Văn hóa xã hội

Một số kết quả và giải pháp triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh

Thời gian qua, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu đã quan tâm quán triệt, triển khai sâu rộng các văn bản của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp.

Đoàn kiểm tra của Ủy ban MTTQ tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản - thực phẩm Hùng Miên tại thị trấn Hai Riêng. Ảnh sưu tầm

Từng cấp, ngành đều xây dựng chương trình, kế hoạch và giải pháp thiết thực triển khai Cuộc vận động, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, Ban chỉ đạo Cuộc vận động các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong năm 2024, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện có nhiều hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động được Mặt trận, các tổ chức thành viên và các sở, ngành và địa phương được chú trọng; thông qua nhiều hình thức như: tổ chức tuyên truyền trực quan (treo băng rôn, khẩu hiệu) tại các điểm công cộng, nơi đông dân cư; xây dựng chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên Báo Phú Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên nhằm tuyên truyền về Cuộc vận động đến Nhân dân trong tỉnh biết, lựa chọn và tiêu dùng hàng Việt Nam; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên (PTP) xây dựng phóng sự về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát trên sóng truyền hình tỉnh. Qua công tác tuyên truyền đã làm chuyển biến nhận thức của đoàn viên, hội viên, người dân và doanh nghiệp trong việc ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng; nâng cao ý thức trách nhiệm của người tiêu dùng, đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của các nhà sản xuất, chế biến, phân phối, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp; chương trình khuyến mại, hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối thương mại… đã giúp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, có đủ thông tin để đánh giá, so sánh, tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng nhậu lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.

Toàn tỉnh có 71 tổ hợp tác, 203 hợp tác xã, 02 Liên hiệp Hợp tác xã, 04 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động. Tổ chức sản xuất của Tổ hợp tác, Hợp tác xã hướng đến mục tiêu đạt chuẩn OCOP, góp phần hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm địa phương, phát triển và tham gia liên kết với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Quan tâm xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, có 31 sản phẩm của 18 hợp tác xã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; hoạt động theo chuỗi giá trị sản phẩm đem lại thu nhập kinh tế cho các thành viên, đáp ứng yêu cầu thị trường và góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Trong năm 2024, đã có 107 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận 3 sao; luỹ kế đến nay có 356 sản phẩm, trong đó, có 10 sản phẩm đạt 4 sao và 346 sản phẩm đạt 3 sao.

Sở Công Thương đã triển khai tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân: tổ chức 07 đợt đưa hàng Việt về miền núi và 04 phiên chợ hàng Việt về miền núi. Qua đó, vừa tuyên truyền, quảng bá sản phẩm Việt, vừa nâng cao nhận thức của người dân về tiêu dùng hàng Việt, hàng sản xuất trong tỉnh. Hỗ trợ 10 cửa hàng trên địa bàn tỉnh gắn bản nhận diện “Tự hào hàng Việt Nam” tại địa bàn các huyện, thị xã (huyện Đồng Xuân: 5 cửa hàng, thị xã Đông Hoà: 1 cửa hàng, huện Tuy An: 2 cửa hàng, huyện Phú Hoà: 2 cửa hàng), đến năm 2024, đã xây dựng 64 Điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các huyện, thị xã, thành phố từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương (gồm cả cửa hàng tiện lợi được xác nhận và các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tổng hợp).

Phối hợp Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam khu vực miền Trung Tây nguyên, Ban Quản lý chợ Tuy Hòa và các đơn vị giải pháp thương mại điện tử thực hiện khảo sát nhu cầu, năng lực các tiểu thương tại chợ để xây dựng 20 trang giới thiệu trực tuyến sản phẩm của tiểu thương (landing page), có tích hợp tài khoản thanh toán bằng mã QR, và thí điểm 05 gian hàng trên kênh TikTok cho tiểu thương thuộc các nhóm ngành hải sản khô, quần áo, giày dép... Tổ chức “Lễ kích hoạt Chương trình ứng dụng thương mại điện tử và giải pháp thanh toán số tại chợ Tuy Hòa”, kết hợp tập huấn livestream bán hàng cho một số tiểu thương đang kinh doanh tại chợ. Sự kiện được tổ chức nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa, nhân rộng mô hình ứng dụng thương mại điện tử cùng với thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2024; kết quả có 05 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực Gồm các sản phẩm: Nước mắm nhỉ Bà Mười; Mây tre đan; Nước mắm Ngân Mỹ Á; Đông trùng hạ thảo; Bộ sản phẩm: Phân NPK 16-16-8+13S+TE; Phân NPK 20-20-15+TE; Phân NPK 19-7-22+TE. Hỗ trợ 7 sản phẩm của 7 doanh nghiệp, hộ kinh doanh về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin với người tiêu dùng, từng bước tạo hình ảnh nhận diện thương hiệu sản phẩm đến khách hàng, với kinh phí thực hiện 50 triệu đồng.

Đã triển khai tổ chức thực hiện 05 đề án khuyến công, 04 chương trình/đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí thực hiện trên 2,08 tỷ đồng. Hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh xúc tiến thương mại, Sở Công Thương cũng đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông trên Trang thông tin điện tử của Sở. Tiếp tục duy trì và vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Yên tại địa chỉ https://phuyentrade.gov.vn/ với mục tiêu quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh. Cập nhật thông tin và hình ảnh sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên môi trường trực tuyến. Đến nay, đã hỗ trợ đưa 300/356 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP (của 115 doanh nghiệp, hộ kinh doanh) và 67 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cùng với các sản phẩm đặc trưng khác của tỉnh như nước mắm, bánh tránh, gạo, cà phê, sản phẩm may mặc, sản phẩm thủy sản chế biến… lên sàn thương mại điện tử của tỉnh.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc, đường dây, đối tượng vi phạm, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bình ổn thị trường, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các ngành, lực lượng chức năng thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện có hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lực lương quản lý thị trường đã kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý 772 vụ. Xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền 3,87 tỷ đồng tịch thu hàng hóa trên 15,78 tỷ đồng (Một số lớn hàng hóa tịch thu là các mặt hàng như: 1.908 chai rượu Chival 18; 1.500 lít rượu các loại; 5.500 chai bia (hiệu Heneken, Chimay), trên 100 tấn đường cát; 03 xe ô tô con (trong đó: 02 xe ôtô loại 05 chỗ và loại 7 chỗ hiệu Lexus và 01 xe ôtô loại 04 chỗ hiệu Ford Mustang; 270 chiếc xe đạp điện, hàng trăm nghìn sản phẩm là quần áo may sẵn; mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả nhãn hiệu...). Phối hợp với các sở ngành có liên quan tổ chức 3 đợt tiêu hủy hàng hóa; hàng hóa tiêu hủy là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu như: Đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, thực phẩm (bia, bánh kẹo, sữa…), thực phẩm chức năng và hàng hóa khác (như giày, dép, quần áo, kính mắt…) là hàng giả nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường… với tổng giá trị hàng tiêu hủy trên 6,1 tỷ đồng; đồng thời, tổ chức 8 lượt bán đấu giá tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu với tổng giá trị hàng hóa đấu giá thành 6,530 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, tuy nhiên theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, như: Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động có nơi, có lúc ở một số địa phương, đơn vị chưa sâu, hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với đối tượng và địa bàn dân cư; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp đối với lĩnh vực chuyên môn thuộc ngành, địa phương mình phụ trách có lúc, có nơi chưa được thường xuyên; Vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng sính hàng ngoại, chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt; Một số mặt hàng sản xuất chất lượng chưa cao, giá thành chưa cạnh tranh, chưa đa dạng về mẫu mã, thiết kế cũng như chủng loại để người tiêu dùng lựa chọn; một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa chú trọng việc giới thiệu quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, từ đó người dân thiếu thông tin, không tiếp cận hàng hóa; Các đặc điểm nhận diện hàng Việt Nam chưa phổ biến, các tiêu chí hàng Việt Nam chưa cụ thể hóa, công bố rõ ràng, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, do đó người tiêu dùng khó phân biệt để ưu tiên sử dụng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm sở trí tuệ hoạt động núp bóng các hình thức kinh doanh hợp pháp; nhiều mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc được chào bán công khai trên các mạng xã hội với nhiều điểm bán hàng online không thông tin khai báo, đăng ký hoạt động kinh doanh diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Để tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh năm 2025 hoạt động hiệu quả, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh tiếp tục tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, huy động được các cấp, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp vào cuộc, tạo sự chuyển biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần khơi dậy tự tôn dân tộc; phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, hàng Việt trên địa bàn tỉnh. Để Cuộc vận động đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện vai trò, trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động, xây dựng kế hoạch công tác năm, tập trung rà soát nội dung, giải pháp mới để vận động; tổ chức kiểm tra, hội thảo, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức triển khai cuộc vận động. Phối hợp với các cơ quan thành viên, các ngành phát huy vai trò chủ động, tích cực trên cơ sở phối hợp nhịp nhàng cùng thực hiện mục tiêu chung, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh chú trọng quan tâm tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động trong các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt; nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; lồng ghép có hiệu quả nội dung thực hiện Cuộc vận động với phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; tăng cường công tác xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa; việc các sản phẩm tham gia phiên chợ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; sản phẩm có chứng nhận sản phẩm OCOP/chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… càng thêm những ưu điểm khiến người mua càng yên tâm về sự uy tín và khơi dậy cả lòng tự hào dân tộc, đồng thời có các giải pháp phù hợp để gắn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của địa phương với các hoạt động phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên đến du khách trong và ngoài nước; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý chế biến và tiêu thụ hàng hóa; tăng cường chủ động công tác dự báo thị trường, công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và lợi thế của tỉnh. Hỗ trợ trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Xây dựng và triển khai chương trình đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp có những diễn đàn để trao đổi với doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp để có những đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ điều chỉnh, thay thế những cơ chế, chính sách chưa phù hợp. Mục tiêu cuối cùng của Cuộc vận động là phải thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, để sản phẩm, thương hiệu Việt Nam phải chinh phục được người tiêu dùng Việt.

Mỹ Linh