Làm theo gương bác

Một giáo viên người Nùng nặng tình với học sinh DTTS Phú Yên

Cô giáo người Nùng - Lý Thị Thủy, sinh ra ở Lạng Sơn nhưng lại có duyên và gắn bó với mảnh đất Phú Yên đầy nắng và gió từ năm lên tám tuổi khi cha mẹ vào huyện Sông Hinh lập nghiệp từ năm 1990. Là người yêu văn chương từ bé nên khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã ước mơ trở thành cô giáo dạy văn. Hoàn cảnh vất vả của gia đình và khát khao trở thành cô giáo đã trở thành động lực để chị luôn cố gắng và nỗ lực để biến ước mơ thành hiện thực.

Cô Lý Thị Thủy

Năm 2005, cô giáo Thủy được Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên phân công về giảng dạy môn Ngữ văn tại trường THPT Nguyễn Du, ngôi trường với khoảng một phần ba là học sinh người đồng bào. Là người dân tộc thiểu số, hơn ai hết, chị hiểu những khó khăn của con em người đồng bào, nhất là rào cản về ngôn ngữ và những khác biệt về văn hóa, phong tục… Bằng tâm huyết và lòng yêu nghề, chị đã dành nhiều thời gian, nghiên cứu phương pháp dạy học để giúp học sinh người đồng bào dễ dàng tiếp cận, bắt nhịp cùng với học sinh người kinh, giúp các em không phải tụt lại phía sau, tự tin và vươn lên trong học tập.

Sau nhiều năm công tác ở miền núi, chị được thuyên chuyển về công tác tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên - ngôi trường với 100% học sinh là con em người đồng bào. Đây chính là nơi chị phát huy được hết sở trường, năng lực công tác của mình. Học sinh trong trường đa phần ở các huyện miền núi, sống xa nhà, có hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học. Hiểu những ước mơ, hoài bão, tâm tư của học sinh, cô giáo Thủy đã khơi gợi tình yêu đối với văn chương và khát vọng thoát khỏi cuộc sống khó khăn của mỗi em bằng con đường tri thức mà chính chị là một tấm gương sáng cho sự thay đổi ấy. Vì vậy, những giờ dạy văn của cô giáo Thủy luôn được học trò háo hức đón chờ.

Là người tâm huyết với nghề, cô giáo Thủy luôn dành nhiều thời gian đầu tư nghiên cứu phương pháp, nội dung giảng dạy phù hợp với năng lực học sinh, không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp và các tạp chí chuyên ngành. Để nâng cao năng lực chuyên môn và phục vụ tốt hơn cho công việc giảng dạy, cô giáo Thủy đã học lên cao học tại Đại học Sư phạm Huế chuyên ngành Lý luận văn học và tốt nghiệp năm 2017. Với kinh nghiệm, năng lực chuyên môn tốt, tham gia năng nổ các hoạt động của công đoàn, nhà trường, nhiều năm liền cô giáo Thủy đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Các tác phẩm của cô giáo Lý Thị Thủy

Không chỉ là một nhà giáo được đồng nghiệp tin yêu, học trò quý mến, cô giáo Thủy còn là một cây bút trẻ đầy triển vọng. Bén duyên với sáng tác từ những truyện ngắn, tản văn mang đậm hơi thở của cuộc sống, những khó khăn mà chính chị và gia đình đã trải qua từ khi còn ở Lạng Sơn đến những ngày đầu đặt chân đến xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh để bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Có lẽ chất men cuộc đời và sự tài hoa của một ngòi bút bẩm sinh đã chưng cất nên những tác phẩm có chiều sâu, cảm xúc và được độc giả khắp nơi đón nhận. Năm 2016, cô giáo Lý Thị Thủy đã xuất bản tập truyện ngắn đầu tay: “Vòng tay” và tập tản văn “Còn mãi những tin yêu” vào năm 2020. Tháng 11 năm 2024, độc giả càng bất ngờ hơn khi cô giáo Lý Thị Thủy tiếp tục cho xuất bản tập Lý luận phê bình “Khơi chuyện”- tập hợp những bài nghiên cứu, phê bình sắc sảo với góc nhìn mới mẻ về tác phẩm của những nhà văn tiền bối, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ của mảnh đất Phú Yên.

Có thể nói, tình yêu đối với văn chương đã giúp cho cô giáo Lý Thị Thủy có thêm nhiều năng lượng. Ngoài giảng dạy, viết văn, nghiên cứu lý luận phê bình, cô giáo Thủy còn hăng hái tham gia nhiều cuộc thi viết do các báo, tạp chí, các tổ chức trong và ngoài tỉnh phát động và đạt nhiều giải cao: giải Nhất tại cuộc thi “Vòng tay Công đoàn” do Tạp chí Lao động và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức, giải Nhất cuộc thi Sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 35 năm tái lập tỉnh Phú Yên (1989-2024)…

Xã hội ngày càng phát triển với sự bùng nổ của khoa học và công nghệ, học sinh ngày càng hướng đến các bộ môn khoa học tự nhiên và thiếu mặn mà với các môn khoa học xã hội, trong đó có văn học. Nhưng tin rằng, những thầy cô giáo ngày đêm miệt mài, tâm huyết với từng con chữ và tình yêu bất tận với văn chương như cô Lý Thị Thủy sẽ góp phần ươm mầm cho những tài năng, tạo cảm hứng cho học sinh mãi tìm đến với văn chương; giúp bộ môn Ngữ văn không chỉ là một môn học mà còn là bộ môn nghệ thuật, nơi khơi nguồn cho những tài năng, đưa học sinh đến với những giá trị chân, thiện, mỹ của cuộc sống.

PĐH