Văn hóa xã hội

Thủ tướng Chính phủ chủ trì tổng kết nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến các địa phương sáng 19/8. Đồng chí Đào Mỹ, tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Phú Yên.

Quang cảnh điểm cầu tại tỉnh Phú Yên (Ảnh: TH)

Năm học 2023 - 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các hoạt động kinh tế - xã hội đã diễn ra sôi động hơn và có nhiều chuyển biến tích cực. Đây cũng là thời điểm toàn ngành Giáo dục triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; là năm bản lề quan trọng hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra về giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương; sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, sinh viên, học viên, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực, cố gắng để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và hoàn thành Kế hoạch năm học 2023 - 2024, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả năm học 2023 – 2024 của toàn nghành với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Đặc biệt, ngành đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, qua đó, đánh giá toàn diện kết quả 10 năm đổi mới và đề xuất phương hướng tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế. Căn cứ kết quả tổng kết, Bộ GDĐT đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu toàn ngành nhanh chóng khắc phục một số tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật, đề án hoàn thành chậm thời hạn; Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương; Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền; Năng lực ngoại ngữ, tin học của một bộ phận giáo viên còn hạn chế; Nhiều giáo viên chưa thực sự coi trọng việc tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; Điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng, lương nhà giáo trẻ còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề; Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông còn bất cập; Còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số địa phương; Một số địa phương thực hiện dồn ghép các cơ sở giáo dục một cách cơ học; Việc quy hoạch, dành quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học; Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cấp mầm non, phổ thông còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Một số địa phương chưa kịp thời rà soát danh mục, bổ sung số lượng thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; Công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế; Nhiều cơ sở giáo dục tư thục được phê duyệt chương trình tích hợp không thực hiện đầy đủ Chương trình Giáo dục phổ thông dẫn đến công tác quản lý các cấp gặp nhiều khó khăn; Chất lượng phổ cập còn thấp và chưa vững chắc ở một số địa phương; Chất lượng giáo dục thường xuyên vẫn còn hạn chế, nội dung chương trình, phương thức giáo dục chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi để người dân nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp; Quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như khối ngành kinh tế, tài chính hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội không có sức hút đối với người học; Đa số cơ sở giáo dục đại học chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học, chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học; Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên; Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả; Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở giáo dục. gây bức xúc trong dư luận; Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của một số Sở GDĐT, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm còn chưa thực sự nghiêm túc; Chất lượng thông tin, báo cáo của một số đơn vị còn chưa đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ lưu ý 9 nội dung trọng tâm là: Chuẩn bị thật chu đáo năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ngày khai giảng thật sự là ngày hội toàn dân đưa con em đến trường trên tinh thần an toàn, tiết kiệm; Triển khai tốt Kết luận số 91 của Bộ Chính trị; Rà soát các văn bản qui phạm pháp luật và tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo sớm trình Quốc hội; Năm 2025 sẽ là năm đầu tiên tổ chức các kỳ thi theo chương trình giáo dục mới từ 1018 nên phải chuẩn bị chu đáo ngay từ bây giờ với tinh thần an toàn, giảm áp lực, giảm chi phí cho học sinh và phụ huynh; Rà soát các chính sách, tổng kết các chương trình giáo dục mới, sách giáo khoa mới, triển khai các chương trình, dự án của ngành, nhất là những vấn đề mới nổi, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước; Xây dựng qui hoạch của ngành gắn với qui hoạch quốc gia; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế… Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là: “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, với nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng.

(TTH)