Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia không chỉ khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng ta mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ, nâng cao ý thức trách nhiệm cho các Bộ, Ngành, địa phương, các nhà khoa học tiếp tục cống hiến, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Năm 2024, Phú Yên tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả quan trọng trên lĩnh vực chuyển đổi số.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan khu triển lãm về đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, chuyển đổi số tại sự kiện ra mắt Ban chỉ đạo TW về Nghị quyết 57
Về Hạ tầng thông tin và truyền thông, tỉnh Phú Yên tiếp tục thiết lập hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ, thống nhất sử dụng chung và 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo quản lý và điều hành qua môi trường mạng; hình thành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Trung ương (NGSP).
Một số ứng dụng CNTT kết nối đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, gồm: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) liên thông qua Trục liên thông văn bản điện tử; Cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử được xây dựng tập trung, thống nhất liên thông từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và kết nối với Cổng DVC Quốc gia; Hệ thống thư điện tử công vụ cấp phát gần 10.000 tài khoản; Cổng/trang thông tin điện tử xây dựng công nghệ Portal/subportal...; các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng được thực hiện đồng bộ.
Các hệ thống hạ tầng đã triển khai rộng khắp địa bàn và hoạt động hiệu quả: Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến cấp huyện và kết nối Trung ương, tích hợp phần mềm MS Teams đến cấp xã và hỗ trợ trực tuyến mở rộng đến cá nhân, tổ chức; Hệ thống phòng họp không giấy tờ đã triển khai tại HĐND tỉnh, UBND tỉnh,…; Hệ thống IOC thành phố Tuy Hòa, Hệ thống camera giám sát trên địa bàn đã đi vào hoạt động và hỗ trợ cho công tác quản lý, điều hành đô thị.
Công nghệ số đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực như: Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế, Du lịch…
Về công tác chỉ đạo, điều hành, đáng chú ý là UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định, Kế hoạch và văn bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành nâng cao hiệu quả ứng dụng, phát triển CNTT, chuyển đổi số, an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh.
Về công tác bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, tỉnh Phú Yên đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số là Chủ tịch UBND tỉnh; 100% các sở, ban, ngành, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số đơn vị, địa phương, do lãnh đạo đơn vị làm Trưởng ban chỉ đạo. Tổng số công chức của tỉnh có trình độ tin học đạt 100% (Chứng chỉ theo quy định). Mỗi sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 cán bộ kiêm nhiệm phụ trách về CNTT. Tỉnh đã có 509 Tổ công nghệ số cộng đồng, với 3.149 thành viên để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về CNTT và Chính quyền điện tử cho các cán bộ lãnh đạo CNTT, cán bộ chuyên trách và cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước được quan tâm tổ chức triển khai hàng năm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu và sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin.
Về dữ liệu số, Phú Yên đã hoàn thành việc kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC quốc gia phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp DVC trên địa bàn tỉnh. Đã triển khai kết nối 25 DVC trực tuyến thiết yếu lên Cổng DVC quốc gia. Tiếp tục rà soát triển khai kết nối 28 DVC trực tuyến thiết yếu theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính Phủ lên Cổng DVC quốc gia.
Về an toàn thông tin mạng, kết quả quan trọng là Sở Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương về xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ, quy trình thẩm định và phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin. Phối hợp với UBND huyện Sông Hinh tổ chức diễn tập và các tình huống diễn tập được xây dựng tập trung vào hiệu quả, tính thiết thực và tuân thủ các quy định về điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Tiểu Ban an toàn an ninh mạng tỉnh Phú Yên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công tham gia diễn tập thực chiến, ứng cứu năm 2024.
Kết quả trên lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, đáng chú ý là tỉnh đã đẩy mạnh chương trình OCOP, đưa các sản phẩn nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử, tổ chức trưng bày sản phẩm OCOP để quảng bá và giới thiệu đến người tiêu dùng, từng bước hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%; người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 99,83% .
Mạng lưới viễn thông đã được đầu tư, phát triển rộng khắp đến các khu vực trên địa bàn tỉnh. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được kết nối cáp quang đến trung tâm; phủ sóng điện thoại 3G, 4G đến thôn, buôn; phủ sóng 5G chủ yếu địa bàn Tp Tuy Hòa; tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 76%; tỷ lệ số thuê bao băng rộng cố định là hộ gia đình đạt 74,31%.
Nhiều cơ sở giáo dục đã ứng dụng phần mềm quản lý vào dạy và học; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã triển khai khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng VNeID thay cho thẻ BHYT giấy; các trạm y tế cấp xã đã triển khai ứng dụng hệ thống quản lý thông tin y tế, đơn thuốc điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, lập hồ sơ sức khỏe điện tử, …
Việc chi trả không dùng tiền mặt đã có 45.752/60.982 đối tượng, đạt tỷ lệ 75,03%. Đã thực hiện chi trả 38.348/60.982 đối tượng, đạt tỷ lệ 62,88%. Tỷ lệ người dân được tiếp cận, hướng dẫn và sử dụng các dịch vụ thiết yếu (chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường) ngày một tăng. Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp: cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số, đặt biệt là tuyên truyền, đưa Nghị quyết 57 của TW vào cuộc sống đã và đang được triển khai quyết liệt.
Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại điểm cầu Tỉnh ủy Phú Yên
Tuy nhiên, một số mục tiêu đặt ra năm 2024 vẫn chưa đạt được và cần có giải pháp khắc phục trong thời gian đến.
Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn và kế hoạch chuyển đổi số hàng năm của một số đơn vị, địa phương chất lượng chưa cao, phần lớn chưa thể hiện các danh mục, lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể. Nhiều nhiệm vụ trong danh mục các nhiệm vụ ưu tiên chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2023 - 2025 chưa được cấp kinh phí thực hiện. Việc triển khai các nền tảng số dùng chung của tỉnh đến người dân tại cấp huyện chưa được quan tâm thực hiện, chủ yếu mới thực hiện ở bước hướng dẫn người dân thông qua các hội nghị tập huấn. CSDL chuyên ngành của các ngành, địa phương chưa hoàn thành, cũng như việc chuẩn bị sẵn sàng để tích hợp, kết nối với CSDL dùng chung của tỉnh cũng chưa triển khai. Cán bộ làm công tác tham mưu về CNTT, chuyển đổi số tại các cơ quan, địa phương phần lớn thực hiện nhiệm vụ phụ trách, kiêm nhiệm nên việc chủ động tham mưu triển khai xây dựng chính quyền số còn chưa kịp thời. Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên qua nền tảng học trực tuyến mở mobiEdu MOOCs của Mobifone của các đơn vị còn thấp, tỷ lệ hoàn thành chưa cao, hiện đạt 17%. Công tác đảm bảo ATTT mạng ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, Sở Thông tin và Truyền thông đã có công văn nhắc nhở, yêu cầu khẩn trương hoàn thành theo đúng quy định.
Trên cơ sở kết quả đánh giá công tác thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua của các đơn vị, địa phương, để kết quả chuyển đổi số của từng cơ quan, đơn vị sát với thực tế, đồng thời đưa NQ 57 của TW nhanh chóng đi vào thực tế, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, khắc phục những tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị theo kết luận của Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số theo Quyết định số 09/QĐ-BCĐCĐS ngày 14/8/2024. Tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tiếp tục duy trì, cập nhật, cung cấp dữ liệu theo quy định đối với CSDL thuộc danh mục dịch vụ chia sẻ dữ liệu của tỉnh. Rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền ban hành, cập nhật danh mục dữ liệu chia sẻ. Trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm việc triển khai an toàn thông tin mạng và an toàn hệ thống thông tin đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý. Căn cứ Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của Bộ Thông tin và Truyền thông và trên cơ sở phân tích, đánh giá và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, triển khai hoạt động chuyển đổi số của đơn vị trong thời gian vừa qua, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ tại đơn vị nhằm góp phần nâng cao Chỉ số Chuyển đổi số của tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Khẩn trương khắc các nhược điểm được nêu trong Báo cáo số 13/BC-BCĐCĐS ngày 09/10/2024 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh về việc Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.
Trong năm 2025, Bộ Chính trị đã xác định “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bút phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Tỉnh ủy Phú Yên, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Phú Yên sẽ bám sát chỉ đạo của TW, của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số TW, bám sát 05 bài học kinh nghiệm và 66 nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới để cấp ủy, chính quyền các đơn vị địa phương quan tâm, tháo gỡ những điểm nghẽn, nhanh chóng cùng cả nước đưa Nghị quyết 57 của TW vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Phú Yên nhanh, bền vững.
TTH