Văn hóa xã hội

Đắk Lắk - Phú Yên: Sự kết nối chiến lược (Kỳ cuối): Sông Ba và trục kinh tế Đông Tây

Nhờ vị trí địa lý khá đặt biệt, sông Ba không chỉ là cửa ngõ kết nối các tỉnh Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ, giữa Đắk Lắk với Phú Yên mà còn tạo cho tỉnh Đắk Lắk (tỉnh mới, cùng Phú Yên) nằm trong tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam với nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư quốc tế.

Cầu Đà Rằng trên sông Ba đoạn qua thành phố Tuy Hòa. Ảnh: Lê Ngọc Minh

Dưới thời Chăm pa và triều Nguyễn, sông Ba đã là trục giao thông đường thủy quan trọng, hành lang kết nối biển -  rừng để trao đổi, mua bán hàng hóa, giao thoa văn hóa.

Lưu vực sông Ba và phụ cận bao gồm một phần lãnh thổ của 7 tĩnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kom Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Bình Định. Về mặt tự nhiên, xét trên góc độ lưu vực thuộc vào 3 lưu vực chính: Sông Ba (Kom Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đăk Lăk), Sông Serepok (Đăk Lăk) và Sông Côn (Bình Định). 3 lưu vực này có quan hệ về cân bằng nguồn nước, sinh thái và môi trường. Lưu vực Sông Ba là lưu vực nội địa lớn thứ 2 của lãnh thổ nước ta, nằm cả hai sườn dãy núi cao Trường Sơn và có thể coi là lưu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống duyên hải Nam Trung Bộ. Vì vậy mạng lưới sông suối trong lưu vực sông Ba có những đặc điểm rất khác biệt so với các lưu vực sông khác có cùng vị trí địa lý.

Về truyền thống, giữa các dân tộc sinh sống trong lưu vực đã có mối quan hệ từ lâu đời, cùng chung một hoàn cảnh lịch sử, uống chung một dòng nước. Trong dân gian từ lâu đã lưu truyền câu ca dao nói về sự giao thương và gắn kết giữa 2 miền “Ai về nói với nậu nguồn, mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Đặc biệt, đồng bào thuộc các địa phương miền núi dọc lưu vực sông Ba đã có những đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Qua sưu tầm, khai quật khảo cổ học và nghiên cứu cho thấy lưu vực sông Ba là vùng đất có nền văn hóa lâu đời và phát triển ở trình độ cao thể hiện qua các công cụ được chế tác bằng đá như: đàn đá, kèn đá, tù và đá, rìu, bôn, nao, bàn mài…. Có nền văn hóa đặc trưng là văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa. Bên cạnh đó, còn có những di sản văn hóa vô cùng quý giá của các dân tộc thiểu số vùng bán sơn địa miền Tây Phú Yên ngược lên cả Tây Nguyên, mà tiêu biểu là không gian văn hóa cồng chiêng và sử thi. Lưu vực sông Ba cũng là nơi sản sinh ra nghệ thuật hát tuồng, hô bài chòi, hò bá trao ở vùng hạ lưu, các lễ hội cồng chiêng, lễ mừng nhà mới, lễ mừng sức khỏe... của người Ê đê, Ba na, Chăm H’roi nơi đầu nguồn….   

Về giao thương, lưu vực Sông Ba và vùng phụ cận có Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, Quốc lộ 25 nối Phú Yên với Gia Lai, Qốc lộ 29 nối Phú Yên với Đăk Lăk. Phía Nam tỉnh Phú Yên có cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc đang mời gọi đầu tư, có sân bay Tuy Hòa. Các trục giao thông Bắc - Nam ; Đông - Tây, cảng biển, sân bay có tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật giữa các tỉnh trong vùng, cả nước và quốc tế.

Khu vực các tỉnh lưu vực Sông Ba cách đường nội hải 30 km và tiếp cận các đường hàng hải quốc tế khoảng 190 km, giao lưu dễ dàng với Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Philipines…. Đồng thời cũng chế ngự trên đường hàng hải Đông Tây. Qua vùng này là con đường ra biển gần nhất của Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia.

Khu vực các tỉnh lưu vực Sông Ba ở vào trung độ của đất nước, nằm trên trục giao thông Bắc Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; có các trục Đông - Tây gắn kết các cảng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia, nối các cửa khẩu quốc tế như Đắk Ruê, Đức Cơ, Bờ Y với các cảng biển Vũng Rô, Bãi Gốc, Quy Nhơn…

Nói một cách hình dung, tỉnh mới Đắk Lăk phía bắc giáp tỉnh Gia Lai mới, phía nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây là phênh dậu của Tổ quốc với các nước Lào, Cam Pu Chia, phía đông – “mở cửa căn phòng Đắk Lắk khổng lồ” ra là 189 km mặt tiền, là biển Đông.

Vị trí này là lợi thế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng mở rộng giao lưu kinh tế các tỉnh Tây Nguyên và các nước nói trên; kích thích và “lôi kéo” các ngành kinh tế của các tỉnh trong vùng phát triển. Khi thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực ASEAN, vị trí địa lý này càng là lợi thế quan trọng, đảm nhận chức năng đầu nối trung chuyển Bắc - Nam và là 1 hành lang kinh tế Đông - Tây phát triển, cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và các nước láng giềng ở phía Tây đến các nước vùng Bắc Á.

Đồng chí Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên phát biểu tại Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk họp bàn phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh

Lãnh đạo các tỉnh thuộc lưu vực Sông Ba kỳ vọng, phương án sáp nhập tỉnh, thành theo hướng kết nối rừng - biển sẽ giúp các địa phương này tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, rộng đường để nông sản xuất khẩu đi các nước. Khi các tuyến quốc lộ được mở rộng, các tuyến cao tốc được đầu tư, vận hành sẽ thúc đẩy giao thương mạnh mẽ giữa các vùng, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Nằm ngay ngã ba Đông Dương, Kon Tum hiện là cửa ngõ kết nối quan trọng với các nước Lào và Campuchia, kết nối trung chuyển trên trục Đông - Tây, rừng - biển thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Nhưng hiện nay, hạ tầng giao thông tại Kon Tum với các tuyến Quốc lộ 24, Quốc lộ 14 đều nhỏ hẹp, quanh co, độ dốc lớn, rất  khó khăn trong lưu thông hàng hoá. Vì vậy, nếu cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum được xây dựng, sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí logistics, thông thương giữa Kon Tum với các cảng miền Trung thuận tiện, mở ra cơ hội để thúc đẩy giao thương với các huyện phía nam của Lào thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Ngoài phát triển  kinh tế, tuyến cao tốc còn tạo ra sự kết nối về du lịch, thúc đẩy Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng quốc tế...

Trong khi đó, Ban Quản lý dự án 2 đã trình Bộ Xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai). Dự kiến sẽ khởi công ngay trong năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2029. Cao tốc này có chiều dài khoảng 123km, tổng mức đầu tư khoảng 38.917 tỷ đồng, được đề xuất sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2024, vốn ngân sách Bình Định và Gia Lai, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Tuyến cao tốc này sẽ mở rộng quy mô liên kết vùng, phát huy lợi thế của vùng sản xuất, chế biến nông - lâm nghiệp Gia Lai với khu vực kinh tế biển Bình Định, các dịch vụ logistics và vận tải biển sẽ phát triển mạnh hơn.

Còn tại Phú Yên, lãnh đạo hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk sau khi khảo sát, làm việc đã thống nhất đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cấp Quốc lộ 29, với quy mô đường cấp III, 4 làn xe, bề rộng nền đường 20,5m; vận tốc thiết kế Vtk=60-80km/giờ. Những đoạn tuyến qua các địa phương, thống nhất theo quy mô quy hoạch tại địa phương đã được duyệt. Quốc lộ 29 nối Phú Yên với Đắk Lắk chủ yếu là đường cấp IV miền núi, nhiều đoạn hẹp, xuống cấp. Nhưng hiện tại, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khá lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, đi lại của người dân 2 tỉnh. Điều đặc biệt của Quốc lộ 29 là có điểm đầu tại cảng Vũng Rô, Phú Yên và điểm cuối là cửa khẩu Đăk Ruê, Đắk Lắk – một sự kết nối rừng, biển về giao thông. Toàn tuyến dài khoảng 293km. Hai tỉnh Phú Yên và Đăk Lăk đã thống nhất. Quốc lộ 29 được nâng cấp trên cơ sở 2 tỉnh lộ 645 ở Phú Yên và 691 ở Đắk Lắk. Dự án này hoàn thành, buổi sáng, người dân tắm biển, ăn sáng với hải sản, buổi trưa, buổi tối đã thưởng thức sản vật núi rừng trong không gian cồng chiêng!

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, duyên hải miền Trung có đặc điểm chiều ngang hẹp, nhiều đồi núi nên thiếu quỹ đất để phát triển, nên các địa phương này chủ yếu phát triển theo hướng Bắc - Nam. Vì vậy, việc kết nối với các tỉnh Tây Nguyên sẽ giải quyết được bài toán thiếu quỹ đất để phát triển. Các tỉnh Tây Nguyên thì ngược lại, điều kiện tự nhiên là nhiều đồi núi, nhưng hạ tầng giao thông, nhất là hướng Tây Đông ra biển còn nhiều điểm nghẽn. Nếu các tuyến giao thông được mở ra, ngay lập tức sẽ tạo nên hành lang kinh tế Đông Tây. Thay vì vận chuyển hàng hóa đi TPHCM hay ra phía Bắc, vận chuyển hàng hóa theo hướng Đông - Tây xuống các cảng biển duyên hải miền Trung sẽ rất gần hơn, thuận tiện, giảm được chi phí để từ đó, vận chuyển đi khắp nơi trong và ngoài nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, để chuẩn bị cho sự kết nối “đa nền tảng” này, các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ nên tập trung vào xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là đề xuất Chính phủ đầu tư các tuyến cao tốc. Mỗi địa phương cần một hạ tầng để kết nối “đa phương tiện”, như đường cao tốc từ Tây Nguyên xuống duyên hải phải kết nối vào cao tốc Bắc - Nam, kết nối vào các cảng biển, hệ thống sân bay, để tạo thành chuỗi kết nối không gián đoạn. Đồng thời, các tỉnh trong vùng theo kết nối rừng – biển cũng cần xây dựng các kế hoạch hợp tác phát triển cụ thể, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, xuất nhập khẩu và du lịch sinh thái, văn hóa...

KTS Ngô Viết Nam Sơn: “Tôi cho rằng đây là một kết nối chiến lược, các tỉnh có thể bổ trợ cho nhau về mặt kinh tế - xã hội rất tốt. Ví dụ như khi có cao tốc thì việc di chuyển giữa Nha Trang - Đà Lạt hay Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ được rút ngắn. Điều này sẽ thúc đẩy việc trao đổi hàng hóa nông sản và du lịch giữa các địa phương”.

Tram: Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, Tỉnh ủy 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy để thông qua Đề án hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên với sự thống nhất rất cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Theo đề án, tỉnh Đắk Lắk (mới), có diện tích tự nhiên 18.096,4 km2 (đạt 226,2% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số hơn 3,3 triệu người, 102 đơn vị hành chính trực thuộc. Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk mới tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay. Đồng chí Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên khẳng định: “Việc hợp nhất Phú Yên - Đắk Lắk và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương rất lớn của Đảng theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh (Phú Yên - Đắk Lắk) được triển khai hết sức khẩn trương. Đây là một trong những nội dung mang tính chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và lâu dài trong định hướng phát triển không gian hành chính quốc gia, việc hợp nhất giữa tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk không chỉ đơn thuần là thay đổi địa giới hành chính, mà còn là quá trình tái cấu trúc không gian phát triển, tối ưu hóa các nguồn lực, tạo ra một đơn vị hành chính mới có quy mô lớn hơn, tiềm lực mạnh hơn, có sức lan tỏa và cạnh tranh cao hơn trong khu vực và cả nước”.

------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

- Tiềm năng kinh tế Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, NXB Thống kê, 1998

- Rừng người thượng, Henri Maitre, NXB Tri thức, 2008

- Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777, Phan Khoan, NXB Đà Nẵng, 2025

Trần Thanh Hưng