Văn hóa xã hội

Vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thơ

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói : “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh công sức sáng tạo, là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều giai đoạn lịch sử của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong đó, một lực lượng luôn đi tiên phong trong đấu tranh, bảo vệ, gìn giữ cho nền độc lập, hòa bình của dân tộc là những người lính mà nhân dân ta thường gọi bằng cái tên rất thân thuộc: anh Bộ đội Cụ Hồ. Chính vì vậy, đề tài người Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi, ca, nhạc, họa… bao thế hệ.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Ảnh tư liệu TTXVN

Người lính muôn đời hơn ai hết gách vác trên vai mình trọng trách, sứ mệnh lớn lao của dân tộc. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay được thành lập chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ. Đội quân đã không ngừng lớn mạnh và đã sớm phát huy được truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn của dân tộc. Bước vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, người người lính gặp biết bao khó khăn, thiếu thốn. Các anh ra đi từ những miền quê nghèo khác nhau “Quê hương anh nước mặn, đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” nhưng có chung một nghĩa vụ, một kẻ thù. Nên dù “Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau” vẫn sát cánh bên nhau cùng chiến đấu trong tình đồng chí“Súng bên súng, đầu sát bên đầu/Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ/Đồng chí!(Đồng chí - Chính Hữu)

Các anh thuộc thế hệ những người lính người đầu tiên đứng lên cầm súng theo tiếng gọi của Bác Hồ, đi kháng chiến và trở thành những người tiên phong, mà ngay tên gọi thôi cũng đủ để dấy lên một niềm thân thương kiêu hãnh: anh bộ đội Cụ Hồ. Những người lính phần lớn không được đào tạo một cách chính quy, không qua trường lớp và với mọi thành phần xuất thân khác nhau nhưng chiến đấu cùng nhau bởi tinh thần đoàn kết của một dân tộc:

“Lũ chúng tôi,
Bọn người tứ xứ,
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một hai”
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mươi bài,
Lòng vẫn cười vui kháng chiến,
Lột sắt đường tàu,
Rèn thêm đao kiếm.
Áo vải chân không,
Đi lùng giặc đánh”.
                      (Nhớ - Hồng Nguyên)

Họ theo lời kêu gọi của Cụ Hồ “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm” chiến đấu bằng tất cả những gì mình có. Dù khó khăn, thiếu thốn là thế, những anh vệ quốc quân vẫn tràn đầy lạc quan “Lòng vẫn cười vui kháng chiến”. Ngay cả khi bị sốt rét hoành hành “Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi” họ vẫn sát cánh cùng đồng đội trong tư thế sẵn sàng chiến đấu “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo”.

Trong khí thế toàn dân tộc lên đường, có không ít những người lính xuất thân học sinh, sinh viên, trí thức… Vì vậy, bên cạnh vẻ đẹp chân chất, ta còn thấy ngời lên vẻ đẹp của sự hào hoa, lịch lãm của những học sinh, sinh viên, trí thức - nhất là những người con từ Thủ đô Hà Nội. Dù giữa nơi rừng sâu nước độc, trong tâm hồn họ vẫn mang nét lãng mạn, hào hoa của đất Hà thành: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”(Tây Tiến - Quang Dũng).

Đi theo tiếng gọi của non sông, đất nước, người lính sẵn sàng nén tình cảm riêng tư để lại nơi hậu phương “Ít nhiều người vợ trẻ/ Mòn chân bên cối gạo canh khuya”, “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”, hay ra đi từ thành thị với “Những phố dài xao xác hơi may”. Sự hi sinh hạnh phúc riêng tư vì tình yêu, trách nhiệm với quê hương, đất nước đã làm nên vẻ đẹp của người lính một thời. Sau này nhà thơ Nguyễn Mỹ một lần nữa đã khắc họa như một tuyên ngôn của thanh niên thời chống Mỹ: “Khi tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”(Cuộc chia ly màu đỏ).

Dẫu biết đi vào chiến trường là nơi gắn liền với hiểm nguy, mất mát, hi sinh nhưng người lính luôn quyết tâm: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” (Quang Dũng), “Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”(Thanh Thảo). Và trong số những người lính anh dũng đó, đã có những người  mãi nằm lại nơi chiến trường “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời…”(Tây Tiến - Quang Dũng)

Anh bộ đội Cụ Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã từng trải qua bao gian lao, vất vả: “Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/Chí không mòn!” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu). Hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên được khắc họa đầy xúc động trong tình đồng đội, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng:

Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội,
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội.
Đồng đội ta
là hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.

Bạn ta đó
Ngã trên dây thép ba tầng
Một bàn tay chưa rời báng súng,
Chân lưng chừng nửa bước xung phong.
Ôi những con người mỗi khi nằm xuống
Vẫn nằm trong tư thế tiến công!

                        (“Giá từng thước đất”- Chính Hữu)

Nhà thơ Tố Hữu đã đưa tên tuổi họ vào bức tượng thơ sừng sững:

“Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm
Những bàn tay xẻ núi lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”.

                       (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)

Tác giả Tố Hữu đã lấy chất liệu từ những tấm gương tiêu biểu với những hành động vô cùng dũng cảm, không tiếc thân mình vì tổ quốc thân yêu như: Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót... Sự kiên trung, bất khuất của các anh đã trở thành vẻ đẹp của cả dân tộc một thời.

Sau 1954, cả nước ta lại bước vào cuộc trường chinh mới. Đây cũng chính là cuộc thử lửa vĩ đại nhất của dân tộc, của tình yêu đất nước. Cả dân tộc Việt Nam lại lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”(Tố Hữu),  “Những buổi vui sao, cả nước lên đường,/ Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục”(Chính Hữu), “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”(Tố Hữu) cùng chung chiến hào đánh Mĩ.

Người lính Cụ Hồ lúc này đã trở thành anh Giải phóng quân kì vĩ, sáng ngời khí chất trong thơ Tố Hữu, Thu Bồn, Giang Nam, Dương Hương Ly, Lê Anh Xuân…Những người lính tràn đầy lý tưởng, họ hiểu sâu sắc lý do vì sao mình chiến đấu, chiến đấu vì quê hương, vì một thế giới hòa bình: “Có phải, hỡi Miền Nam anh dũng!/ Khi ta đứng lên cầm khẩu súng/ Ta vì ta, ba chục triệu người/ Cũng vì ba ngàn triệu trên đời!” ( Miền Nam- Tố Hữu)

Người chiến sĩ Giải phóng quân đi vào thơ với tất cả tư thế, tầm vóc của những con người làm nên lịch sử nên dù hi sinh, bóng dáng các anh đã khắc sâu vào dáng hình đất nước:

 “Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”.

…Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng - đứng - Việt - Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.                                            

                     (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân)

Tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ

Các nhà thơ đã dành tình cảm, sự cảm phục vô hạn với người chiến sĩ Giải phóng quân bởi các anh mang những tinh hoa mùa xuân tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng:

Hoan hô anh Giải phóng quân
Kính chào Anh, con người đẹp nhất!
Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất
Sống hiên ngang, bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi
Một dây ná, mót cây chông, cùng tiến công giặc Mỹ.

                     (Bài ca xuân 68 - Tố Hữu)

Không chỉ giữ vững lãnh thổ, biên cương và bình yên cho tổ quốc, người lính còn tham gia gìn giữ biển đảo quê hương vì đó là một phần thiêng liêng của Tổ quốc. Nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa là nhắc tới một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, nhắc tới “vòng tròn bất tử” và những trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từng tấc đất, từng vùng biển quê hương tự bao đời vẫn được toàn dân, toàn quân ta ngày đêm canh giữ.

Các anh đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt
Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa

Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma
Các anh lấy ngực mình làm lá chắn
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm.

                (Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra - Nguyễn Việt Chiến)

Các nhà thơ đã gửi gắm tình yêu và quyết tâm giữ biển đảo quê hương qua những vần thơ, con chữ. Mỗi bài thơ đều nói lên tấm lòng của những người dân đất Việt gửi các anh nơi đầu sóng ngọn gió. Thời chiến cũng như thời bình, những người lính biển luôn là những người lính anh hùng thầm lặng hi sinh:“Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người/ Anh đứng gác, trời khuya đảo vắng…”(Thơ tình người lính biển - Trần Đăng Khoa).

Thơ viết về người lính đã tạo nên ấn tượng và hình ảnh đẹp về Tổ quốc ở Trường Sa: Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, Mộ gió của Trịnh Công Lộc, Hào phóng thềm lục địa của Nguyễn Thanh Mừng, Người sau chân sóng của Lê Thị Mây, Gần lắm Trường Sa của Lê Thị Kim… Mỗi bài thơ, một cách tiếp cận với biển đảo, một cách thể hiện cảm xúc và tình yêu đối với người lính đảo. Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ sau chuyến thăm Trường Sa với bao hồi ức về đảo thân yêu, về người lính, về đất nước - truyền thống và hiện tại:

…Ôm lính đảo yêu tin bao gương mặt
Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời

Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn…
… Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió
Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa
Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc
Ấp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhòa”.

                    (Thao thức Trường Sa)

Đã gần 80 năm trôi qua từ ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, bao thế hệ người lính nối tiếp nhau viết tiếp truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, của “Bộ đội Cụ Hồ”. Quân đội nhân dân Việt Nam luôn xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Hình tượng người lính - anh Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một phần không thể thiếu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Và lúc nào, ở đâu, khi bắt gặp màu xanh áo lính, ta thấy yêu và kính trọng họ vô cùng bởi lẽ họ là những người đã dành cả thanh xuân đời mình cho đất nước, quê hương: 

Trên mọi miền Tổ quốc ta qua
Đâu cũng gặp màu xanh áo lính
Của Quân đội Việt Nam hùng mạnh
Màu biển trời sông núi mênh mông

…Ôi màu xanh áo lính yêu thương
Sáng trên vai màu cờ Tổ quốc
Mang sứ mệnh giữ gìn đất nước
Để màu xanh mãi mãi cho đời!

              (Màu xanh áo lính - Phan Hoàng)

Đình Huy