Có một người đàn ông đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông vẫn thường về với các buôn làng Chăm H’roi Phú Yên. Ông về để nghe con cháu kể chuyện làm ăn, chuyện giữ gìn di sản văn hóa của làng. Và ông về đây cũng để căn dặn lũ trẻ những điều hay, lẽ phải. Giới trẻ trong làng quen gọi ông với cái tên trìu mến “già làng La Ma Chững”, dù hiện giờ ông sinh sống tại TP. HCM. Ông chính là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu La Ma Chững, nghệ danh là Kpa Y Lăng, người dân tộc Chăm H’roi, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
1. Sau 4 năm tập kết ra Bắc, ông rời trường Học sinh dân tộc thiểu số miền Nam, làm diễn viên đoàn Ca múa Tây nguyên. Đang học đàn acoocdeong tại trường Âm nhạc Việt Nam, ông được cử sang học âm nhạc ở Trung Quốc. Cách mạng văn hóa Trung Quốc xảy ra, ông về đầu quân cho đoàn Ca múa Quân giải phóng, vào Nam phục vụ chiến trường. Rồi công tác ở Phân viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật tại TP HCM cho đến ngày nghỉ hưu.
Ngày ông về thăm quê hương Phú Yên sau ngày giải phóng, cũng là ngày ông gặp lại người mẹ mấy chục năm xa cách. Người Bana Chăm không thờ cúng người thân, nhưng ông vẫn dành một nơi trang trọng trong căn phòng nhỏ ở chung cư tại TP.HCM để nhớ về người mẹ của mình. Nhạc sĩ Kpa Y Lăng nhớ lại: “...Tới Tuy Hòa, tôi nghĩ thế nào cũng có bà con. Tôi tìm được ông anh là La Chí Noa. Ổng nói, trời ơi mẹ mày còn sống, mày hãy về nhà đi . Rồi ổng cho tôi mượn chiếc Honda 67. Tôi về, mẹ tôi đi rẫy, tôi đợi ở nhà, chiều bà về. Thấy tôi, bà khóc và mếu máo nói, tao tưởng mày chết, mày đi theo Bác Hồ nên không thấy mày đâu hết, nghe đồn mày vào đánh Mỹ rồi chết trong Nam bộ. Giờ thấy mày, tao mừng lắm…”
Văn hóa Tây nguyên nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số Phú Yên nói riêng có một sức hút kỳ lạ đối với ông. Dù còn làm việc hay đã nghỉ hưu, hễ có dịp về với đồng bào là ông lại lao vào sưu tầm, nghiên cứu. Để công việc được dễ dàng, ông tự học và nói thành thạo nhiều thứ tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số Phú Yên và Tây nguyên. Nên mỗi khi về làng, ông không chỉ là đứa con của đồng bào Bana Chăm mà còn là người con của nhiều buôn làng.
Nhiều người gọi, ông là pho từ điển sống về âm nhạc dân gian và phong tục tập quán các dân tộc thiểu số. Nhưng ông luôn nghĩ, hiểu biết của mình vẫn còn rất ít ỏi. Sự tâm huyết của ông với di sản văn hóa Phú Yên, Tây nguyên được nhiều người trân trọng. Nhưng chính những việc làm không mệt mỏi của ông trong bảo tồn di sản đó, và thông qua văn hóa, giúp cho cộng đồng thương yêu, đoàn kết, buôn làng bình yên mới làm cho nhiều người khâm phục, ngưỡng mộ.
Dường như tất cả sự gay gắt, mạnh mẽ của nắng gió quê hương đều có trong con người ông. Lúc nào ông cũng tất bật, cũng sôi lên sùng sục như nồi nước trên bếp lửa nhà sàn. Trong nền âm nhạc Việt Nam, có rất nhiều ca khúc viết về miền núi Phú Yên, về Tây nguyên, nhưng thơ, nhạc của Kpa Y Lăng vẫn có nét rất riêng, vừa mạnh mẽ như sức sống của núi rừng, vừa thể hiện tình cảm ông dành cho đồng bào, cho văn hóa Tây nguyên. Mỗi lần ông về với đồng bào là một bài thơ, một ca khúc mới ra đời. Nhiều thơ, nhạc của Kpa Y Lăng đã trở nên quen thuộc với bà con, bởi ca từ, giai điệu đều đậm chất Tây nguyên, như: Trên những nẻo đường xuân, Tây nguyên hát mừng chính quyền Cách mạng, Tây nguyên tiến công, Ta về Đà Lạt, ca khúc trở thành nhạc hiệu của Đài Truyền thanh-Truyền hình Đà Lạt.
La Ma Chững cùng con trai La Y Sang tại một buôn làng Tây Nguyên (ảnh TTH)
2. Nhưng có lẽ công chúng biết đến Kpa Y Lăng nhiều hơn với vai trò một nhạc sĩ sáng tác, sáng tác ca khúc hoặc làm thơ để phổ nhạc. Ông viết Bác Hồ sống mãi với Tây nguyên, nghệ sĩ ưu tú Măng Thị Hội thể hiện rất thành công từ năm 1970. Đã có trên 20 bài thơ của ông đã được phổ nhạc, mang âm hưởng Tây nguyên. Những Krong Ana hát, Chiều Đăk Bia, Plei Ku gió, đặc biệt là Suối hát Ây Rey mang âm hưởng dân ca Ê đê, cố nghệ sĩ nhân dân Y Moan thể hiện rất thành công, đã mang lại cho ông giải nhất năm 2002 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam…
Nhạc sĩ Kpa Y Lăng cho biết: Người Ê đê hay hát Ây-rey, tôi nghe và ghi hết toàn bộ. Hôm sau tôi hoàn thành tác phẩm Suối hát Ây-rey với chất liệu Ê đê, có tiếng trống, tiếng chiêng. Sau đó, tôi lãng quên đi. Đến năm 2000, tôi mới lục ra bài Suối hát Ây-rey. Tôi đi Buôn Mê Thuộc, gặp ca sĩ Y Moan, Y Moan hỏi: Anh dạo này có sáng tác không ?. Tôi nói: Có một bài bài dân ca Ê đê mà lâu quá quên. Y Moan nói: Ồ ! hay quá, thôi đưa cho em...”
Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận xét về nhạc sĩ Kpa Y Lăng như sau: Nói về Kpa Y Lăng thì phải hình dung ngay đây là người không chịu ngồi yên phút nào. Ông năng động, sùng sục, dù quê ở Phú Yên nhưng văn hóa Trường Sơn Tây nguyên thấm đẫm vào máu ông ấy. Cho nên gần như các tỉnh Tây nguyên không có năm nào, mùa lễ hội nào vắng mặt ông. Mỗi khi anh em thấy ông xuất hiện ở Tây nguyên, ở các sự kiện về di sản văn hóa, âm nhạc dân gian, đồng bào, bạn bè, đồng nghiệp rất phấn khởi. Vì ông luôn luôn động viên, thôi thúc những người hoạt động văn hóa tại chỗ. Còn sản phẩm về các chuyến đi, dù không có những công trình lớn nhưng ông hướng dẫn những người làm nghiên cứu là chính. Và những sản phẩm như chùm thơ, dăm ba ảnh nghệ thuật, đặc biệt là các sáng tác âm nhạc ở thể loại ca khúc, sau mỗi chuyến đi ông đều có thu hoạch. Và chính vì diện hoạt động rất rộng như thế nên tất cả hiện tượng về di sản văn hóa ở miền Trung Tây nguyên, của đồng bào, không kể dân tộc nào, từ M’Nông, Ê đê ở Đắc Nông, Đắc Lăk, đến Mạ, Chil ở Lâm Đồng, đến người Ba na Chăm quê hương ông, từ Bình Định đến Gia Lai, Kon Tum...dường như tất cả ông đều quan tâm hết. Mỗi lần đi, con người ông đầy cảm xúc và năng động, trong đó có niềm tự hào nguyên gốc về rừng, văn hóa rừng Tây nguyên bao la là quê hương của ông. Đặc biệt, ông luôn trăn trở, lo lắng, đau đáu về những vấn đề có nguy cơ mai một về di sản văn hóa cũng như sự bình yên cho mỗi buôn làng”.
Ở phố núi Pleiku tỉnh Gia Lai có một người mà bạn bè chỉ quen gọi là “ người Bâhnar lãng mạn”. Ông là nghệ sĩ ưu tú Thảo Giang, nguyên là nhạc công Đoàn nghệ thuật Đam San, người đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhiều người bởi sự tài năng, tận tụy với âm nhạc Tây nguyên. Đồng bào Tây nguyên làm ra chiếc đàn goong để thay thế dàn cồng chiêng. 11 dây đàn có khả năng thay thế cả một dàn cồng chiêng hơn 10 chiếc. Nhưng làm sao truyền dạy được cách diễn tấu đàn goong cho lớp trẻ, khi mà đàn ghi ta điện, đàn oocrgan đang ngày càng hấp dẫn cả con em đồng bào Tây nguyê? Điều này làm cho “người Ba Na lãng mạng” nhiều đêm không ngủ...
Kpa Y Lăng sợ một ngày bước chân mình không còn đến được với Tây nguyên, nên đã đưa con trai mình là La Y Sang lên học đàn goong với thầy Thảo Giang. Âm thanh réo rắt, trong vắt, tuôn chảy từ ngón tay tài hoa của nghệ sĩ nhân dân Thảo Giang đã mê hoặc La Y Sang như từng mê hoặc nhạc sĩ Kpa Y Lăng. NSUT Thảo Giang cho biết: “Cùng ăn, cùng ở với thầy mấy mùa rẫy, giờ đây, La Y Sang đã mê mẩn cây đàn goong và lần mò học được cách làm đàn, lên dây, hòa tấu với nhiều loại nhạc cụ khác... Nỗi lo thất truyền tiếng đàn goong không còn nữa, mình đã bày hết mọi ngón nghề cho đứa con của người bạn già”. Đã hơn 80 mùa rẫy, sức khỏe ngày một giảm sút, nhưng nghệ sĩ ưu tú Thảo Giang rất mãn nguyện, vì đã có học trò chơi đàn ngày một hay hơn. Những lúc vui buồn, thầy trò lại mang đàn ra gảy. Tiếng đàn của thầy trò Thảo Giang vẫn réo rắt, bay đến buôn gần, buôn xa..
Học xong đàn goong với thầy Thảo Giang, Kpa Y Lăng lại gửi con đến các buôn làng khác ở Tây nguyên để tiếp tục tìm hiểu cách chế tác, biểu diễn nhiều nhạc cụ khác. Tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM, 2 năm gắn bó với đoàn ca múa Bông Sen, La Y Sang không chỉ nhanh chóng nắm bắt được một cách cơ bản các loại nhạc cụ truyền thống của Tây nguyên, mà còn biết chế tác một số nhạc cụ, biểu diễn phối hợp với các nhạc cụ hiện đại.
La Y Sang cùng NSUT Thảo Giang (ảnh TTH)
3. Bao năm xa quê học tập, công tác, hễ có dịp là nhạc sĩ Kpa Y Lăng lại về thăm buôn Xí, buôn Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, quê hương Phú Yên của ông.
Sinh sống ở miền núi Tây Bắc tỉnh Phú Yên, cộng đồng Bana Chăm một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ kháng chiến giữ làng, giữ nước. Nhiều trí thức, văn nghệ sĩ người Chăm H’Roi đều trưởng thành từ các buôn làng này. Nhạc sĩ Kpa Y Lăng không chỉ dạy con trai chữ tình, chữ nghĩa với đồng bào mình, mà còn muốn La Y Sang biết tự hào về vùng đất với những nét văn hóa riêng có của người Bâhnar Chăm. Ở đây, có những phụ nữ Bana Chăm dù bận rộn việc nương, việc nhà đến mấy, vẫn dành thời gian cần mẫn bên khung cửi, dệt nên những sắc màu văn hóa của cộng đồng dân tộc mình.
Nét văn hóa độc đáo nhất trong cộng đồng Banna Chăm là bộ nhạc cụ trống đôi-cồng ba-chiêng năm, một sự hợp hôn trong âm nhạc của 2 tộc người Bana và Chăm. Thuở nhỏ, cậu bé La Ma Chửng thường ngồi hàng giờ lắng nghe trai tráng trong buôn đấu trống đôi với âm thanh thì thụp, thể hiện những vui buồn, hờn giận, sẻ chia. Giờ ông lại cùng dân làng phục hồi nghề dệt thổ cẩm, dựng lại nhà rông, đề nghị chính quyền hổ trợ bà con mua sắm cồng chiêng…Những việc làm này sau đó nhiều địa phương ở Tây nguyên đã làm theo. Ông tâm sự: “Tây nguyên rất rộng lớn, có nhiều dân tộc anh em sinh sống. Từ Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lăk, Đắc Nông với người Bana, Gia Rai, Ê đê đến người Lạch, người Chil, người K’Ho, người Châu Mạ ở Lâm Đồng. Mỗi dân tộc đều có những nhạc cụ rất đặc trưng từ trống, cồng, chiêng, đến đàn T’rưng, các loại sáo...Người Bana Chăm có trống đôi để đối thoại giữa chẵn và lẽ, giữa vui và buồn. Tiếng cồng để giữ nhịp và tiếng chiêng chính là giai điệu. Đây là vốn văn hóa đặc thù nhất của đồng bào Bana Chăm, con cháu phải biết giữ gìn. Để mất nó là mất đi cái hồn dân tộc.”
Cuối đời, cả nhà văn Y Điêng, nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng (đã mất) đều mong có một mảnh vườn nhỏ để chăm chút những lúc rảnh rổi, nên hai ông đã chọn gắn bó với núi rừng. Có lẽ được nhiều mảnh vườn nho nhỏ như thế, Tây nguyên mới giữ được màu xanh của đại ngàn, giữ được văn hóa đặc sắc. Kpa Y Lăng sống ở TP.HCM không có vườn, có rẫy, nhưng ông có cả Tây nguyên rộng lớn trong tâm thức ông. Còn hạt giống mà Kpa Y Lăng đã ươm mầm từ nắng gió quê nhà, từ vùng cao nguyên đất đỏ Tây Nguyên, giờ đã vươn thành cây, gọi chim về tụ đàn, hót vang. La Y Sang đã trở thành 1 trong 5 thành viên của nhóm Sân khấu Việt, đưa nhạc cụ truyền thống Tây nguyên biểu diễn thường xuyên ở nhiều nước châu Âu …
Từ phải qua: Nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng, nhà văn Y Điêng, NS La Ma Chững và nhà báo Trần Thanh Hưng tại Sơn Hòa (ảnh Phương Vũ)
Nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdăm cho biết: “Nhạc sĩ Kpa Y Lăng sống ở Sài Gòn, cuộc sống khác với buôn làng ở đây nhưng ông luôn hướng về buôn làng. 2 cha con ông rất yêu quí dân ca, cồng chiêng Tây nguyên, biết làm và chơi được nhiều nhạc cụ: đàn goong, đàn t’rưng, sáo…của đồng bào Bana, Gia Rai và nhiều tộc người khác. Qua âm nhạc, ông còn góp phần giúp cho bà con đoàn kết, mang lại sự bình yên cho buôn làng. Vì vậy, nhiều người ở các buôn làng Tây nguyên chỉ quen gọi Kpa Y Lăng là già làng Tây nguyên...”
Cuộc sống của đồng bào Tây nguyên giờ có nhiều khác xưa: tượng nhà mồ đã đắp bằng xi măng, nhà rông được xây cất hiện đại, âm nhạc bắt đầu có những lai căng. Điều này càng thôi thúc nhạc sĩ Kpa Y Lăng thường xuyên đi về với buôn làng. Tại Liên hoan cồng chiêng quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Pleiku, nhạc sĩ Kpa Y Lăng đã đưa trống đôi-cồng ba-chiêng năm của đồng bào từ buôn làng Phú Yên lên tham dự. Ông nghĩ rằng, nếu mỗi tộc người đều giữ được nét văn hóa của dân tộc mình, thì sẽ giữ gìn được tất cả. Có lẽ, đồng bào các dân tộc thiểu số Phú Yên, Tây nguyên rất cần những người con như nhạc sĩ Kpa Y Lăng.
(Trần Thanh Hưng)