Nằm ở phía Bắc trung tâm thành phố Tuy Hòa, phường 9 có diện tích tự nhiên 1.053,35 ha, trong đó diện tích đất trồng hoa, cây cảnh 96 ha, là địa phương được biết đến với nghề truyền thống là trồng hoa, cây cảnh.
Đ/c Huỳnh Văn Dũng, PCT Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh thẩm định tại các hộ tham gia dự án mô hình.
Xác định thế mạnh của địa phương, trồng hoa cảnh, cây cảnh là chủ lực để phát triển kinh tế - xã hội với vai trò nòng cốt là các chi, tổ Hội Nông dân trên địa bàn với mô hình “Trồng hoa - Cây cảnh”, góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm của nông dân; xây dựng làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, thu hút đầu tư và nâng cao thu nhập cho người dân. Ngày 19/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1587/QĐ-UBND về công nhận Làng nghề hoa cây cảnh Liên Trì 1, Phường 9, thành phố Tuy Hòa với nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh có các loại cây trồng, như: cây mai, cây quất, cây cảnh bon sai; các loại hoa: cúc, thược dược, thân thảo. Đây là bước ngoặc tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng tại địa phương.
Qua mô hình này, nhiều hộ gia đình tích cực, tham gia sản xuất kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu thông qua việc phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh ở địa phương với các mô hình, như: trồng cây cảnh Bonsai của hội viên Võ Văn Chính, Nguyễn Văn Mến, Nguyễn Tấn Nhựt với thu nhập trung bình hàng năm từ 400 - 500 triệu đồng; trồng hoa Thân Thảo của hội viên Phạm Ngọc Đồng; trồng cây Mai của hội viên Đỗ Văn Chiếm, Tô Thị Hồng Lê; trồng Cúc kiểng của hội viên Đặng Thanh Dục,… với mức thu nhập ổn định. Hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng nông nghiệp và PTNT đã bố trí nguồn vốn cho các hộ gia đình vay vốn đầu tư, phát triển kinh tế hộ gia đình với dư nợ 34 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2023, Hội Nông dân Phường 9 đã xét, đề nghị các cấp công nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cho 880 hộ.
Nhà vườn đang chăm sóc hoa cúc chuẩn bị bán Tết Ất Tỵ 2025
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế đó là: công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện mô hình chưa thực sự sâu rộng; đầu tư, sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm; công tác phối hợp các cấp, các ngành tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật về quy trình trồng, chăm sóc, bón phân cho cây trồng để đạt năng suất, chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức.
Những kết quả mô hình bước đầu mang lại “hiệu quả kép”, vừa giúp nông dân chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, vừa xây dựng tổ chức Hội Nông dân cơ sở ngày càng vững mạnh; góp phần quan trọng trong việc định hướng chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cây trồng, ổn định đời sống của hội viên nông dân gắn với các nội dung trọng tâm, trọng điểm của phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và nhất là, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng trong việc tích cực hỗ trợ hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương.
Minh Nguyên