Văn hóa xã hội

Truyền thông “gần dân, sát dân” hơn

Theo Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi so với Luật Báo chí 2016, có một số điểm mới như: cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, bổ sung qui định để ng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản, qui định chi tiết để phân biệt giữa báo và tạp chí, điều kiện cấp thẻ nhà báo, cách tính thời hạn thẻ nhà báo…Theo tôi, những điểm mới này là rất cần thiết trong bối cảnh đất nước, thế giới có nhiều thay đổi rất nhanh như hiện nay, nhất là tác động sâu rộng của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo (AI) lên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có báo chí.

Một đơn vị sản xuất phim tài liệu thực tế của Nga đang sản xuất tại Phú Yên và Đắk Lắk, ảnh Dương Thanh Xuân

Trước hết, về vấn đề thuật ngữ, cần làm rõ hơn các khái niệm sau: “sản phẩm báo chí”, “sản phẩm thông tin có tính chất báo chí”, “Tạp chí khoa học”, “Tạp chí thông tin chuyên ngành, phổ biến kiến thức”...

Về việc cấp thẻ nhà báo, có một thực tế là các nhà báo làm việc tại tạp chí khoa học vẫn phải đi cơ sở để thu thập, xử lý thông tin. Tuy nhiên thời gian qua, qua thực tiễn quản lý ngành thông tin và truyền thông trước đây cho thấy: phần lớn các vụ việc sai phạm trong tác nghiệp báo chí tại một số địa phương lại rơi vào hầu hết phóng viên (hoặc giả danh phóng viên) các tạp chí. Vì vậy, cần có sự cân nhắc kỹ về qui định cấp hay không cấp thẻ nhà báo cho những người làm việc tại các tạp chí khoa học, để vừa giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ hơn khi họ đến tác nghiệp, vừa điều chỉnh, giới hạn phạm vi tác nghiệp phù hợp với chức năng của các tạp chí khoa học.

Về mô hình Tổ hợp truyền thông, đây là vấn đề mới được các cơ quan báo chí, người làm báo ở Việt Nam rất quan tâm, dù đối với thế giới là điều không mới. Trong bối cảnh cần tập trung nguồn lực đầu tư để mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là đối với các địa phương nguồn thu ngân sách còn thấp, thì mô hình này càng mang lại hiệu quả nhiều mặt, nhất là hiệu quả truyền thông và hiệu quả kinh tế.

Cuộc cách mạng công nghệ số đã từng bước tạo nên thói quen mới trong cách tiếp cận thông tin của công chúng, giờ đây chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh mọi người có thể đọc, xem, nghe tin tức về những gì mình quan tâm ở mọi nơi, mọi lúc và có thể phản hồi ngay lập tức đối với thông tin mình vừa tiếp nhận. Xu thế phát triển truyền thông đa phương tiện trong kỷ nguyên kỹ thuật số và các nguyên nhân về kinh tế, xã hội đã dẫn đến sự hình thành xu hướng truyền thông hội tụ. Vì vậy, rất cần các Tổ hợp truyền thông hội tụ, không chỉ hội tụ về hạ tầng kỹ thuật, nhân sự, nguồn thông tin đầu vào-đầu ra, mà đặc biệt là hội tụ nguồn lực đầu tư sao cho hiệu quả nhất.

Câu chuyện về “truyền thông cấp huyện” của Trung Quốc là một mô hình Việt Nam có thể tham khảo. Đó là một kênh truyền thông “gần dân, sát dân” để chính sách được truyền tải đến gần dân hơn và có thể lắng nghe tiếng nói của người dân tốt hơn. Trong một lần phát biểu tại Hội nghị về công tác tư tưởng và tuyên truyền toàn quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng “phải nắm vững việc xây dựng trung tâm truyền thông cấp huyện, hướng dẫn quần chúng và phục vụ quần chúng tốt hơn”.

Việc xây dựng các Tổ hợp truyền thông dù là cấp TW, cấp tỉnh, cấp khu vực hay cấp nhỏ hơn đều tích hợp các loại hình như: phát thanh, truyền hình, các phương tiện truyền thông mới, tích hợp các dịch vụ phục vụ sinh kế của người dân... để hàng trăm triệu người có thể tận hưởng nhiều tiện ích hơn khi tiếp cận thông tin, thừa hưởng những gì mà cuộc sống số mang lại. Công nghệ điện toán đám mây còn hỗ trợ lĩnh vực báo chí, truyền thông “bao phủ” cả một địa bàn rộng lớn. Nhờ vậy các chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ ngay lập tức được người dân tiếp cận. Đồng thời, tăng cường sự giao tiếp, tương tác giữa Chính phủ với người dân thông qua hoạt động của các Tổ hợp truyền thông này.

Những tiến bộ về công nghệ như 5G, DTS (dịch vụ truyền dữ liệu toàn cầu) và các công nghệ truyền dẫn kỹ thuật số khác sẽ thúc đẩy đáng kể khả năng sản xuất, truyền dẫn nội dung số của các Tổ hợp truyền thông.  Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng để phát triển các giải pháp đa phương tiện thông minh như rô-bốt có chức năng phỏng vấn thay con người – nhất là những nơi nguy hiểm như hỏa hoạn, thiên tai, qui trình sản xuất nội dung được hỗ trợ bởi AI và theo dõi tin tức được hỗ trợ bởi 5G, người dẫn chương trình ảo, trình bày tin tức trở lên thú vị và sắc nét hơn...

Mô hình Tổ hợp truyền thông của Việt Nam, đặc biệt là ở cấp cơ sở cần tổ chức theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; thay đổi phương thức cung cấp thông tin đến người dân theo hướng hội tụ về nội dung, một nội dung được trình bày dưới dạng đa phương tiện, kết hợp chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video, liên kết đến các website, audio trực tuyến…. Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu trên cơ sở dữ liệu của địa phương dưới những hình thức chia sẻ khác nhau (mặc định, đặc thù, dữ liệu mở…) nhằm thu hút được sự quan tâm, khai thác của người dân, cộng đồng; từ đó Tổ hợp truyền thông mới tiếp nhận được thông tin, khai thác thông tin, xây dựng nội dung thông tin phù hợp với nhu cầu tiếp cận của người dân và điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng, miền, khu vực.

Từ việc hội tụ về nội dung tiến đến việc thay đổi, đa dạng hóa các phương tiện truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện đặc thù của vùng, miền, khu vực để thông tin đến được với người dân một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Bên cạnh phương thức truyền thống, cần quan tâm các hình thức truyền thông “phi truyền thống” như thông qua App (điện thoại hoặc máy tính bảng), website, mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin trên internet… để tăng tính tương tác giữa chính quyền với người dân, từ đó nắm bắt được dư luận xã hội về các vấn đề thời sự trên địa bàn, nhất là trên không gian mạng, để xây dựng nội dung gắn với nhu cầu thông tin của người dân.

Thời gian qua, nhất là 2 năm cả nước đối mặt với dịch bệnh covid-19, một số địa phương đã thay đổi cách tiếp cận truyền thông đến người dân và thành công bước đầu. Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, người dân thanh toán không dùng tiền mặt trên hệ thống thông tin cơ sở tại Cổng thông tin điện tử của Quận hoặc quét mã QR trên điện thoại di động. Thời điểm dịch bệnh, tỉnh Phú Yên cũng đã thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại một số chợ truyền thống và mang lại hiệu quả thiết thực. Một số địa phương đã sử dụng đồng bộ hệ thống thông tin điện tử (từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã), mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin trên internet như một công cụ quan trọng để vừa cung cấp thông tin, truyền thông chính sách đến người dân, vừa tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân. Thông qua đó, các địa phương đã từng bước xây dựng môi trường tương tác số, có thể sáng tạo, tổ chức cung cấp thông tin với những hình thức khác nhau phù hợp với độ tuổi, giới tính, vùng miền… Đồng thời tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân dễ dàng hơn, từng bước nâng cao chất lượng sản xuất nội dung chương trình phù hợp với điều kiện thực tế.

Với một khối lượng công việc lớn như hiện nay về công tác truyền thông ở cơ sở, nhất là đẩy manh truyền thông chính sách, việc thực hiện mô hình Tổ hợp truyền thông cần nghiên cứu, tham khảo mô hình trung tâm truyền thông hội tụ các nước đã làm, kể cả mô hình ở cấp huyện của Trung Quốc, để vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam sau khi ban hành Luật Báo chí sửa đổi. Dù công nghệ hỗ trợ đến mức nào thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, bảo đảm sự thành công hay thất bại đối với mô hình báo chí, truyền thông mới. Vì vậy nguồn nhân lực báo chí cần được đào tạo, đào tạo lại về tính chuyên nghiệp, kỷ năng tác nghiệp trong bối cảnh công nghệ, truyền thông số lên ngôi, khả năng kết nối-chia sẻ-khai thác-gia tăng giá trị của dữ liệu số về thông tin-nguồn tài nguyên mới của quốc gia, phân phối nội dung trên môi trường số...để đáp ứng tốt nhất sứ mệnh của Báo chí cách mạng Việt Nam cũng như đòi hỏi của công chúng trong bối cảnh hiện nay.  

TTH