Cô gái vót chông là tên một bài hát nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đã có rất nhiều bài hát được viết ra như một lời thúc giục toàn dân ra trận để giành lại độc lập tự do, nhưng cũng rất đi vào lòng người nghe. Bài hát Cô gái vót chông là một trong số những tác phẩm như thế. Cái hay ở bài hát này chính là ở phần lời thơ được viết với câu từ hết sức mộc mạc, chân tình bằng cả tấm lòng của một người con đồng bào miền núi Phú Yên đang công tác trên đất Bắc hướng về miền Nam trong lửa đạn của chiến tranh. Cố nhà thơ Mô Lô Y Choi, tác giả bài thơ, có lần đã kể lại với chúng tôi: “Hồi đó anh em ở miền Nam ra mới kể lại sự việc ở miền Nam, tất cả nam nữ già trẻ đều chống Mỹ cứu nước, cho nên tôi mới suy nghĩ ra viết bài Cô gái vót chông. Lấy chủ đề là những cô gái ở sông Ba, là toàn bộ người kinh, người dân tộc đều chống Mỹ cứu nước. Đó là năm 1964, bài thơ được đăng trên báo Văn nghệ và được trao giải Khuyến khích. Không biết thế nào, nhạc sĩ Hoàng Hiệp thấy bài tôi hay hay, ổng phổ nhạc, từ đó đến giờ nghe hát miết, nhất là trong những năm tháng chiến tranh”.
Mô Lô Y Choi, người tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp Làm nên Cô gái vót chông (Ảnh: Anh Đào).
... Mỗi mũi chông em vót cắm sâu dưới đất
Lũ giặc Mỹ lao vào chết veo
Còn giặc Mỹ cọp beo
Lũ làng chưa yên bụng phát nương hát hò...
(Trích bài thơ của Mô Lô Y Choi)
Lâu nay, mỗi lần nghe bài hát Cô gái vót chông thường thì thính giả chỉ biết đến tác giả phần nhạc là nhạc sĩ Hoàng Hiệp mà ít ai biết rằng, tác giả của lời thơ là một người Ê đê - nhà thơ Mô Lô Y Choi, hay Mô Lô Y Klavi - dân làng chỉ quen gọi ông là Ma Luê. Tuổi thơ ông gắn bó với núi rừng miền Tây Phú Yên, nơi có con sông Ba hùng vĩ chảy qua trước khi xuôi về biển. 10 tuổi, Ma Luê đã được học tiếng Ê đê và tiếng Kinh ở trường dân tộc Hoà Nguyên, Sơn Hoà. Năm 1954, ông theo bộ đội E 120 tập kết ra Bắc vì căm thù giặc Tây đã giết chết cả cha mẹ, dòng họ mình. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học TW và Trường Sư phạm Việt Bắc, ông đi dạy rồi công tác ở Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc. Bài thơ Cô gái vót chông được ra đời khoảng cuối năm 1961 đầu năm 1962 khi ông đang ở Việt Bắc, nhưng luôn hướng về quê nhà nơi đầu nguồn sông Ba, vùng đất của đồng bào các dân tộc Tây nguyên đang sinh sống trong cảnh bom rơi, đạn lạc.
Ngay sau khi bài thơ được đăng trên các báo Văn nghệ TW, Văn nghệ Việt Bắc và đoạt giải thưởng Văn nghệ TW, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ nhạc thành công bài hát cùng tên. Khi thực hiện bộ phim về câu chuyện này, chúng tôi vào TP. Hồ Chí Minh để phỏng vấn cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhạc sĩ cho biết:, “từ lâu, ông đã có ý định viết một ca khúc nói về ý chí quyết tâm của đồng bào các dân tộc Tây nguyên đứng lên đánh giặc với vũ khí thô sơ nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào. Nên khi gặp được bài thơ Cô gái vót chông của Ma Luê ông rất vui mừng như gặp được người cùng xúc cảm với mình”
Cho đến khi chúng tôi làm phim (thập niên 90 thế kỷ trước), hai tác giả thơ và nhạc vẫn chưa một lần gặp nhau. Cũng theo lời cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp, bài hát sau khi được tốp ca nữ Nhà hát ca múa nhạc TW dàn dựng với phần đệm đàn T'rưng, đã được biểu diễn ở châu Âu, Bắc Âu và thu đĩa tại Pháp. Đến khi ca sĩ Tường Vi thể hiện thành công bài hát này và đựợc phát lại nhiều lần trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát đã trở thành tác phẩm được nhiều người ưa thích và không thể thiếu trong chương trình biểu diễn của các đoàn văn công phía Nam.
... Bọn giặc Mỹ chạy rồi, khe rừng ta làm nhà chòi cao
Em vót nhiều chông làm cạm bẫy
Đuổi K'Sóc (ma) Mỹ xuống biển sâu
Đất nước ta mới liền nhau
Đón Ava Hồ vô Nam cùng uống rượu cần...
(Trích bài thơ của Mô Lô Y Choi)
Bài hát được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc không có sửa chữa nhiều vì tính mộc mạc chân tình của lời thơ như tấm lòng của bà con dân tộc đối với cách mạng, với Bác Hồ. Bà H'Đô, vợ của cố nhà thơ Ma Luê, cũng là một trong những cô gái nơi đầu nguồn sông Ba đầu búi tóc thon, tay vót chông không nghỉ, đã gợi cho chồng cảm xúc để ông viết nên bài thơ này. Bà K'so HĐô nói: “Khi biết ổng lấy hình ảnh mình và mấy cô gái trong buôn làng làm thơ thì vui lắm. Hồi đó mình cũng vót chông mà, còn đi gùi gạo, gùi muối cho bộ đội Ava Hồ nữa, cực nhưng mà vui lắm, vì thằng Mỹ nó ác như con cọp, con beo...”
Thời gian ở Việt Bắc, Ma Luê còn viết khá nhiều thơ như: Hơ Ní ơi, Em của núi rừng, Em vẫn chờ anh, Nhớ mẹ năm xưa, Biết ơn Đảng, Krông Hinh quê tôi, Ngày hội được mùa... Ông thường nói, đến già mới biết quê hương nên những bài thơ này đều đau đáu một nỗi nhớ buôn làng như con chim nhớ tổ.
Năm 1966, ông vào Nam rồi tham gia công tác tuyên giáo ở huyện miền núi Sông Hinh tỉnh Phú Yên cho đến khi về hưu năm 1966. Tuy sống đạm bạc với đồng lương hưu, nhưng mỗi khi có bạn thơ đến nhà, ông lại hồ hởi với những sáng tác mới của mình. Và ông rất vui mừng, khi ai đó còn nhớ đến ca khúc Cô gái vót chông với lời thơ của mình chứ không chỉ phần nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
Như mong muốn trong lời thơ ông năm nào: Mai đây giặc chạy rồi, tre làng ta lại mọc, ta làm nhà cao, chòi cao... Buôn Thinh quê hương ông của núi rừng miền Tây Phú Yên giờ đây đã phủ một màu xanh của cỏ cây, cuộc sống của đồng bào dẫu còn nhiều khó khăn nhưng đã dần thay da đổi thịt trong nhịp sống mới cùng quê hương...
(Trần Thanh Hưng)