Văn hóa xã hội

Luật Báo chí sửa đổi góp phần bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng Việt Nam

Sáng 11/12/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Dịp này, có 3 luật khác là Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí sửa đổi, Luật Luật sư sửa đổi được Chính phủ đề xuất bổ sung, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025). Luật Báo chí sửa đổi sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí, giúp cơ quan báo chí hình thành mô hình tổ hợp truyền thông. Đặc biệt, Luật Báo chí sửa đổi sẽ điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng, góp phần bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng Việt Nam.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: VPQH

Một số điểm mới của Luật Báo chí sửa đổi

Luật Báo chí sửa đổi sẽ đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng; giúp cơ quan báo chí tiến tới xây dựng mô hình tổ hợp báo chí truyền thông; liên kết trong hoạt động báo chí...

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết: Chính phủ đề nghị xây dựng với 4 chính sách: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng. Trong đó, dự kiến Luật sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí; thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí; quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương. Luật sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của cấp phó người đứng đầu cơ quan báo chí; yêu cầu về bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu. Ngoài ra, lần này cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình tổ hợp báo chí truyền thông; liên kết trong hoạt động báo chí; chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí...

Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trên không gian mạng Việt Nam

Thông tin từ Bộ TT&TT cho biết: tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội (MXH) trong nước hiện khoảng 110 triệu, MXH nước ngoài khoảng 203 triệu. Theo các chuyên gia, đây là nơi tán phát tin giả, tin sai sự thật, thông tin chống phá nhiều nhất. Trong đó, số người dùng Zalo hàng tháng là 76,5 triệu, Facebook: 72 triệu, YouTube: 63 triệu, Tiktok: 67 triệu. Như vậy, Zalo có đông tài khoản đăng ký sử dụng hơn 3 nền tảng xuyên biên giới.

Năm 2024, các cơ quan chức năng từ TW đến địa phương đã kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh 236 trang thông tin điện tử (TTĐT), trang TTĐT tổng hợp, MXH, tài khoản MXH. Xử phạt 46 trường hợp với tổng số tiền phạt là 1.047.500.000 đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu là: Thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa được cấp phép; Thực hiện không đúng quy định trong Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; Thực hiện không đầy đủ việc đăng ký, lưu trữ và quản lý thông tin cá nhân của người thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân trên các mạng xã hội; Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ; Cung cấp dịch vụ không đúng với quy định tại Giấy phép thiết lập mạng xã hội; Không trích dẫn nguồn tin theo quy định.

Các Sở Thông tin truyền thông trên cả nước đã kiểm tra 1.040 trang TTĐT tổng hợp, MXH, phát hiện, xử lý và chấn chỉnh 290 trang TTĐT có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật; rà soát xử lý 83 tên miền có dấu hiệu vi phạm và buộc thu hồi 02 tên miền; tiếp nhận và xử lý 23 đơn, thư phản ánh về hoạt động của các trang TTĐT, trang MXH có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tại Phú Yên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 04 nhóm kín trên các nền tảng zalo, viber; 07 nhóm, trang facebook đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung cổ súy bạo lực và liên quan đến chế độ trước năm 1975, liên quan đến lực lượng công an. Qua rà quét, cơ quan chức năng cũng phát hiện cổng, trang TTĐT của một số đơn vị, địa phương, trường học...tồn tại 679 lỗ hỏng bảo mật, bảo mật đặc biệt nghiêm trọng, bảo mật rất nghiêm trọng có nguy cơ bị tin tặc tấn công, chiếm quyền điều khiển, thay đổi thông tin, đánh cắp dữ liệu; 05 trang TTĐT bị chèn link quảng cáo đánh bạc; 08 trang TTĐT, hệ thống quản lý bị lộ tài khoản đăng nhập trên các diễn đàn của hacker.

Năm 2024, Việt Nam tăng 8 bậc về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu. Ảnh: Bộ TT&TT

Qua đấu tranh của các cơ quan chức năng, Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (bao gồm 8.463 bài viết, 349 tài khoản, 16 group và 153 trang vi phạm, tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (bao gồm 6.007 video và 36 kênh vi phạm (đăng tải hơn 39.000 video), tỷ lệ 91%); TikTok: chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm (bao gồm 677 video và 294 tài khoản (đăng tải hơn 94.000 video), tỷ lệ 93%). Để hạn chế tình trạng phát tán tin giả, thông tin xấu độc trên các nền tảng MXH nước ngoài, năm 2024, Bộ TT&TT đã công bố tin giả, tin xấu độc trên cổng www.tingia.gov.vn của Bộ. (đến hết tháng 9/2024, Bộ đã tiếp nhận và xử lý 1130).  Thanh tra Bộ TT&TT cũng đã kiểm tra 168 tổ chức, cá nhân, xử phạt 55 trường hợp, tổng số tiền phạt là 555.939.000 đồng do cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức. Đến nay, cả nước đã có 20 tỉnh, thành phố thành lập 20 Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc.

Tín hiệu đáng mừng khi sửa đổi Luật Báo chí

Tại phiên họp xem xét, quyết định việc bổ sung và sửa đổi một số dự án luật, trong đó có Luật Báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, làm rõ hình thức, điều kiện hoạt động của báo chí trên không gian mạng; chính sách quản lý đối với trang TTĐT tổng hợp...

Dự báo, với tỷ lệ người dân sử dụng internet, MXH cao như Việt Nam hiện nay, Đảng, Chính phủ đang thực hiện nhiều chủ trương lớn mang tính đột phá, nhất là tinh gọn một số tổ chức chính trị, bộ máy quản lý nhà nước, khởi động nhiều chương trình, dự án lớn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thời gian tới, KGM tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp.

Do vậy, bên cạnh sửa đổi Luật Báo chí, đưa Nghị định số 147/2024/NĐ-CP vào thực tiễn (NĐ được ban hành ngày 09/11/2024, về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ 25/12/2024), các cơ quan chức năng phải tiếp tục tăng cường xác thực tài khoản của người sử dụng MXH bằng số điện thoại di động; Yêu cầu các MXH trong và ngoài nước chặn gỡ kịp thời nội dung, dịch vụ vi phạm; chặn/khóa tài khoản/trang/kênh thường xuyên vi phạm; Tập trung xử lý vấn đề báo hóa trang TTĐT tổng hợp, MXH; Triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ trẻ em khi tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ trên KGM…

Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thường xuyên có văn bản lưu ý, nhắc nhở các tổ chức; doanh nghiệp thiết lập MXH hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; Hướng dẫn các trang TTĐT tổng hợp, MXH điều tiết tỉ lệ thông tin tiêu cực trên không gian mạng, duy trì ngưỡng thông tin tiêu cực trên không gian mạng dưới 15%; Hướng dẫn các Sở TT&TT, các đơn vị cung cấp dịch vụ  MXH triển khai giải pháp nhằm bảo vệ người sử dụng, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng (cảnh báo người dùng, rà quét hành vi lừa đảo…); Chấn chỉnh các hành vi vi phạm khi cung cấp thông tin trên mạng, trong đó xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu “báo hóa” trang TTĐT tổng hợp, MXH; rà soát, siết chặt cấp phép và hoạt động của các trang TTĐT tổng hợp, MXH; không cấp phép cho các trang có tên miền sử dụng những từ, ngữ có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí; không cấp phép trang TTĐT tổng hợp của cơ quan báo chí.

Với hành lang pháp lý được đảm bảo trước những vấn đề mới phát sinh trên KGM, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị một cách quyết liệt, động bộ, chắc chắn thời gian tới, KGM Việt Nam sẽ từng bước được đảm bảo an toàn, anh ninh cho người dung.

TTH