Văn hóa xã hội

Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động lễ hội

Với những đặc thù về lịch sử - văn hóa, Phú Yên hiện đang lưu giữ và duy trì hoạt động của hơn 40 lễ hội các dân tộc với các loại hình như: dân gian truyền thống, lịch sử, danh nhân, tôn giáo. Trong đó có hơn 10 lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức định kỳ hàng năm; một số lễ hội nặng phần lễ, nhẹ phần hội (thường là các lễ hội gắn với tôn giáo, tín ngưỡng); một số lễ hội được tổ chức đầy đủ cả phần lễ và phần hội (Đền thờ Lương Văn Chánh, Đền thờ Lê Thành Phương, Mộ và Đền thờ Đào Trí, cầu ngư...) và một số lễ hội nặng phần hội, nhẹ phần lễ (thường là các lễ hội gắn với hoạt động thể thao đặc trưng vùng miền như Đua thuyền Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài, Đua ngựa Gò Thì Thùng...).

Người dân xem đua thuyền tại lễ hội Vịnh Xuân Đài. Ảnh Thái Thụy

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, bên cạnh những mặt còn tồn tại, nhưng trong thời gian qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn giá trị tinh thần, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đặc biệt, các lễ hội truyền thống lịch sử cách mạng kháng chiến tại các di tích trên địa bàn tỉnh được chú trọng, phần lễ được thực hiện trang nghiêm, phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương; phần hội với nhiều hoạt động hấp dẫn, đã trở thành định lễ hàng năm, là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên vừa có văn bản về việc bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025 gửi các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội theo phân cấp về thẩm quyền, tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản của trung ương, của tỉnh về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tổ chức lễ hội bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhân dân, xã hội và Nhà nước; rà soát khu vực dịch vụ bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích; thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn sông nước, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh công cộng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, Nhân dân và khách du lịch, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; vận động Nhân dân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ.

Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của nghi lễ truyền thống trong các hoạt động lễ hội.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.

Trí Tuệ