Cuối năm là dịp hoạt động in lậu, phát hành, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực in, xuất bản có chiều hướng gia tăng, nhất là trên không gian mạng. Các địa phương cần triển khai quyết liệt Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trong đó có các sản phẩm của ngành in, xuất bản.
Hội nghị tổng kết 15 năm công tác liên ngành về phòng, chống in lậu do Bộ TT&TT tổ chức ngày 9/12 tại Hà Nội
Ngành công nghiệp in Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiêm, cùng với những giá trị to lớn đó, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng công nghệ in hiện đại để thực hiện hành vi in lậu, vi phạm pháp luật, đe dọa sự phát triển ổn định và bền vững của ngành, ảnh hưởng sức sáng tạo của xã hội. Trước thực trạng đó, ngày 05/11/2009, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1568/QĐ-BTTTT thành lập Đoàn và Đội liên ngành phòng, chống in lậu ở trung ương và địa phương. Việc thành lập Đoàn liên ngành là một bước tiến thể hiện quyết tâm chính trị của TW và các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực in.
Qua 15 năm, các tổ chức liên ngành phòng, chống in lậu từ trung ương đến địa phương luôn phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin kịp thời, triển khai đồng bộ các giải pháp, tuyên chiến với “vấn nạn in lậu, phát hành sách lậu”.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đã nâng cao tính răn đe và phát huy toàn diện chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản, in và phát hành. Qua kiểm tra Đoàn/Đội liên ngành trung ương và địa phương đã phát hiện vi phạm hành
chính hàng ngàn vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi tiêu hủy hàng triệu xuất bản phẩm vi phạm, kịp thời chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm có tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2022, Đoàn liên ngành đã tiến hành 78 lượt kiểm tra cơ sở in, cơ sở phát hành, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 12 cơ sở với tổng số tiền là 644 triệu đồng, xử lý thu hồi và đề nghị tiêu hủy 88.885 xuất bản phẩm các loại, 1.390 lịch blốc, 162.400 tờ bìa sách, ruột sách và 128 kẽm in ruột sách. Các Đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành kiểm tra việc in ấn, kinh doanh sách giả. Qua đó, cơ quan công an đã thu giữ khoảng 100 tấn sách với hơn 400 đầu sách và gần 400.000 cuốn; nhiều thiết bị in, photocopy, máy cắt, máy bìa, máy ra kẽm, hệ thống cắt gập bản kẽm...
Thời gian tới, để chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng mang lại chuyển biến tích cực, các Bộ, Ngành cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, quản lý, kiểm tra và xử lý đối với hệ thống thư viện trường học có tổ chức phát hành sách cho học sinh và giáo viên của trường; việc phát hành xuất bản phẩm qua mạng xã hội Facebook, Zalo...; việc trao đổi mua, bán sách cũ (sách bán theo kilôgam). Cơ quan chức năng nên có hướng dẫn về điều kiện hoạt động của các cơ sở phát hành là chi nhánh của doanh nghiệp (Bưu điện tỉnh và các đơn vị trực thuộc) vì hiện nay Bưu điện tỉnh và Bưu điện các huyện đều tham gia hoạt động phát hành xuất bản phẩm nhưng chưa đăng ký hoạt động phát hành (Bưu điện tỉnh và bưu điện các huyện đều là chi nhánh của Bưu điện Trung ương, do đó rất khó để xác định điều kiện hoạt động phát hành của đơn vị). Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, nội dung thanh tra, kiểm tra hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý lĩnh vực in của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố. Hàng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có hướng dẫn việc xác định tem thật, tem giả trên lịch blốc, tuy nhiên việc xác định này còn gặp khó khăn, ngoài ra các cơ sở phát hành trên địa bàn tỉnh kinh doanh số lượng ít (chỉ khoảng 50 blốc lịch/1 cơ sở) nên việc gửi giám định, hướng dẫn đến các đơn vị kinh doanh là việc rất khó khăn, làm giảm khả năng nhận biết cho xuất bản phẩm thật, giả.
Đối với địa phương, Đoàn liên ngành phòng, chống tin lậu Trung ương thường xuyên, kịp thời thông tin, hướng dẫn cho địa phương cách nhận biết sách in lậu. Hỗ trợ Đội liên ngành các tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Đội liên ngành các tỉnh, thành phố có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thường xuyên với nhau trong việc kiểm tra, xử lý các cơ sở in, phát hành sách in lậu.
TTH