Văn hóa xã hội

Phiên tòa giả định, chương trình mang tính tuyên truyền, giáo dục hiệu quả trong trường học

Trong lịch sử dân tộc, dù ở bất kì thời kì nào, thanh niên đều có một vị trí quan trọng, lực lượng tiên phong trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin tưởng ở thanh niên  - lực lượng hậu bị của Đảng và là lực lượng cách mạng cho đời sau. Vì thế, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn quan tâm, giáo dục, đào tạo các thế hệ thanh niên Việt Nam. Trước khi ra đi về với thế giới người hiền Bác đã căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên””. Thực hiện lời dạy của Bác, bao lớp thanh niên đã ra sức phấn đấu, hăng hái thi đua trong học tập, lao động và rèn luyện để cùng với mợi tầng lớp nhân dân góp công sức xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Bên cạnh những đoàn viên, thanh niên ngày đêm miệt mài học tập và rèn luyện để cống hiến và trưởng thành thì có một bộ phận nhỏ lại chạy theo lối sống thực dụng, buông thả, thiếu chí tiến thủ. Vì vậy, thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật trong độ tuổi thanh thiếu niên ngày càng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo baophuyen.vn(ngày 22/5/2024) qua thống kê sơ bộ, “trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Riêng Phú Yên, trong năm 2023 xảy ra 71 vụ với 226 đối tượng liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm pháp hình sự và vi phạm pháp luật”.  Tội phạm vị thành niên không chỉ có dấu hiệu gia tăng về số lượng mà mức độ, thủ đoạn phạm tội cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi; độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi ngày càng manh động. Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông và sự xâm nhập của ma túy vào môi trường học đường gây quan ngại cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Quang cảnh Phiên tòa giả định được tổ chức tại trường THPT Trần Suyền - huyện Phú Hòa

Để giáo dục, rèn luyện đạo đức học sinh, ngành giáo dục đã đưa nội dung này vào giảng dạy trong chương trình các cấp học: môn đạo đức ở bậc tiểu học, môn giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở và môn giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp trung học phổ thông. Ngoài ra, các môn Ngữ văn, Lịch sử, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp… cũng góp phần giáo dục, phát triển, hoàn thiện nhân cách học sinh. Tuy nhiên, dù chương trình giáo dục có nhiều thay đổi nhưng nội dung, cách thức, hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong nhà trường vẫn có một số hạn chế nhất định như: còn nặng hình thức, thiếu các mô hình hay, đặc biệt là chuyên môn sâu về pháp luật và kinh phí để thực hiện các mô hình, chương trình ngoại khóa, hoạt động “Về nguồn”  đến các địa chỉ đỏ…

Hiểu và chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục tỉnh nhà, các năm qua Sở Tư pháp đã phối hợp với Tỉnh Đoàn Phú Yên tổ chức nhiều Phiên tòa giả định tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, về an toàn giao thông, bạo lực học đường, ma túy học đường… tại các trường cao đẳng, THPT trên địa bàn tỉnh. Tại Phiên tòa giả định, chương trình tái hiện một phiên tòa xét xử sơ thẩm một vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả nghiệm trọng, vi phạm pháp luật, xâm hại thân thể người khác, ma túy… Qua phiên tòa giả định, các em học sinh, sinh viên có dịp tận mắt chứng kiến phiên tòa phân tích, chỉ ra nguyên nhân, hậu quả của việc vi phạm pháp luật ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân, gia đình, nhà trường, xã hội và người bị hại như thế nào. Từ đó, các em hiểu và rút ra những bài học sâu sắc mà những kiến thức trên sách vở không thể tác động một cách trực quan và hiệu quả bằng.  

Có thể nói, Phiên tòa giả định là một cách thức tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật mang tính trực quan, sinh động và có chuyên môn sâu đã góp phần đáng kể vào việc giáo dục đạo đức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật; xây dựng môi trường học đường ngày càng thân thiện, lành mạnh, xã hội văn minh.

Đình Huy