Văn hóa xã hội

Vesak 2025 “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người” tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng bạn bè quốc tế

Diễn ra từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 năm 2025, Vesak 2025 với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người” với nhiều hoạt động ý nghĩa vừa khép lại đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp không chỉ đối với giới tăng ni, phật tử mà cả bạn bè nhiều quốc gia trên thế giới đến tham dự.

Chủ tịch Nước Lương Cường và các vị đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước đảnh lễ, chiêm bái Xá lợi Đức Phật tại chùa Thanh Tâm.

Phát biểu tại phiên khai mạc Vesak 2025, Chủ tịch Nước Lương Cường nhấn mạnh:“ Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề Đại lễ Vesak 2025 “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững". Đây là một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng đạo đức xã hội. Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 rất có ý nghĩa khi được tổ chức đúng dịp Việt Nam vừa long trọng Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới Kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Ý NGHĨA CỦA VESAK

Bắt nguồn từ tháng âm lịch cổ đại Vesākha, Vesak mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, đại diện cho cả sự đản sinh thể chất của đức Phật và sự đản sinh của giác ngộ đã chiếu sáng ý thức con người suốt hơn 2.600 năm qua. Đối với Phật tử Trưởng lão bộ, cũng như các tín đồ của truyền thống Tây Tạng và Tân thừa (Navayāna), Vesak là sự quan sát toàn diện, nắm bắt tổng thể về cuộc đời và giáo pháp của đức Phật. Đó là ngày suy ngẫm sâu sắc, khuyến khích người theo đạo thể hiện lòng từ bi, trí tuệ và chánh niệm của đức Phật trong cuộc sống hàng ngày của bản thân. Vesak, đánh dấu sự đản sinh, giác ngộ và nhập niết-bàn của đức Phật, là một trong những lễ kỷ niệm thiêng liêng nhất trong Phật giáo. Tuy nhiên, ngày tổ chức Vesak thay đổi tùy theo khu vực do sự khác biệt về lịch Âm - Dương. Tên gọi Vesak bắt nguồn từ Vaiśākha, thuật ngữ được truyền thống Phật giáo và Ấn Độ giáo chia sẻ, tượng trưng cho sự kết nối của những thực hành cổ xưa này. Lễ hội được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng Vaiśākha, phản ánh sự giác ngộ của đức Phật. Tại Nepal, nơi sinh của đức Phật, Vesak được gọi là Buddha Pūrṇimā, với Pūrṇimā có nghĩa là trăng tròn trong tiếng Sanskrit. Trăng tròn này, biểu tượng của sự giác ngộ, chiếu sáng như lời nhắc nhở về trí tuệ của đức Phật. Tại các quốc gia Phật giáo Nguyên thủy như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia Vesak trùng với Uposatha - ngày trăng tròn của tháng 4 Âm lịch. Lễ hội này thấm nhuần sâu sắc trong nhịp điệu văn hóa của các quốc gia này, tượng trưng cho sự viên mãn và trật tự vũ trụ. Ở các khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, Vesak được tổ chức theo lịch Âm của Trung Quốc, thường vào ngày thứ tám của tháng Tư. Nhật Bản, ngược lại, ấn định Vesak vào ngày 8 tháng Tư, thể hiện sự ảnh hưởng của hiện đại hóa đối với truyền thống. Mặc dù có những khác biệt này, thông điệp cốt lõi vẫn không thay đổi: tôn kính hành trình của đức Phật và con đường dẫn đến giác ngộ.

Từ trăng tròn của Kasun ở Myanmar, nơi người dân dâng nước lên cây bồ-đề thiêng, đến những con đường rực rỡ ánh đèn lồng của Việt Nam, việc tổ chức Vesak toàn cầu là minh chứng cho sự thích ứng và tính bền vững của Phật giáo. Mỗi quốc gia mang lại biểu hiện văn hóa độc đáo của riêng mình nhưng vẫn luôn đoàn kết trong việc tôn vinh giáo pháp của đức Phật về lòng từ bi, trí tuệ và sự giác ngộ tâm linh.

Vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 54/115, chính thức công nhận quốc tế về Ngày Vesak (Global Recognition of Day of Vesak). Được Sri Lanka khởi xướng, quyết định này đánh dấu thời khắc quan trọng trong việc thừa nhận ảnh hưởng bền vững của Phật giáo đối với đạo đức toàn cầu, tâm linh và phát triển nhân loại suốt lịch sử. Nghị quyết đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Vesak như sự kiện toàn cầu, không chỉ kỷ niệm sự đản sinh, giác ngộ và nhập niết-bàn của đức Phật mà còn nhấn mạnh giáo pháp của Ngài về lòng từ bi, bất bạo động và chánh niệm - những giá trị gắn bó sâu sắc với sứ mệnh của Liên Hợp Quốc về hòa bình và phát triển bền vững. Sự công nhận chính thức này đã khuyến khích tổ chức lễ Vesak hàng năm tại Trụ sở Liên Hợp Quốc và các văn phòng khác trên khắp thế giới, thúc đẩy sự đoàn kết toàn cầu thông qua việc cùng chia sẻ và suy ngẫm về trí tuệ của đức Phật. Lễ kỷ niệm Vesak đầu tiên trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc đã được tổ chức vào ngày 15 tháng 5 năm 2000 tại New York, nơi 34 quốc gia cùng nhau tôn vinh thông điệp hòa bình và lòng từ bi của đức Phật. Sự kiện lịch sử này đánh dấu sự khởi đầu của truyền thống đang tiếp tục gắn kết con người từ nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, cung cấp nền tảng cho đối thoại liên tôn giáo và hợp tác toàn cầu. Ngày nay, Vesak được tổ chức trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi Phật giáo đóng vai trò trung tâm trong đời sống tâm linh và văn hóa của nhiều quốc gia. Sự thể chế hóa Vesak tại Liên Hợp Quốc đại diện cho sự thừa nhận rộng hơn về tầm quan trọng của các truyền thống tâm linh trong quản trị quốc tế. Bằng cách đón nhận giáo pháp Phật giáo, Liên Hợp Quốc đã nêu ví dụ mạnh mẽ về việc trí tuệ cổ xưa có thể cung cấp những hiểu biết quý giá trong việc giải quyết các thách thức hiện đại. Thông qua Vesak, Liên Hợp Quốc khẳng định cam kết của mình đối với hòa bình toàn cầu, quản trị đạo đức và hòa bình bền vững - những nguyên tắc vang dội trên toàn cầu trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

LỄ HOA ĐĂNG CẦU NGUYỆN HÒA BÌNH THẾ GIỚI TẠI ĐẠI LỄ VESAK VIỆT NAM 2025 ĐỂ LẠI NHIỀU ẤN TƯỢNG CHO BẠN BÈ QUỐC TẾ

Đến năm 2025, cộng đồng Phật giáo thế giới thông qua Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV) đã tổ chức 19 lần Đại lễ Vesak LHQ, trong đó, 4 lần tại Việt Nam gồm Vesak LHQ năm 2008 với 87 quốc gia tham gia, Vesak LHQ năm 2014 tại tỉnh Ninh Bình với 95 quốc gia, Vesak LHQ năm 2019 tại tỉnh Hà Nam với 112 quốc gia và Vesak LHQ năm 2025 tại TP.HCM với hơn 80 quốc gia tham gia

Trong khuôn khổ của đại lễ, tối ngày 6/5/2025, dưới ánh sáng huyền ảo của hàng chục nghìn ngọn hoa đăng, Lễ Cầu nguyện Hòa bình Thế giới nhân Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đã được tổ chức trang nghiêm tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Buổi lễ với sự tham dự của Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS, Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2025 (ICDV); Hòa thượng Phra Brahmapundit - Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2025 (ICDV); ông Đào Ngọc Dung - Bộ Trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo; cùng hơn 10.000 Tăng Ni, Phật tử và đại biểu đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hướng tâm cầu nguyện vì một thế giới hòa bình, nhân loại an lành.

Phát biểu khai mạc lễ hoa đăng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Vesak 2025 cho biết “Ngọn đèn từ bi hôm nay được thắp sáng không chỉ để chiếu rọi không gian, mà là để soi chiếu lòng người. Khi tâm an thì thế giới an. Khi mỗi người biết sống với chánh niệm và từ bi, thì xã hội sẽ không còn bạo động, xung đột hay kỳ thị. Đức Phật dạy, hận thù không thể hóa giải bởi hận thù, chỉ có tình thương mới hóa giải được hận thù. Từ ánh sáng của mỗi ngọn đèn hôm nay, chúng ta nguyện thắp sáng một tương lai nơi lòng người chan chứa hiểu biết, trái tim tràn đầy thương yêu”.

Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Phra Brahmapundit – Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2025 (ICDV) vô cùng hoan hỷ khi chứng kiến hàng ngàn ngọn đèn được thắp sáng tại Việt Nam – quốc gia đã bốn lần đăng cai Vesak trong tinh thần đoàn kết, trí tuệ và phụng sự. Hòa thượng Phra Brahmapundit nhấn mạnh Trong mỗi ánh đèn lung linh ấy, tôi thấy niềm tin, lòng từ và trách nhiệm toàn cầu. Phật giáo không chỉ là tôn giáo, mà còn là con đường dẫn nhân loại đến hòa bình đích thực: hòa bình bên ngoài khởi nguồn từ hòa bình bên trong. Vesak không chỉ là ngày lễ của Phật giáo, mà là sự thức tỉnh của tâm linh toàn cầu. Khi chúng ta cùng thắp đèn – nghĩa là chúng ta đang cùng cam kết: xây dựng thế giới không bằng vũ khí, mà bằng trí tuệ và lòng từ bi”.

Tiếp đó, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo – khẳng định: “Đại lễ Vesak là minh chứng sống động cho sự tôn trọng đa dạng tôn giáo và văn hóa tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để đất nước ta lan tỏa giá trị nhân bản, tinh thần hòa hợp và trách nhiệm quốc tế đến bạn bè năm châu”.

Buổi lễ kết thúc bằng nghi thức tâm linh cầu nguyện hoà bình trang nghiêm, hàng vạn ngọn hoa đăng được đồng loạt thắp sáng, hòa quyện cùng lời kinh cầu nguyện. Đại chúng lắng lòng hướng về tứ phương, cùng nhau phát nguyện gìn giữ hòa bình, lan tỏa từ bi, chuyển hóa khổ đau cho muôn loài. Trong giây phút tĩnh lặng và linh thiêng ấy, hàng vạn ngọn hoa đăng được nhẹ nhàng thả xuống mặt hồ tĩnh lặng, mang theo những lời nguyện cầu tha thiết vì hòa bình thế giới, vì khổ đau được chuyển hóa, vì lòng người được thắp sáng bằng trí tuệ và tình thương.

Đoàn đại biểu Phật giáo tỉnh Phú Yên tham dự Vesak 2025

Trong khi nhiều quốc gia đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sự kiện này, Việt Nam đã nổi lên như nước chủ nhà đặc biệt có ảnh hưởng, với vai trò lãnh đạo trong việc tổ chức UNDV vào các năm 2008, 2014, 2019 và năm 2025. Mỗi lần Việt Nam đăng cai đều được đánh dấu bởi sự chuyên nghiệp hóa rõ rệt của sự kiện, làm sâu sắc thêm sự cộng hưởng toàn cầu của Vesak như lễ kỷ niệm tâm linh và là diễn đàn cho đối thoại quốc tế về hòa bình, lòng từ bi và phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, Đại lễ Vesak là sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào Phật tử và người dân có cảm tình với Phật giáo trên toàn thế giới, trong đó có Giáo hội Phật giáo, đất nước và con người Việt Nam. Việt Nam là một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, gắn bó sâu sắc với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “hộ quốc an dân”, Đạo pháp luôn đồng hành cùng Dân tộc. Những giá trị như lòng yêu nước, tỉnh thần khoan dung, ý thức hướng thiện của Phật giáo đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt và góp phần hun đúc bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tiếp nối truyền thống đó, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng vạn Tăng Ni, Phật tử trên mọi miền đất nước không chỉ tinh tấn tu học, hoằng dương Chính pháp, mà còn đi đầu trong nhiều hoạt động ích nước lợi dân, như qua các việc làm từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tham gia bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng... đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững ở Việt Nam, giúp cho đạo và đời hòa quyện, hướng tới hạnh phúc chung.

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện cho Tăng Ni, Phật tử cả nước, đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc hướng dẫn tín đồ tu hành, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2025, cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn bó với dân tộc, mà còn đang tích cực đóng góp vào các hoạt động Phật giáo quốc tế. Các Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay cùng Tăng Ni, Phật tử thế giới phụng sự Đạo pháp và nhân loại, vì mục tiêu chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

TTH