Văn hóa xã hội

Trách nhiệm của mỗi công dân số trong xã hội số hiện nay

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu, được xác định là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước; chuyển đổi số không chỉ thay đổi cách chúng ta sống và làm việc, mà còn định hình tương lai của xã hội. Mỗi công dân số - một tế bào trong xã hội số đều có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển xã hội số bền vững, góp phần bảo đảm cho sự thành công của cuộc cách mạng chuyển đổi số.

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tại một buổi làm việc, kiểm tra tình hình triển khai Đề án 06

Đảng, Nhà nước ta xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Trước yêu phát triển mạnh mẽ, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức cao của thế giới.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về chuyển đổi số, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ số, chính quyền số, xã hội số sẽ không thể hoạt động một cách thuận lợi nếu thiếu những công dân số được trau dồi đầy đủ kỹ năng, có ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần tuân thủ các chuẩn mực của cộng đồng. Do đó, mỗi người dân, mỗi công dân số phải nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong môi trường xã hội số, cũng như trong cuộc cách mạng này.

Trách nhiệm đầu tiên của mỗi công dân số là hiểu biết về chuyển đổi số. Chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng công nghệ số, mà là quá trình tái cấu trúc quan hệ sản xuất và xác lập phương thức sản xuất mới. Điều này yêu cầu mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về vai trò của dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, công dân số cũng phải có đóng góp vào việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công nghệ số cho cộng đồng; góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tạo điều kiện cho mọi người đều có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ số.

Trong xã hội số, tác phong đạo đức là yêu cầu cần thiết để duy trì một môi trường số an toàn và lành mạnh. Công dân số phải sử dụng công nghệ với trách nhiệm và đạo đức thông tin; trong đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tôn trọng quyền riêng tư và sử dụng công nghệ với mục đích chính đáng là những nguyên tắc cơ bản. Đồng thời, công dân số còn phải có trách nhiệm đánh giá thông tin, ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch hoặc gây hại, góp phần để bảo vệ niềm tin xã hội.

Công dân số phải nhận thức được rằng, trong thế giới ảo tồn tại một thế giới thực đang được xây dựng và phát triển; các yếu tố văn hóa từ thế giới thực được tái tạo và mở rộng. Do vậy, công dân số phải thực hiện nghiêm các quy tắc ứng xử trên không gian mạng, giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghệ số đối với xã hội; tham gia phát triển văn hoá số, gắn với bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, khơi dậy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc.

Nhân lực trong chuyển đổi số đóng vai trò hết sức quan trọng. Công dân số cần không ngừng học hỏi, trang bị kỹ năng số và tư duy đổi mới; điều này không chỉ giúp cá nhân tăng cường cạnh tranh trên thị trường lao động, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội. Mỗi công dân không chỉ giới hạn ở việc nâng cao nhận thức và kỹ năng cá nhân, mà còn phải tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng, như góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng số, cung cấp phản hồi cho chính quyền để cải thiện chất lượng dịch vụ công, qua đó góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng xã hội số. Thế hệ trẻ, những người dễ dàng nắm bắt công nghệ chính là những thành viên xung kích của chuyển đổi số để hỗ trợ hướng dẫn những người chưa quen thuộc với công nghệ, không ai bị bỏ lại phía sau.

An toàn, an ninh mạng là yêu cầu xuyên suốt trong chuyển đổi số, cũng như trong quá trình phát triển xã hội số. Mỗi công dân cần nâng cao nhận thức về bảo vệ tài khoản, bảo mật thông tin cá nhân và chủ động phòng chống các nguy cơ từ không gian mạng. Công dân số cần tôn trọng quyền riêng tư của chính mình bằng cách không chia sẻ thông tin cá nhân của mình nếu không thực sự cần thiết, cài đặt quyền riêng tư phù hợp trên các nền tảng mạng xã hội và các dịch vụ trực tuyến khác.

Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, đưa đất nước, dân tộc ta vươn mình trong kỷ nguyên mới. Mỗi người dân, mỗi công dân số trong xã hội số phải xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia thúc đẩy chuyển đổi số thành công. Người dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng của chuyển đổi số, mà còn là động lực chính thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Phú Lâm