Từ khi Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/TU, công tác quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh được chú trọng thực hiện và có nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, cùng với sự chung tay tích cực của các doanh nghiệp và người dân địa phương đã góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên. Ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, người dân được nâng lên rõ rệt. Cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch không ngừng được quan tâm đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện. Các chương trình hợp tác, liên kết giữa Phú Yên và các tỉnh, thành phố tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh, tiềm năng địa phương được đẩy mạnh, giúp lan tỏa tiềm năng du lịch, bản sắc văn hóa và con người Phú Yên đến với nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.
Hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch Phú Yên thời gian qua và định hướng thời gian tới
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách du lịch đạt hơn 3,1 triệu, gấp khoảng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam); tổng thu từ khách du lịch trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 6.000 tỷ đồng, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, ngành du lịch của tỉnh đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ gia đình chuyển sang làm du lịch, cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải... Rộng hơn, ngành du lịch còn tạo động lực để các làng nghề được khôi phục và phát triển trở thành điểm đến phục vụ du khách. Mặt khác, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động liên kết, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Phú Yên vẫn còn tồn tại một số hạn chế và thách thức như: số lượng cơ sở lưu trú còn thiếu; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu các dịch vụ tại các điểm đến; thiếu dịch vụ vui chơi, giải trí trên biển và ban đêm; sản phẩm du lịch đơn điệu, nhàm chán, chưa có chiều sâu, thiếu các sản phẩm mang tính đặc trưng; cơ chế, chính sách tại các địa phương chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; nguồn vốn đầu tư vào du lịch còn thấp; sự phối hợp trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch chưa đồng bộ; công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch và trách nhiệm bảo vệ môi trường chưa cao, công tác xúc tiến quảng bá còn hạn chế;…
Hội nghị sơ kết hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận năm 2024.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch tỉnh Phú Yên trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện hiệu tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư...
Thứ hai, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc trưng của từng đại phương để có được sức cạnh tranh trên thị trường. Tập trung phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, cộng đồng; lấy du lịch biển đảo làm mũi nhọn; kết hợp hình thành và phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh, sạch, bền vững và chất lượng; phát triển các loại hình du lịch thể thao trên biển và bờ biển; đầu tư các dịch vụ vui chơi, giải trí ban đêm.
Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng các lớp chuyên ngành du lịch; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng quản lý nhà hàng, khách sạn, nhân viên lễ tân, buồng, bàn, bếp... nhằm nâng cao trình độ của lao động du lịch. Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cách làm du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Bổ sung các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ du lịch cần thiết, như: kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ,... Ngoài ra, liê tục cập nhật, phổ biến kiến thức bảo đảm an toàn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường.
Thứ tư, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin khai thác thế mạnh của các nền tảng số để quản lý và quảng bá du lịch. Xây dựng các cổng thông tin du lịch, trang thông tin điện tử, trang fanpage trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, Instagram, Tiktok... chuyên biệt về du lịch. Đồng thời, quảng bá du lịch Phú Yên qua các phương tiện thông tin đại chúng..., đẩy mạnh kết nối với các công ty du lịch lữ hành với các nhà cung cấp các dịch vụ du lịch; mở rộng giao lưu và hợp tác với các tỉnh trong khu vực và các nước trên thế giới. Học tập kinh nghiệm phát triển du lịch xanh, xử lý các vấn đề môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tranh thủ sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế góp phần bảo đảm yêu cầu phát triển du lịch bền vững của tỉnh.
(Khởi Sự)