Văn hóa xã hội

Trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”

Hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số vào Bến (28/11/1964 – 28/11/2024), chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, tối 22/11/2024, Bảo tàng Phú Yên đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Phú Yên qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử đã tham dự khai mạc triển lãm.

Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh tại triển lãm. Ảnh: TTXVN

Trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số” với 92 hình ảnh, 02 bản đồ, 07 tài liệu, 05 danh sách, 05 bảng trích, được sắp xếp thành 3 chủ đề chính: Tổng quan đường Hồ Chí Minh trên biển; Tiếp nhận chi viện tại bến Vũng Rô; Chiến công từ những chuyến Tàu Không số.

Ngoài ra, trưng bày còn giới thiệu 45 hiện vật gồm nhiều loại hình như: dụng cụ đo, vẽ, xác định vị trí, hướng đi trên hành trình của thuyền trưởng Tàu Không số; dụng cụ báo hiệu giữa tàu và bến để đảm bảo các chuyến tàu cập bến an toàn; dụng cụ để vận chuyển vũ khí, hàng chi viện của lực lượng trên bến; dụng cụ đựng thuốc y tế, tư trang, thực phẩm, nước uống; một số loại vũ khí là hiện vật được tiếp nhận từ các chuyến Tàu Không số; chứng tích một số loại phương tiện chiến tranh của địch do ta tiêu diệt trong các trận đánh.

Nhân dịp này, Anh hùng LLVT Nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu 41 đã vận chuyển thành công những chuyến hàng cập bến Vũng Rô đã trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Phú Yên nhiều hiện vật quý về Tàu Không số.

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh với thế hệ trẻ. Ảnh: TTXVN

Trưng bày nhằm tôn vinh, ghi nhớ công lao to lớn của cán bộ, thủy thủ, chiến sĩ, dân công đã lãnh đạo, bảo vệ, phục vụ bến Vũng Rô trong vận chuyển, tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; cổ vũ toàn dân nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn trên con đường đổi mới, hội nhập, xây dựng và phát triển.

Tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết xác định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Từ khi có Nghị quyết 15, phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công mạnh mẽ, liên tục, rộng khắp. Các cuộc đấu tranh vũ trang, tiến công quân sự phát triển, mở rộng ra nhiều địa phương. Lúc bấy giờ, nhiệm vụ cung cấp vũ khí cho chiến trường trở nên cấp bách, quyết định sự sống còn đối với phong trào cách mạng.

Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thủy. Quyết định này thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra tuyến đường vận tải chiến lược – đường Hồ Chí Minh trên biển. Bắt đầu từ đây, xuất hiện những con Tàu Không số, lúc ẩn, lúc hiện, làm nhiệm vụ vận chuyển tiếp tế vũ khí, hàng chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Cùng với con đường bộ xuyên Trường Sơn, đường vận tải trên biển đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vũng Rô là bến quan trọng ở khu vực miền Trung, được Trung ương và Khu V chọn để đón các chuyến Tàu Không số tiếp tế vũ khí, hàng chi viện cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Tại đây, từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965 đã có 4 chuyến Tàu Không số cập bến, trong đó có 3 chuyến cập bến thành công, mang khoảng 200 tấn vũ khí, hàng chi viện cho chiến trường.

Từ sự chi viện kịp thời này, ở Phú Yên đến đầu năm 1965, ta đã trang bị đủ vũ khí cho các đơn vị tập trung của tỉnh, huyện và dân quân du kích; riêng lực lượng du kích có 6.963 người được trang bị mới gần 3.000 khẩu súng các loại, tăng 2.976 người và 2.532 khẩu súng so với cuối năm 1964. Xưởng quân giới đảm bảo được nguyên vật liệu, nhất là thuốc nổ để sản xuất các loại lựu đạn, mìn, thủ pháo mang lại hiệu quả chiến đấu cao.

Phát huy nguồn lực chi viện từ những chuyến Tàu Không số, tỉnh Phú Yên đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, giành nhiều thắng lợi quyết định trên chiến trường, điển hình như chiến thắng Gò Thì Thùng năm 1966; tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; chiến thắng lịch sử Đường 5, cùng bộ đội chủ lực giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 01/4/1975, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ vận chuyển chi viện vào bến Vũng Rô, những chuyến Tàu Không số đã vượt qua chặng đường đầy sóng gió khắc nghiệt, dày đặc lực lượng địch trên biển, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đã mưu trí, táo bạo trong nhiều tình huống ngặt nghèo. Cùng với đó, sự sáng tạo, dũng cảm, kiên trì của cán bộ, chiến sĩ, dân công trong lãnh đạo, chỉ huy bến, vận chuyển hàng, trong đánh địch bảo vệ tàu, bảo vệ hàng, đã tạo nên những chiến công huyền thoại, những kỳ tích hào hùng, để lại dấu ấn sâu đậm, trường tồn cùng thời gian.

Ngày 28/11 tới đây, tại di tích lịch sử cấp quốc gia Tàu không số, bến Vũng Rô, tỉnh Phú Yên sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 60 năm sự kiện quan trọng này.

TTH