Trên đường thiên lý xuôi Nam vào địa phận Phú Yên qua khỏi đỉnh đèo Cù Mông lịch sử, nghe văng vẳng đâu đây lời dân ca như tan trong gió thoảng: Ngó vô vũng Lấm, Sông Cầu. Cù lao Ông Xá đứng hầu ngoài khơi.
Một góc Vũng Lấm Sông Cầu. Ảnh: Tour Phú Yên
Nhiều người biết rõ Sông Cầu xưa, là một thị trấn nhỏ thơ mộng, ngót nửa thế kỷ là tỉnh lỵ Phú Yên, nhưng hình như không mấy người biết đến, Sông Cầu có một Vũng Lấm, một thời vang danh. Vũng Lấm (còn có tục danh ao Xóm Lưới, Vũng Lắm) thuộc thôn Tân Thạch; xã Xuân Thọ 2, phía nam là Gành Đỏ, phía bắc là Triều Sơn, cách thành phố Tuy Hòa chừng 35km, và cách thị xã Sông Cầu khoảng hơn 15km.
Từ Vũng Lấm, gần thì nhìn ra biển Đông thấy chân sóng nhấp nhô quanh Hòn Đen, cù lao Ông Xá; xa hơn là những cụm núi kết thành bán đảo Hải Phú che chở cho toàn vịnh Xuân Đài và tạo ra nhiều vũng nhỏ. Những cảnh quan đẹp gắn với con người nơi đây được dân địa phương hệ thống lại thành câu ca dao:
Vũng La, vũng Sứ, vũng Chào
Vũng Dông, vũng Lấm, vũng nào cũng thương
Đại Nam Nhất Thống Chí chép: “…Vũng Lấm rộng 318 trượng, khi nước lên sâu một trượng năm thước, nước ròng sâu một trượng. Thời kỳ chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, tại vịnh Xuân Đài đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt và Vũng Lắm là một quân cảng quan trọng..,”
Năm 1651, thủ phủ dinh Phú An (tức Phú Yên) ở phía đông nam Vũng Lấm, tự nó nằm trong thế phát triển chung của cả vùng. Dân cư dựa theo bờ biển đông đảo, nhà cửa sầm uất, khách buôn tấp nập. Nhà Nguyễn đặt ở đây trấn thủ, sau đổi thành Sở Thương chánh.
Vũng Lấm còn là nơi chứng kiến sự kiện ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được tổ chức trên sóng nước Vũng Lấm cách nay 192 năm (1832-2024).
Theo nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ, người Mỹ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam là John White, vào năm 1819 – Kỷ Mão dưới triều Gia Long, nhưng chỉ là một thương gia với tư cách cá nhân. Năm 1832 – Nhâm Thìn, Minh Mạng thứ 13, một phái đoàn chính thức của Hoa Kỳ đến thăm nước Đại Nam tại Phú Yên. Đây cũng là phái đoàn đầu tiên của nước Mỹ đi thăm viếng các quốc gia Á Đông.
Phái đoàn do ông Edmund Roberts dẫn đầu. Edmund Roberts là một nhà hàng hải Hoa Kỳ, được Tổng thống Andrew Jackson ủy nhiệm, mang theo bút thư gửi các vị vua chúa Á Đông để thương thuyết những hiệp ước, và một chứng minh thư đề ngày 26-1-1832 do Quốc vụ khanh Livingston cấp. Ông lên chiến thuyền Peacock thuộc hạm đội Mỹ do thuyền trưởng là đại úy Georges Thompson điều khiển, rời Boston ngày 8-3-1832, cuối năm ấy neo tàu tại Vũng Lấm vịnh Xuân Đài, nhờ người liên lạc trình thư lên Tuần phủ Phú Yên.
Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỉ chép việc này như sau:
“…Nhã Di lý. Nước ấy ở Tây Dương hoặc xưng là Hoa Kỳ hoặc xưng là Ma Ly Căn hoặc xưng là Tân Anh Cát Lợi đều là biệt hiệu vậy.
Quốc trưởng nước ấy khiến bọn bề tôi là Nghĩa đức môn La bách và Đại úy Đức giai Tâm gia (tên hai người) đem quốc thư đến cầu thông thương, đậu thuyền ở cửa biển Vũng Lấm tỉnh Phú Yên. Vua khiến Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lý Văn Phức đến hội với tỉnh thần Phú Yên lên thuyền họ khoản đãi mà cật vấn ý tứ họ đến là muốn gì? Họ nói: Đến đây chỉ cần sự giao hảo thông thương mà thôi. Từ ý của họ tỏ ra cung kính thuận hòa. Kịp khi dịch thư của họ thì thấy nhiều chỗ không hợp thức.
Vua dụ khiến: Không cần đệ quốc thư nhưng chuẩn cho quan quyền lãnh Thương bạc làm tờ tư lược nói: Nước họ muốn cầu thông thương mậu dịch đây vẫn không ngăn trở nhưng họ phải tuân theo luật pháp đã ấn định, tự hậu có đến giao thương thì cho đậu thuyền ở tại vũng Trà Sơn thuộc vịnh Đà Nẵng chứ không được lên bờ làm nhà, vượt ngoài pháp kỷ. Giao tư văn cho họ lãnh thọ mà đưa họ đi…”
Trong đoạn trích trên đây có những danh từ đã được Hán tự hoá. Đó là tên nước Mỹ: Nhã Di Lý là phiên âm của Etats Unis, Ma Ly Căn là phiên âm của American, Tân Anh Cát Lợi là dịch và phiên âm của Nouvelle Angleterre (New England). Tên ông Edmund Roberts phiên âm là Nghĩa đức môn La bách, Đại úy George Thompson phiên âm là Đại uý Đức giai Tâm gia. (Do trong Đại Nam thực lục bản chữ Hán không có chấm câu nên bản dịch của UBKHXH in tại Hà Nội đã chen một dấu phảy vào giữa, cắt từ Đại úy làm đôi, hai tên người thành ra “Nghĩa đức môn la bách đại, Úy đức giai tâm gia”. Hiện nay rất nhiều sách báo trích lại y như vậy. Trong Biên niên lịch sử cổ trung đại lại ghi tên “hai người là Nghĩa Đức Môn, La Bách Đại” và tên ông Lý Văn Phức thành ra Lý Văn Phước) – theo Trần Sĩ Huệ.
Vậy “bữa tiệc ngoại giao” đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cách nay 192 năm đó người Mỹ đã được Phú Yên thếch đãi những món sơn hào hải vị nào? Không thấy có ghi chép nào về nội dung này. Nhưng chắc chắn trong các món ăn hôm đó có nước mắm ngon hảo hạng của Gành Đỏ, thứ “quốc túy Việt Nam” mà sau này, người Pháp không có từ riêng đành viết là “le nươcmăm”?
Khi dịch bản quốc thư từ tiếng Anh sang Hán Việt có nhiều điều không hợp thức (cập dịch kỳ thư đa bất hợp thức), có lẽ vì không ghi rõ vương hiệu, quốc hiệu nước ta không đầy đủ nên vua Minh Mạng phê là “bất tất đầu đệ”, không cần đệ quốc thư lên ngự lãm. Tuy vậy triều đình Việt Nam cũng cho phái đoàn Mỹ biết là ta không có gì trở ngại về việc giao thương, nhưng phải tuân theo luật pháp nước ta.
Theo Edmund Roberts và sứ bộ Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam của Robert Hopkins Miller (Ngô Bắc dịch) thì: “… Chiếc thuyền Peacock đã đến vùng vịnh Đà Nẵng trong thời tiết xấu, đây là địa điểm tốt nhất và gần nhất để thông tin với kinh đô tại Huế, cách khoảng 50 dặm. Sau khi đã nằm ở ngoài khơi bờ biển Đà Nẵng trong 4 ngày chiếc thuyền đã gặp phải các luồng gió nồm đông nam thổi mạnh. Tàu bị giạt xuống phía nam và sau cùng đã ghé vào cập bến ở Vũng Lấm, phía nam cù lao Poulo Cambir và phía bắc mũi Varella, ở một địa điểm phía nam thành phố Qui Nhơn ngày nay…”
Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ, tư liệu trên có nêu ra những chi tiết trong bản tường trình của Edmund Roberts như: Các quan chức của ta nói bây giờ nước ta không còn gọi là An Nam như trước đây mà là Việt Nam (Wietman, theo quan thoại là Yuenan) và được cai trị bởi, không phải là một vương (wang) mà là bởi một hoàng đế (hwang-te). Các quan chức ta cũng nhấn mạnh rất lâu rằng bởi Tổng thống là một viên chức do dân bầu cử và không phải là một nhà vua nên ông ấy phải xưng hô với hoàng đế trong một cung cách lịch sự và tôn kính. Có lẽ đây là những điều bên ta đã cho là “bất hợp thức”.
Edmund Roberts còn được cho biết khi đến Huế nếu muốn yết kiến hoàng đế phải tuân hành các nghi lễ của triều đình và chịu làm lễ ko-tow, lạy sát đầu xuống đất (ko-tow = khấu đầu).
Edmund Roberts rời Vũng Lấm đi Thái Lan vào cửa sông Mê Nam ngày 18-2-1833. Năm 1836 – Bính Thân phái đoàn trở lại Việt Nam vào vũng Trà Sơn. Vua Minh Mạng cử Thị lang bộ Hộ Đào Trí Phú, Thị lang bộ Lại Lê Bá Tú đến gặp, nhưng Edmund Roberts bệnh nặng không tiếp được. Tàu Peacock phải rời Trà Sơn đi Ma Cao. Edmund Roberts chết tại Ma Cao ngày 12-6-1836.
Sứ mạng ngoại giao của Edmund Roberts với Việt Nam tuy không thành, nhưng sự việc chứng tỏ rằng ngay từ đầu thập niên 30 của thế kỉ XIX, Hoa Kỳ tuy ở cách xa và thời ấy sự bất đồng ngôn ngữ, giao thông chưa thuận tiện là những trở ngại lớn, họ đã muốn gặp gỡ Việt Nam trên lập trường bình đẳng, ngõ hầu đặt nền móng cho cuộc bang giao chính thức. Như vậy, Vũng Lấm tự hào là địa danh của Phú Yên đã làm một “chứng nhân lịch sử” trong mối bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
(TTH)