Sáng 29/4/2025, Hội VHNT tỉnh Phú Yên, Ban liên lạc Bến Vũng Rô tàu Không số đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức giới thiệu cuốn hồi ký Người lính ra đi từ Làng Cát của Trung úy, thương binh 2/4 Ngô Minh Thơ, thành viên Ban liên lạc Bến Vũng Rô tàu Không số.
Trung úy, thương binh 2/4 Ngô Minh Thơ, thành viên Ban liên lạc Bến Vũng Rô tàu Không số tạ buổi ra mắt hồi ký
Đến dự buổi giới thiệu sách có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, Anh hùng LLVT Nhân dân, Đại tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số cập bến Vũng Rô (1964-1965), Thiếu tá Ngô Văn Định, Trưởng Ban liên lạc Bến Vũng Rô tàu Không số cùng nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo một số đơn vị, địa phương, đồng chí, đồng đội và bạn bè, thân hữu của Trung úy, thương binh 2/4 Ngô Minh Thơ, giới văn nghệ sĩ tỉnh Phú Yên.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều đơn vị, cá nhân đã gửi lẵng hoa chúc mừng tác giả Ngô Minh Thơ.
Ngô Minh Thơ là một chiến sĩ trung kiên của của Đại đội K60, đơn vị bảo vệ bến Vũng Rô, bấy giờ ông mới 16 tuổi, một chiến sĩ quân giải phóng của Làng Cát, Hòa Hiệp, Phú Yên. Ông bị thương nặng trong sự kiện bi hùng bảo vệ bến Vũng Rô khi chuyến tàu thứ 4 bị lộ tháng 2/1965. Sau 1 năm dưỡng thương, ông trở lại đội ngũ và trở thành chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 30, Quân khu 5, chiến đấu tại chiến trường Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Trong một trận đánh cảm tử vào sân bay Đông Tác đầu năm 1972, ông tiếp tục bị thương nặng và sa vào tay giặc, bị đày ra khu biệt lập của trại tù binh Phú Quốc. Sau Hiệp định Paris (27/1/1973), ông được trao trả tù binh đợt đầu tiên bên bờ sông Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị, được đưa ra bắc học tập văn hóa, chính trị tại Tuyên Quang. Sau đó, ông có nguyện vọng trở về quê hương để tiếp tục cầm súng chiến đấu, làm Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 96 địa phương, tham gia nhiều trận đánh, trong đó có chiến thắng đường 7, đường 5, góp phần giải phóng tỉnh Phú Yên ngày 1/4/1975.
Anh hùng LLVT Nhân dân, Đại tá Hồ Đắc Thạnh phát biểu tại buổi ra mắt
Sau ngày đất nước thống nhất, Quân khu 5 giao ông làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 860 đóng quân ở Bình Định, huấn luyện tân binh tham gia chiến trường Cam Pu Chia. Ông công tác ở đơn vị này cho đến khi về hưu. Về lại quê nhà Phú Yên, ông lại là một tấm gương thương binh sản xuất giỏi với nghề nuôi tôm sú.
Gần 300 trang hồi ký của Trung úy, thương binh 2/4 Ngô Minh ghi chép khá sinh động những giai đoạn chiến đấu, công tác của ông với nhiều vết thương chằng chịt trên người, nhiều mảnh đạn còn nằm sâu trong cơ thể. Sau hồi ký Nhớ và ghi lại của anh hùng Hồ Đắc Thạnh, cuốn hồi ký Người lính ra đi từ Làng Cát của Trung úy, thương binh 2/4 Ngô Minh Thơ không chỉ ngời sáng nghĩa Đảng, tình dân, tình đồng đội mà còn là hào khí của Bến Vũng Rô, Tàu Không số - di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt - gắn với những cuộc đời, những câu chuyện ngời sáng phẩm chất cách mạng của người lính trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong hòa bình.
Đây là tác phẩm có ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Phú Yên (1/4/1975-1/4/2025) và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
TTH