Sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, được coi là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”; “xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước” bước vào kỷ nguyên vươn mình, sánh vai với các cường quốc năm châu được Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII xác định là đột phá chiến lược và đổi mới giáo dục đào tạo là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược của Đại hội XIV mang tính thời đại.
Mỗi thầy giáo, cô giáo như một người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá
Để đạt được nguồn chất lượng cao đòi hỏi chúng ta phải đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới “hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng”, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới; theo đó, người thầy có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong sự nghiệp đổi mới giáo dục trong cách mạng mới.
Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh thăm chúc mừng tập thể thầy cô giáo Trường Chính trị tỉnh nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024).
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá”. Tiếp tục kế thừa truyền thống quý báu “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, thấm nhuần lợi dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn thống nhất quan điểm chỉ đạo: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”, “phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Như vậy, sứ mệnh và vai trò của người thầy là rất lớn; bởi đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là người đào tạo cán bộ cho đất nước, như “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá” truyền đạt những kiến thức, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, hệ thống các giá trị tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại cho các thế hệ học sinh, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nước nhà. Mỗi thầy giáo, cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn “hải đăng” tâm hồn cho học sinh. Vì vậy, để nâng cao chất lượng của hoạt động dạy và học thì đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, mến trò, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết tâm, đồng bộ của cả hệ thống chính trị nói chung, toàn ngành giáo dục nói chung sẽ khắc phục mọi gian khó, vượt qua mọi thách thức.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà giáo trong giai đoạn hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là tiếp nối truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam, vận dụng và phát triển sáng tạo triết lý giáo dục của nhân loại, đặc biệt là chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện Việt Nam. Tư tưởng ấy đã trở thành nền tảng xây dựng đường lối, chính sách về công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo của Đảng và Nhà nước ta. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã nhận thức rõ vị trí, vai trò và năng lực và phẩm chất của người thầy trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu việc xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Trong văn kiện Đại hội xác định cần “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người” trong đó nhấn mạnh “thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cái thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. Trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo thì giáo dục và đào tạo chính là chìa khóa cho sự thành công của mỗi quốc gia. Do đó, vai trò của người thầy lại càng quan trọng và yêu cầu đặt ra cho người thầy cũng ngày càng cao hơn về mọi mặt, vì vậy tư tưởng Hồ Chí Minh về “người thầy” càng có ý nghĩa và giá trị. Đây cũng là sự khẳng định sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo nói riêng trong thực tiễn cách mạng mới.
Đất nước ta đang trong thời kì thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Hơn bao giờ hết, mỗi nhà giáo cần xác định rõ sứ mệnh, trách nhiệm và phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, “Non sông Việt Nam có thể trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có thể bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Chúng ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử để thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trách nhiệm vinh quang đòi hỏi những nỗ lực lớn lao, sự bức phá mạnh mẽ, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trước hết và trực tiếp nhất là đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục dưới dự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và nhiệm vụ chính trị trong kỷ nguyên mới, xứng đáng là “Người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hoá”.
Lương Công Thảo