Làm theo gương bác

Học tập Bác Hồ với truyền thống chăm lo Tết cho Nhân dân

Hằng năm, cứ mỗi mỗi lần Tết đến, Xuân về, Đảng và Nhà nước đều quan tâm, chăm lo, chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt việc chăm lo cho người dân, làm sao để mỗi người dân đều có một mùa xuân, cái Tết ấm no, hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30/1/1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu). Ảnh tư liệu

Truyền thống tốt đẹp đầy tính nhân văn đó được Bác Hồ thực hiện từ những năm tháng đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cả cuộc đời Bác “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì vậy, Bác luôn mong cho dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc.  

Với Bác Hồ, Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc mùa xuân có ý nghĩa đặc biệt đối với đất nước, dân tộc và từng người dân Việt Nam. Vì vậy, trước Tết hàng tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành, các địa phương chuẩn bị chu đáo cho dân đón Tết; nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài.

Có nhiều câu chuyện kể xúc động về việc Bác đi thăm và chúc tết đồng bào vào đêm giao thừa. Vào đêm giao thừa của Tết đầu tiên sau ngày nước nhà giành được độc lập (1946), Bác và đồng chí thư ký cùng đi trong một ngõ nhỏ trên phố Sinh Từ, đó là nơi ở của một người kéo xe thuê ở tỉnh khác về làm ăn. Do không đủ tiền về quê ăn Tết, lại bị ốm, đang lên cơn sốt, người kéo xe thuê đón giao thừa mà trong phòng ở không có gì. Bác đứng lặng nhìn người kéo xe với tất cả lòng thương cảm.

Sau khi thăm hỏi, Bác dặn đồng chí thư ký hôm sau mang thuốc và quà Tết đến chia sẻ, động viên. Trên đường về, Bác nói: “Ba mươi Tết mà không có Tết”.

Rồi sáng ngày mồng một Tết, Bác đã mời đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội lên nhắc nhở vì không thực hiện tốt thư của Người về tổ chức Tết, dẫn đến nhiều gia đình nghèo không có Tết và yêu cầu đồng chí Chủ tịch sửa chữa khuyết điểm. Kết quả, Tết năm sau, gia đình nghèo đều được hưởng Tết do có sự phối kết hợp các đội tuyên truyền, nhân dân đã vận động tương trợ, giúp đỡ các gia đình nghèo có Tết.

Hoặc như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Tín, người gánh nước thuê ở ngõ 16, Lý Thái Tổ. Hoàn cảnh của chị rất vất vả, chồng mất sớm, một mình chị tần tảo nuôi bốn con nhỏ, nên đêm 30 Tết Nhâm Dần rét buốt mà chị vẫn phải đi gánh nước thuê.

Với đôi gánh trên vai, chị vừa ra ngõ thì gặp Bác. Quá bất ngờ, đôi gánh trên vai chị rơi xuống đất. Tay chị run run nắm lấy tay Bác và nói trong sự nghẹn ngào xúc động: “Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm!”.

Bác nhẹ nhàng: “Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...”. Nói rồi Bác bước vào trong nhà, nhìn căn phòng tuềnh toàng và trên bàn thờ tổ tiên chỉ có nải chuối xanh trong khi 4 đứa con chị đang chia nhau một gói kẹo, một ánh mắt buồn sâu thẳm trên khuôn mặt nhân hậu của Bác. Bác lấy kẹo chia cho các cháu, lấy chiếc bánh chưng được chuẩn bị sẵn đặt lên bàn thờ.

Và còn rất nhiều câu chuyện cảm động về việc Bác đi thăm và chúc Tết những người dân nghèo. Với cương vị Chủ tịch nước, dù bận “trăm công nghìn việc” nhưng hằng năm Người luôn dành thời gian của mình để đến thăm từng nhà dân, để xem Nhân dân ta chuẩn bị Tết cổ truyền, để thấy được người dân có thực sự được hưởng cuộc sống ấm no, vui tươi, hạnh phúc hay không? Những suy nghĩ, lời nói, việc làm của Bác đã trở thành triết lý sống nhân văn đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Kế tục truyền thống tốt đẹp đó, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025. Ban Bí thư yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong đó đặc biệt quan tâm: tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, đẩy mạnh thực hiện các chương trình giảm nghèo, xoá nhà tạm, nhà dột nát; thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm... bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết. Tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên, chúc Tết cán bộ lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong những ngày Tết, ở biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Chương trình Chào năm mới 2025 tại Quảng trường 1- 4

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 31/12/2024 về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong tỉnh tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, tiếp tục khơi dậy, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, tập trung rà soát, đẩy mạnh thực hiện các chương trình giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm và trẻ em mồ côi, cơ nhỡ... bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết trong không khí vui tươi, đầm ấm.

Tổ chức chu đáo các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, chúc Tết cán bộ lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong những ngày Tết, nhất là ở khu vực biên giới biển, vùng khó khăn, địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tích cực hưởng ứng, tuyên truyền, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Phong trào “Tết Nhân ái” Xuân Ất Tỵ 2025 do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động ở cấp, ngành mình. Tăng cường huy động, kêu gọi các nguồn lực xã hội, các tổ chức, cá nhân ủng hộ, đồng hành thực hiện hiệu quả Phong trào, tích cực tham gia chăm lo đời sống người dân còn khó khăn trong dịp Tết.

UBND tỉnh Phú Yên ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 27/12/2024 về việc chuẩn bị, tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan, đơn vị tổ chức thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; thăm hỏi, động viên các đơn vị lực lượng vũ trang và lực lượng khác làm nhiệm vụ trong những ngày Tết. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “Tương thân, tương ái” của dân tộc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm và trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết.

Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 6.628 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,50% tổng số hộ dân cư), 15.818 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,96% tổng số hộ dân cư tại thời điểm rà soát (theo Báo cáo số 229/BC-SLĐTBXH ngày 15/11/2024 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024). Việc chăm lo Tết Ất Tỵ 2025 cho người dân nhất là các hộ ngèo, cận nghèo, các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế đang được các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm để làm sao bà con ai cũng có cái tết đầm ấm, an vui, hạnh phúc.

Trong không khí những ngày cuối năm, chuẩn bị bước sang năm mới 2025 - Xuân Ất Tỵ, chúng ta lại nhớ đến Người và tri ân những cống hiến lớn lao mà Bác đã dành cho dân tộc Việt Nam. Học tập Bác, chúng ta ra sức phấn đấu để lập nhiều thành tích hướng tới chào mừng 135 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2025), chào mừng các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước trong năm 2025 và quyết tâm cùng với cả nước tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

PĐH