Văn hóa xã hội

Đánh giá tình hình hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội ở nước ta trong năm 2024

Theo đánh giá của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024 có thêm 80 trang thông tin điện tử tổng hợp và 40 mạng xã hội được cấp phép. Tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước khoảng 110 triệu tài khoản. Tổng số tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội nước ngoài khoảng 203 triệu tài khoản. Trò chơi điện tử trên mạng đã cấp 23 Giấy phép trò chơi điện tử G1,30 Giấy chứng nhận trò chơi điện tử G2, G3, G4; cấp 13 Giấy xác nhận thông báo thông tin liên hệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động: cấp 04 GCN, giảm 55% so với năm 2023.

Ảnh minh họa

Công tác đấu tranh, ngăn chặn tin giả, thông tin xấu độc trên mạng xã hội

Trong năm 2024, các cơ quan chức năng của nước ta tiếp tục duy trì việc kết hợp các giải pháp đấu tranh cứng rắn, linh hoạt với các nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Kết quả: Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, bao gồm 8.463 bài viết, 349 tài khoản, 16 group và 153 trang vi phạm (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube, bao gồm 6.007 video và 36 kênh vi phạm (đăng tải hơn 39.000 video) (tỷ lệ 91%); TikTok: chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, bao gồm 677 video và 294 tài khoản (đăng tải hơn 94.000 video) (tỷ lệ 93%).

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng phát tán tin giả, thông tin xấu độc trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, năm 2024, Bộ TT&TT đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xác minh, xử lý và công bố tin giả, tin xấu độc trên cổng www.tingia.gov.vn của Bộ. Kết quả cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, Bộ đã tiếp nhận và xử lý 1130 phản ánh liên quan đến tin xấu độc, tin lừa đảo, sai sự thật.

Hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 và phổ biến Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Về hoạt động quảng cáo trên các tền tảng xuyên biên giới: Bộ yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải kết hợp công nghệ AI và nhân sự chủ động kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo và vị trí cài đặt quảng cáo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; yêu cầu đại lý quảng cáo, nhãn hàng, người phát hành quảng cáo chủ động tăng cường rà soát nội dung và vị trí cài đặt quảng cáo, không hợp tác quảng cáo với các website, trang, kênh, tài khoản vi phạm pháp luật; triển khai sáng kiến về “White List” nhằm điều hướng dòng tiền quảng cáo từ các nền tảng xuyên biên giới về các nền tảng nội dung số trong nước...

Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp như trên, tình trạng quảng cáo vào nội dung sai sự thật, phản cảm hoặc quảng cáo bị cài đặt vào các video xấu độc, có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước đã được hạn chế, số lần xử lý vi phạm giảm 50% so với năm 2023.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh, ngăn chặn tin giả, thông tin xấu độc trên mạng xã hội còn tồn tại một số vấn đề sau: Các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới không kiểm soát nội dung quảng cáo theo quy định pháp luật Việt Nam, liên tục thay đổi thuật toán, hình thức phân phối quảng cáo, dẫn đến khó khăn trong việc rà quét, phát hiện vi phạm; các đối tượng vi phạm lợi dụng công nghệ để lẩn trốn, sử dụng tài khoản ẩn danh để che dấu thông tin, cài đặt quảng cáo vi phạm pháp luật; Quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động quảng cáo trên mạng chưa đầy đủ, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, chưa bao quát được các hành vi vi phạm phổ biến, chưa xử phạt được các nền tảng xuyên biên giới....

Những định hướng phát triển trong năm 2025

Trong năm 2025, Bộ sẽ tập trung triển khai thực quả các quy định tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP nhằm hạn chế những tồn tại nêu trên, đồng thời quản lý hiệu quả lĩnh vực thông tin điện tử và thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Ngoài ra, trên cơ sở những nội dung đã đánh giá trong năm 2024, trong năm 2025, Bộ sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ để vừa là để quản lý tốt lĩnh vực, vừa là để thúc đẩy ngành phát triển.

Tiếp tục phối hợp sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực thông tin điện tử phát triển; Xây dựng và ban hành mã ngành, mã nghề, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng, tập trung vào lĩnh vực thiết kế, lập trình, đồ họa, quản trị cho dự án game;

Điều hướng dòng tiền quảng cáo vào báo chí và tài khoản, kênh nội dung đã thông báo với Bộ TT&TT để tăng nguồn thu cho các trang/kênh/tài khoản sạch trong nước đã xác thực; Định hướng các nhà sáng tạo nội dung, kênh nội dung để khuyến khích sản xuất các nội dung tích cực để thu hút quảng cáo; tổ chức Ngày hội các nhà sáng tạo nội dung (Kol. Tiếp tục triển khai các Chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng; Duy trì, tổ chức Ngày hội Gameverse lần thứ 3 với quy mô lớn trong khu vực.

Phối hợp với các sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để phát hiện vi phạm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường biện pháp kỹ thuật để rà quét, giám sát, tập trung đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ AI để rà quét; phối hợp với Bộ VH,TT&DL triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sỹ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm Quy tắc ứng xử....

Trung Tín