Phú Yên đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Với tiềm năng thiên nhiên trù phú và sự quyết tâm của chính quyền địa phương, ngành du lịch tỉnh này đã có những bước phát triển đáng kể trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội.
Cùng với việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng, Phú Yên đang tập trung khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)
Chú trọng quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch
Phú Yên là tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng du lịch phong phú, từ hệ thống các cảnh quan thiên nhiên hoang sơ đến các di sản văn hóa phong phú, cùng nền ẩm thực đặc sắc. Cùng với đó, địa phương này cũng rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch biển đảo, sinh thái, hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn.
Để khai thác thế mạnh này, từ năm 2021, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/TU về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Đây là bước đi chiến lược nhằm đưa Phú Yên vào bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh đã được kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành. Đặc biệt, tỉnh đã xác định thương hiệu du lịch của mình là "điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn và thân thiện". Sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền trong việc quảng bá, bảo vệ môi trường và giữ gìn văn hóa địa phương đã giúp Phú Yên ngày càng thu hút nhiều du khách hơn.
Cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, nhiều đồ án quan trọng đã được triển khai như điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040, quy hoạch sử dụng đất để phát triển du lịch, cũng như lập đề án công viên địa chất hướng tới danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Đồng thời, tỉnh cũng đang điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không Tuy Hòa để nâng công suất lên 5 triệu lượt khách/năm, phối hợp với các địa phương mở rộng hệ thống giao thông đường sắt và nâng cấp quốc lộ để thuận lợi kết nối với Tây Nguyên và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Ngoài hạ tầng giao thông, Phú Yên hiện đã ban hành nhiều đề án phát triển du lịch chuyên sâu như khai thác du lịch trên sông, thể thao giải trí trên biển, và quản lý sử dụng bãi biển để mở rộng dịch vụ du lịch biển. Nhờ những định hướng này, ngành du lịch Phú Yên không chỉ phát triển nhanh mà còn bền vững, phù hợp với xu hướng du lịch hiện đại.
Năm 2024, Phú Yên đã chào đón khoảng 4 triệu lượt khách đến với địa phương. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút du khách
Cùng với việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng, Phú Yên đang tập trung khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng. Trong đó, du lịch biển đảo được xem là thế mạnh với các tour tham quan hấp dẫn như Gành Đá Đĩa, Bãi Môn-Mũi Điện, Đầm Ô Loan và Hòn Yến. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh du lịch văn hóa- lịch sử, sinh thái, làng nghề, cộng đồng và gần đây là du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa ẩm thực.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là việc đưa vào khai thác hai tuyến phố đi bộ Phan Lưu Thanh và Lê Trung Kiên tại thành phố Tuy Hòa vào dịp cuối tuần, nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, mua sắm và thưởng thức ẩm thực của du khách. Ngoài ra, các hoạt động thể thao giải trí trên biển, các làng du lịch cộng đồng tại Long Thủy và Hòa Hiệp Trung cũng đang được triển khai, giúp mở rộng không gian trải nghiệm cho du khách.
Phú Yên cũng đang chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, tiêu biểu là nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số và văn hóa cồng chiêng.
Các làng nghề truyền thống cũng được đầu tư phát triển gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện nay, tỉnh đã có 267 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo.
Nhờ những nỗ lực này, trong năm 2024, Phú Yên đã đón khoảng 4 triệu lượt khách, trong đó có 35.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, đóng góp 5,7% vào GRDP của tỉnh. Những con số này cho thấy sự khởi sắc của ngành du lịch, tạo tiền đề vững chắc để Phú Yên tiếp tục phát triển và hoàn thành mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.