Nhân dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 vừa khai mạc và chuẩn bị kỷ niệm 65 năm ngày kết nghĩa giữa hai tỉnh Phú Yên và Hải Dương (09/01/1960 - 09/01/2025), trân trọng giới thiệu lá thư của nhân sĩ Tam Giang - Trần Bính, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên gửi cán bộ và nhân dân Hải Dương (bấy giờ là tỉnh Hải Hưng) 55 năm trước.
Thanh niên Hải Dương hăng hái luyện tập quân sự và tham gia nhập ngũ. Ảnh: TL
“Các đồng chí và đồng bào thân mến!
Có dòng nước ngọt nào lại không bắt nguồn từ những con suối mát không bao giờ cạn? Và những đóa hoa thơm, những chùm quả ngọt nhất định phải nảy nở từ một thân cây khỏe mạnh, có nhiều rễ bám sâu trong lòng đất.
Những thành tích mà chúng tôi đạt được trên đây trước hết là do sự lãnh đạo sáng suốt của Mặt trận và của Bác Hồ kính mến, do sự nỗ lực không ngừng của quân và dân tỉnh chúng tôi. Nhưng còn một nguyên nhân vô cùng quan trọng khác không thể thiếu được, đó là sự cổ vũ, giúp đỡ nhiệt tình của quân dân miền Bắc, quân dân Hải Hưng kết nghĩa ruột thịt. Suốt mấy năm nay, trên tuyến lửa Phú Yên luôn luôn có mặt những người con Hải Hưng, đang hang say chiến đấu, đồng cam cộng khổ, cùng hòa xương máu, góp phần tô thắm ngọn cờ chiến thắng của Phú Yên.
Những lá cờ thi đua, những cây bút máy Trường Sơn, Hồng Hà, những chiếc nhẫn làm bằng xác chiếc máy bay phản lực Mỹ bị bắn rơi trên đất Hải Dương có khắc chữ P-H (Phú-Hải) mà quân dân Hải Dương gửi tặng, cùng với những tấm gương sáng chói trên mọi mặt trận chiến đấu, sản xuất, xây dựng của Hải Hưng từng giờ, từng phút, giục giã chúng tôi vững bước trên con đường chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Con số 60 chiếc máy bay Mỹ đã bị quân và dân Hải Hưng tiêu diệt, phong trào vượt chỉ tiêu 5 tấn của Hải Hưng, tiếng nói ấm áp, đậm đà tình nghĩa Phú - Hải của các đồng chí Lê Quý Quỳnh, Lê Hoài Bắc trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã cổ vũ, kích thích chúng tôi rất nhiều.
Một lần nữa, chúng tôi xin gửi đến các đồng chí và đồng bào lời cảm ơn chân thành về sự giúp đỡ hết lòng, hết sức, sâu nặng nghĩa tình mà đồng chí, đồng bào đã dành cho chúng tôi. Chúng tôi hứa sẽ xứng đáng với mối tình cao đẹp đó, học tập tinh thần lao động quên mình, chiến đấu dũng cảm của đồng bào và chiến sĩ Hải Hưng, chúng tôi quyết thừa thắng xông lên, ra sức đẩy mạnh hơn nữa ba mũi giáp công, tiến công liên tục, nổi dậy đều khắp, làm cho mỗi mảnh đất của Phú Yên đều trở thành An Ninh, Hòa Hiệp (1), mỗi đường năm nổi sấm, mỗi con người đều trở thành Lê Trung Kiên (2), Vũ Văn Năm (3), xứng đáng với anh hùng Mạc Thị Bưởi của Hải Hưng, tiến lên giành những thắng lợi quyết định trong thời gian tới, để một ngày không xa Phú Yên - Hải Hưng chúng ta được tay bắt mặt mừng giữa một mùa xuân vĩnh viễn trong Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Ngày 15/01/1969”
Tam Giang - Trần Bính là một nhân sĩ trí thức yêu nước, sống suốt chiều dài thế kỷ XX, chứng kiến bao đổi thay thời cuộc. Từ một vị quan thời phong kiến, ông đã hăng hái tham gia cách mạng và cống hiến cả đời mình cho quê hương. Ông sinh ngày 6/10 năm Nhâm Tý, 1912 bên dòng sông Tam Giang, vùng đất Tổng Xuân Bình xưa, nay là khu phố Long Phước, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Nhân sĩ Tam Giang - Trần Bính, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên (Nguồn: Gia đình cung cấp)
Ông là con độc nhất trong một gia đình nho giáo, sớm mồ côi cha. Ông được ông Trần Kỳ Quì, thường gọi là Thừa Kỳ, con quan Tri phủ Trần Kỳ Phong nhận làm con nuôi, dạy dỗ.
Năm 1926, ông Trần Bính học trường Pháp - Việt Sông Cầu. Năm 1929, ông đậu Á khoa trong kỳ thi Primaire (Tiểu học) lần đầu tổ chức ở Sông Cầu. Vui mừng cậu bé mồ côi học giỏi, bạn bè cũ của cha ông đến tặng một bức trướng 4 chữ "Thương hạnh trọng tài", chữ màu vàng trên nền vải bố đỏ. Hồi đó, chuyện học hành ở Phú Yên không mấy dễ dàng. Vậy mà khi đậu vào trường Trung học Qui Nhơn, ông Trần Bính phải bỏ học về nhà chịu tang mẹ.
Dù bơ vơ giữa dòng đời, nhưng ông Trần Bính vẫn cố gắng vào Sài Gòn học trường kế toán, rồi về làm ở Nông khố Ngân hàng Tuy Hòa. Vẫn còn duyên nợ với đèn sách, tháng 8 năm 1931 ông tiếp tục ra Huế thi vào trường Quốc tử giám. Và vinh dự đã đến với thí sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ Trần Bính: ông đã đỗ thủ khoa trong số 200 thí sinh miền Trung ứng thí kỳ thi cuối cùng của trường. Khi ra trường, ông lại đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp.
Năm 1934, trong khi chờ triều đình bổ nhiệm, ông vào làm ở Sở Đạc điền Phú Yên vừa thành lập. Năm sau, ông cưới bà Bùi Trần Thị Ân, người phụ nữ đậu Primaire đầu tiên ở Phú Yên. Ông bà sinh hạ được 3 con trai và 3 con gái, con cháu chắt đều theo nếp gia phong họ Trần.
Ông có 6 năm được triều Nguyễn bổ nhiệm làm Kiểm lý đồn Minh Long ở Quảng Ngãi, một quản hạt miền núi. Sau đó, ông được Đảng, Nhà nước cho sang Quế Lâm, Trung Quốc điều trị bệnh, được tham quan các nước Bungari, Nga...
Nhật đảo chính Pháp năm 1945, ở Sông Cầu, quan Tuần vũ Hồ Ngận và Án sát Trần Ngọc Liễn bàn giao ấn tín cho ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên và ông Trần Bính được bầu vào Ban Thường trực Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính huyện Đồng Xuân. Sau đó, ông làm Chủ tịch huyện rồi Trưởng Phòng Kinh tế của tỉnh và được kết nạp vào Đảng CSVN.
Chính quyền Ngô Đình Diệm biết ông là quan lại cũ, ra sức mua chuộc nhưng ông khảng khái tuyên bố: dân muốn thế nào, tôi cũng muốn thế đó, dân ghét cái gì, tôi ghét cái đó. Ấy là cách sống hợp lòng dân của một vị quan Phú Yên.
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, ông được Đảng liên lạc đưa lên căn cứ, rồi đại hội Mặt trận tỉnh Phú Yên đã bầu ông làm Chủ tịch. Sau đó, ông cùng đoàn đại biểu do ông Công Minh làm trưởng đoàn ra Khu để thành lập Ủy ban MTDTGP miền Trung. Trong số 21 ủy viên của Mặt trận, Phú Yên có 3 người là đại đức Thích Giác Lượng, bà Bùi Thị Thanh Vân và nhân sĩ trí thức yêu nước Trần Bính.
Sinh trưởng trong một gia đình Nho giáo, chịu ảnh hưởng của giáo dục tiến bộ, sau khi làm quan thời phong kiến, nhân sĩ Trần Bính lại hăng hái tham gia cách mạng từ những ngày tiền khởi nghĩa rồi suốt những năm tháng sau này.
Dòng Tam Giang thơ mộng trên quê hương Sông Cầu cũng là bút danh của ông. Nhiều bài thơ nhân sĩ Tam Giang Trần Bính ca ngợi cảnh đẹp quê nhà tuy dung dị nhưng luôn gợi nhớ, gợi thương đối với bất cứ ai đã một lần dừng chân ghé lại nơi đây.
Quê tôi có nước Tam Giang
Cầu nằm vắt vẻo giữa hàng dừa xanh
Ngoài kia đồng muối long lanh
Phía Nam buồm trắng ghe mành nhấp nhô.
Ngày 21/5/2001 (nhằm ngày 29/4 năm Tân Tỵ), nhân sĩ Tam Giang - Trần Bính trút hơi thở cuối cùng bên dòng Tam Giang quê nhà, hưởng thọ 90 tuổi. Ông mất đi khép lại một trang đời, một nhân chứng trong một giai đoạn quê hương, đất nước có nhiều biến cố trong lúc giao thời. Quan điểm lấy Trung, Nghĩa làm đầu và tinh thần làm việc với 3 chữ Thanh, Thận, Cần của ông chắc chắn mãi được hậu thế lưu truyền.
Chú thích:
(1): Hai xã có truyền thống chiến đấu và xây dựng của tỉnh Phú Yên.
(2): Chiến sĩ thi đua, dũng sĩ các lực lượng vũ trang trong tỉnh.
(3): Dũng sĩ diệt máy bay.
(TTH)