Văn hóa xã hội

Phú Yên: Giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng 01 lần

Với những ưu thế về sự tiện dụng, các sản phẩm làm từ nhựa trở nên phổ biến và được sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc lạm dụng đồ nhựa và túi ni lông, nhất là những sản phẩm dùng một lần đã thải ra lượng lớn rác thải nhựa và tác động không nhỏ đến cảnh quan, môi trường xung quanh, cũng như nguy cơ ảnh hưởng gián tiếp đến sức khoẻ con người. Vì vậy việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức là một trong những mục tiêu, giải pháp quan trọng, cần ưu tiên thực hiện nhằm thay đổi hành vi, ứng xử và trách nhiệm của người dân, của du khách trong việc giảm thiểu dùng túi ni lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng 01 lần là rất quan trọng. Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định Số 1713/QĐ-UBND ngày 13/12/2024 phê duyệt Kế hoạch giảm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng 01 lần trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024-2030.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Về mục tiêu tổng quát: Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cộng đồng dân cư về thực trạng và ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy. Từng bước làm thay đổi hành vi, thói quen sản xuất, tiêu thụ, xử lý, thải bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh.

Mục tiêu về nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng trong giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy:

Đến hết năm 2025: 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị duy trì các biện pháp giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy. 100% công nhân viên, người lao động trong các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được tuyên truyền về tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy. 100% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh hiểu biết, có kiến thức bảo vệ môi trường sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm giải pháp phân loại và tái chế rác dễ phân hủy sinh học tại nguồn, tác hại của các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy.

Đến hết năm 2030: Cơ bản cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh phải thực hiện phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn thông qua hành động tái chế, tái sử dụng rác thải sau phân loại và biết chủ động từ chối sử dụng đồ nhựa dùng 01 lần, túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh.

Mục tiêu về hành động giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy:

Đến hết năm 2025: 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; thay thế bằng các sản phẩm sử dụng nhiều lần trong các hoạt động thường xuyên, các cuộc họp, hội nghị, hội thảo. 100% các khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ cho hoạt động du lịch thực hành các giải pháp hạn chế việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. 100% trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình “Trường học không rác thải” - phân loại, giảm thiểu rác thải, túi ni-lông, đồ nhựa khó phân hủy dùng 01 lần. 50% các nhà hàng, hàng quán dịch vụ ăn uống ở khu nội thành của thành phố Tuy Hòa thực hành giải pháp chỉ cung cấp ống hút nhựa khi có sự yêu cầu từ khách hàng. Phấn đấu đạt mục tiêu giảm 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường trên địa bàn thành phố Tuy Hòa.

Đến hết năm 2030: Phấn đấu 100% các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm). Cơ bản 100% các nhà hàng, hàng quán dịch vụ ăn uống ở khu nội thành của thành phố Tuy Hòa thực hành giải pháp chỉ cung cấp ống hút nhựa, hộp xốp khi có sự yêu cầu từ khách hàng. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy.

Về giải pháp thực hiện: Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 4 nhóm giải pháp chính để các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện: (1) Tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong giảm thiểu chất thải nhựa thất thoát ra môi trường. (2) Giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sản xuất, kinh doanh. (3) Giảm thiểu tiêu thụ, thải bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. (4) Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; áp dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học trong xử lý chất thải nhựa.

UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức xã hội nghề nghiệp tỉnh đồng hành với các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và giám sát thực hiện Kế hoạch; phản biện xã hội góp phần đưa các chủ trương, cơ chế chính sách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa vào cuộc sống. Đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hạn chế sử dụng túi ni-lông, nhựa bao bì dùng một lần tại các địa phương, khu dân cư theo chức năng nhiệm vụ.

Khánh