Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Kế hoạch số 56-KH/TU, ngày 26/9/2013 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và người dân đã nâng cao trách nhiệm về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; công tác triển khai thực hiện quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển và hải đảo, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường được kịp thời; nhiều mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững từng bước được triển khai, hoàn thiện. Đã chủ động triển khai các hoạt động, ứng dụng nhiều kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, đời sống, thích ứng biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng các công trình đê, kè chống sạt lở ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng hiệu quả. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường được chú trọng, đổi mới mạnh mẽ trong công tác quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, công cụ tin học trong quản lý tài nguyên, môi trường; hoạt động kiểm soát nguồn thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường được chú trọng, chặt chẽ, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tiếp tục được đẩy mạnh…
Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế: công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về ứng phó biến đổi khí hậu chưa được thường xuyên và toàn diện; phương thức quản lý tổng hợp về tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giữa các sở, ngành, địa phương chưa được đồng bộ; hạ tầng kỹ thuật phòng, chống thiên tai, cảnh báo sớm tai biến thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh còn thiếu và yếu; nguồn lực đầu tư cho các công trình nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất, điều tra cơ bản dữ liệu về tài nguyên biển đảo, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường... chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung chưa được đồng bộ; ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi, môi trường vùng nuôi trồng thủy sản đầm vịnh vẫn còn xảy ra...
Để triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Công văn số 810-CV/TU đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 và Kết luận số 81-KL/TW ngày 04/6/2024 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 56/KH-TU của Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 18/8/2021 của Tinh uỷ về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường và Công văn số 750-CV/TU ngày 14/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường...
Thứ hai, đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng cơ quan, địa phương, tổ chức cá nhân và người dân từng vùng thực hiện. Tăng thời lượng phát sóng các chương trình tuyên truyền về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo xu hướng chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, đảm bảo phát triển bền vững trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đổi mới nội dung, xác định các đối tượng tuyên truyền, giáo dục; gắn hoạt động tuyên truyền vào hoạt động thực tế nhằm tạo chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể.
Thứ ba, nâng cao năng lực bộ máy, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Tỉnh ủy về tăng cường quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật, quản lý sử dụng kinh phí. Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học và môi trường. Nâng cao vai trò, hiệu quả công tác phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế tuần hoàn và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm thiểu khai thác, sử dụng nguyên, nhiên liệu hóa thạch, tập trung nguồn lực giải quyết các nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học các hệ sinh thái. Khuyến khích thu hút các dự án đầu tư sản xuất xanh, sản xuất sạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên; các dự án có sử dụng công nghệ thiết bị hiện đại, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Tích cực thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào các mô hình sản xuất nông nghiệp, mô hình sản xuất kinh doanh dịch vụ, du lịch các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực.
Thứ năm, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp tục xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo. Tiếp tục rà soát, hỗ trợ di dời dân cư ra khỏi các vùng có nguy cơ cao khi xảy ra lũ quét, sạt lở bờ sông, sạt lở núi, đất và các nguy cơ thiên tai khác; chú trọng công tác di dời, tái định cư cho người dân ở các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tai cao. Chủ động dự trữ nguồn lực cho các hoạt động khắc phục, tái thiết và phát triển trở lại trạng thái bình thường cho các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gây ra. Xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của từng ngành, lĩnh vực, nhất là xây dựng, giao thông, nông nghiệp; bảo vệ và phát triển rừng, thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường cacbon.
Thứ sáu, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm nước, đất, không khí; quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt; quản lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung và khu vực nông thôn; đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục rà soát, cập nhật, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cập nhật, hoàn thiện hệ thống thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; tăng cường trao quyền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho cộng đồng; mở rộng các khu bảo tồn biển và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cacbon thấp. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch không gian biển quốc gia; xây dựng, ban hành kế hoạch sử dụng không gian biển của tỉnh.
Thứ bảy, tăng cường quản lý tài chính; tích cực tìm kiếm nguồn lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tập trung nguồn lực để giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách về môi trường, đặc biệt là xử lý nước thải tại các đô thị, bệnh viện, cụm công nghiệp, làng nghề; cải tạo, phục hồi các lưu vực sông, suối, ao hồ, kênh mương; các khu vực đầm vịnh (như Vịnh Xuân Đài, Vịnh Vũng Rô, Đầm Cù Mông…), khu vực ven biển, công trình thủy lợi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Xây dựng hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phát triển ngành công nghiệp tái chế; đẩy mạnh xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế chôn lấp; giảm thiểu rác thải nhựa. Chủ động tìm kiếm các nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Bảo đảm cung cấp nước sạch cho Nhân dân; bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Bảo vệ nghiêm ngặt các loại động vật hoang dã, đặc biệt các loại động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư…
(Ngân Giang)