cơ sở nội dung chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hằng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu xây dựng những nội dung có tính mới, tạo sự đột phá trong làm theo Bác, nhất là tập trung mạnh vào những vấn đề nổi cộm, những hạn chế có tính cấp bách cần giải quyết ở địa phương, đơn vị.
- Ba là, chú trọng phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc học tập và làm theo Bác, trong đó tập trung mạnh vào cải cách hành chính, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ theo tinh thần Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 15/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời chú trọng triển khai thực hiện tốt quy định, cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
- Bốn là, chú trọng rà soát, đánh giá tính hiệu quả của những mô hình đã và đang thực hiện để phát huy; đồng thời tập trung nghiên cứu xây dựng, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những mô hình mới, những việc làm hay mang lại hiệu quả cao, có sự tác động lớn và sức lan tỏa mạnh trong cơ quan, đơn vị và xã hội.
- Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc học tập và làm theo Bác vào kế hoạch kiểm tra của cấp ủy các cấp. Đồng thời, tổ chức việc sơ, tổng kết kịp thời, đúng quy định, đảm bảo chất lượng.
--------------
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo số 40-BC/TU, ngày 30/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với sơ kết 07 năm thực hiện Kế hoạch số 68-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”.
- Báo cáo số 460-BC/TU, ngày 19/4/2024 về kết quả thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023-2024.
ĐẶNG HỒNG THÁI
Trưởng phòng Lý luận chính trị & Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
[1] Năm 2022 biên soạn chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; năm 2023 biên soạn chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Phú Yên phá triển toàn diện”; năm 2024 biên soạn chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII”.
[2] Thành phố Tuy Hòa với mô hình “tuyến đường hai không “không rác, không lấn chiếm lòng - lề đường” của các phường nội thành”, mô hình “Diễn đàn công an lắng nghe ý kiến nhân dân” của đơn vị công an thành phố Tuy Hòa; huyện Sơn Hòa với các mô hình “Kết nghĩa chi hội người Kinh với chi hội người dân tộc thiểu số”, “Tham gia quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn phát rừng làm nương rẫy”...; thị xã Sông Cầu với mô hình “Mỗi khu dân cư đóng góp, trợ giúp 01 hộ nghèo được vay Quỹ Vì người nghèo không tính lãi để sản xuất kinh doanh thoát nghèo bền vững”…; huyện Tây Hòa với mô hình “Đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với trưởng phòng và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân huyện”, “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Hộp tiền tiết kiệm giúp trẻ em đến trường”, “Tuyên truyền, cảm hóa giáo dục các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật và có nguy cơ phát sinh tội phạm”; huyện Đông Hòa với nhiều mô hình mang tính xã hội hóa cao như: “Vận động giúp đỡ địa chỉ an sinh xã hội”, “Xây dựng quỹ khuyến học”, “Xây dựng nhà nhân ái”, “Nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ người bệnh”; huyện Phú Hòa với phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”; huyện Đồng Xuân với mô hình“Xây dựng nhà Chữ thập đỏ”, “Tủ bánh mì yêu thương” của Hội Chữ thập đỏ huyện, “Cho đi là còn mãi” của Chi hội Phụ nữ Triêm Đức 2, xã Xuân Quang 2, nhóm từ thiện “Hạt gạo tình thương” của hội viên phụ nữ thị trấn La Hai; Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh với các phong trào nổi bật như “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Thùng tiền tiết kiệm”,”Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính bưu chính”; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; Công an tỉnh với các mô hình “Ghi sổ vàng lập công”, “Tiết kiệm theo gương Bác”, “Ngôi nhà thân ái”; Bộ đội Biên phòng tỉnh với các mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước em đến trường”, “Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên chung sức xây dựng nông thôn mới”…