Với chủ đề truyền thông là “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”, các hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 01/6 đến 30/6/2025, được tổ chức đồng bộ trên toàn tỉnh. Các nội dung trọng tâm bao gồm: tuyên truyền trực quan qua pano, băng rôn, áp phích tại các khu dân cư, tuyến đường trung tâm; tăng cường chuyên mục, tin bài trên báo chí, phát thanh - truyền hình, mạng xã hội; tổ chức hội thi, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình.
Pano tuyên truyền, cổ động
Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động là Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, diễn ra vào lúc 19h30 ngày 12/6/2025 tại Công viên Hồ Sơn (góc đường Trần Phú – Nguyễn Trãi, TP. Tuy Hòa). Bên cạnh đó, chương trình “Gia đình và Cuộc sống” sẽ được phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên (kênh PTP) vào lúc 20h30 ngày 28/6/2025, với nội dung phản ánh sinh động những giá trị truyền thống, câu chuyện đời thường và thông điệp tích cực về gia đình.
Ngoài các hoạt động cấp tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng phù hợp với tình hình thực tế như hội thi, hội diễn, sinh hoạt chuyên đề, sản xuất clip tuyên truyền trên nền tảng số. Các tổ chức cơ sở như Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình và Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững cũng sẽ tham gia tích cực, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt cộng đồng.
Thông qua chuỗi hoạt động hưởng ứng sẽ khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu thương trong mỗi gia đình, đồng thời huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các thành viên dễ bị tổn thương.
Gia đình là nền tảng của xã hội. Việc gìn giữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, không bạo lực chính là góp phần cho sự phát triển bền vững của mỗi địa phương và toàn đất nước.
Khẩu hiệu truyền thông:
- Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025;
- Hãy hành động để xây dựng gia đình không có bạo lực, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam;
- Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội;
- Đầu tư cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững;
- Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực;
- Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội;
- Hãy chấm dứt bạo lực trong gia đình;
- Hãy tố cáo hành vi bạo lực gia đình;
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình;
- Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật;
- Mọi hành vi bạo lực gia đình cần được phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm;
- Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình là hành vi bạo lực gia đình;
- Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi bạo lực gia đình;
- Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp là hành vi bạo lực gia đình.
- Bỏ mặc, không chăm sóc là hành vi bạo lực đối với người cao tuổi;
- Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ em;
- Bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên gia đình;
- Người có hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Thanh Trúc