Văn hóa xã hội

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông là vấn nạn của xã hội, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản. Theo thống kê của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, chỉ tính riêng khoảng thời gian từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/8/2024, toàn quốc xảy ra 16.043 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.077 người, bị thương 12.248 người. Để góp phần giảm thiểu vi phạm và tai nạn giao thông, pháp luật có quy định xử lý hành chính đối với hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (GTĐB). Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự cũng quy định hành vi “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” là tội phạm.

Lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên.

Điều 264 Bộ luật Hình sự quy định rất rõ về “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Có thể nhận biết tội phạm này qua một số dấu hiệu cơ bản như sau:

Thứ nhất, hành vi giao cho người khác điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là hành vi của người chủ sở hữu phương tiện hoặc đang quản lý phương tiện giao thông đường bộ (xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, xe mô tô, xe gắn máy).

Thứ hai, người phạm tội có hành vi giao phương tiện tham gia giao thông cho người không đủ điều kiện điều khiển. Không đủ điều kiện điều khiển phương tiện có thể bao gồm như: không có giấy phép lái xe, giấy phép lái xe không phù hợp với loại phương tiện; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, giấy phép lái xe hết hạn sử dụng hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật như độ tuổi, sức khỏe.

Thứ ba, người phạm tội biết rõ người được giao phương tiện không đủ điều kiện điều khiển nhưng vẫn cố ý giao cho họ bằng nhiều hình thức như cho thuê, cho mượn,...

Thứ tư, hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải dẫn đến hậu quả thiệt hại cụ thể về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản.

Dựa trên hậu quả của hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, người phạm tội phải chịu hình phạt tương xứng như sau:

- Trường hợp làm chết người; hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của 01 người 61% trở lên hoặc 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; hoặc thiệt hại tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Trường hợp làm chết 02 người; hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; hoặc thiệt hại tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Trường hợp làm chết 03 người trở lên; hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; hoặc thiệt hại tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Đối với trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP noày 28/12/2021). Theo đó, người nào giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.

Để phòng ngừa các vi phạm, tội phạm có liên quan, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, học tập, nghiên cứu và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật giao thông. Tuyệt đối không điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Hai là, các trường hợp người khác, kể cả người thân, người quen cũng phải kiểm tra, xác nhận các thông tin về điều kiện điều khiển phương tiện. Kiên quyết không giao xe cho người chưa đủ điều kiện, không vì tình cảm, cả nể mà vi phạm pháp luật.

Ba là, khi phát hiện có hành vi vi phạm về việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải báo cáo kịp thời đến chỉ huy đơn vị, cơ quan chức năng để ngăn chặn, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Võ Lum