Sông Ba được mệnh danh là “dòng sông ánh sáng” với qui hoạch thủy điện dày đặc, kéo dài từ Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên đến tận Phú Yên. Trong chiều sâu cội nguồn, sông Ba còn là suối nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác, cho những ai duyên nợ với dòng sông. Nhạc sĩ Nhật Lai, một người con Phú Yên, nhưng phần lớn cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tác lại gắn với Đắk Lắk, gắn với Tây Nguyên, gắn với mạch nguồn văn hóa của đôi bờ sông Ba.
Chiều về bên sông Ba đã đi vào trong thơ ca. Ảnh: Lê Ngọc Minh
Nhạc sĩ Nhật Lai tên thật là Nguyễn Tuân, sinh ngày 12/5/1931 trong một gia đình trung nông tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nhưng phần lớn cuộc đời hoạt động văn hóa, văn nghệ của ông lại gắn bó với mảnh đất Đắk Lắk, với Tây Nguyên.
Vào năm 1948, Nhật Lai theo học trường cán bộ Trung học bình dân ở Quảng Ngãi và hai năm sau làm cán bộ thuộc Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Đắk Lắk. Một hôm ông về phép thăm nhà, dẫn theo vài em thiếu niên Ê đê cùng đi. Mỗi lần nhạc sĩ về quê thì thanh thiếu nhi trong vùng đều được tập nhiều bài hát hay kịch mới. Ông tập cho các em hóa trang dân tộc Gia Rai, Ba Nar, H’Rê và múa hát các bài ca về Đắk Lắk, về Tây Nguyên. Mẹ Nhật Lai, ngoài biết hát tuồng cổ, bà còn hát những bài tân nhạc do ông sáng tác như Ai yêu Đắk Lắk, Đi đánh đồn Tây… được nhiều người rất thích. Lần về thăm nhà năm 1950, ông dẫn theo em trai của mình, nhà thơ Nguyễn Mỹ, và đội công tác với ông.
Lên Đắk Lắk công tác, nhạc sĩ Nhật Lai học ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ông thường đóng khố, đi chân đất, lặn lội khắp các buôn làng, tìm hiểu đời sống, văn hóa của người Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Hơ Rê... và nói thành thạo tiếng của đồng bào. Ông sưu tầm, nghiên cứu dân ca và sáng tác nhạc về Tây Nguyên.
Nhiều khi ông đi sâu vào vùng tạm chiếm với đoàn công tác vài ba tháng mới về hậu phương nghỉ. Mỗi khi đại hội tổng kết các chiến dịch, ông thường tập cho thanh niên ở xã An Nghiệp những tiết mục như Buôn chiều, Ai yêu Đắk Lắk, hoạt cảnh Đi đánh đồn Tây, nhạc kịch Ama Trang Lơng. Những tiết mục của tỉnh Đắk Lắk được đại hội hoan nghênh nhiệt liệt. Về hậu phương để nghỉ nhưng riêng ông ít ngủ, có những lúc bạn bè trực giấc dậy, thấy trời đã khuya nhưng ông còn ngồi ở bàn huýt sáo và viết nhạc. Ông có những đóng góp to lớn cho âm nhạc Tây Nguyên...
Chúng tôi tiếp tục đi tìm di sản của dòng sông, không thể không nói đến một người đàn ông thường men theo những khe suối nhỏ. Để lắng nghe cái di sản mênh mông ấy, ông thường ngủ lại trong rừng. Ông là già làng Ka Sô Liễng. Với dòng nước, ông như chiếc lá. Với cội cây già, ông như hòn đá. Với cánh rừng và bầu trời, ông là con chim. Men theo những lối mòn, theo đìu hiu gió núi, ông bắt gặp di sản của dòng sông, đó là những cái bụng lưu giữ dân ca, trường ca. Nhờ vậy, dù ông đã trở thành người thiên cổ, nhưng kho tàng sử thi mà ông đã sưu tầm được, thì còn mãi với thời gian.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng là người sắc tộc Chăm H’roi ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi con sông Ba chuẩn bị xa cao nguyên, về với đồng bằng trước khi đổ ra biển. Bản thân ông mãi là một di sản cho cháu con. Sau khi hồi hưu, ông miệt mài sưu tầm, biên dịch các bản trường ca của các sắc tộc miền ngược. Hàng ngày, làm vườn xong, ông ăn chén cơm cho chắc bụng để chong đèn cặm cụi xả băng ghi âm, ghi lại từng đoạn của trường ca, hoặc biên dịch từ những trang sách đã ố vàng…
Bên kia con sông Ba lại là một di sản lớn nữa của dòng sông Ba. Nhà văn Y Điêng người dân tộc Ê đê lớn lên tại Buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Buôn Thung nhỏ, khoảng mươi nóc nhà nằm ở phía đông núi Mẹ Bồng Con, bên bờ nam của con sông Hinh, một phụ lưu của sông Ba khi chảy vào Phú Yên. Nhà văn Y Điêng được các thế hệ nhà văn ví như bóng cây kơ nia đại thụ, như già làng của văn học của Tây Nguyên. Với ông, sông Hinh là một di sản lớn. Như hầu hết những người đàn ông sắc tộc, dẫu có đi đâu rồi cũng phải về với núi rừng huyền ảo trong buổi sớm mờ sương, với tiếng suối róc rách đều đều trong mùa khô, ầm ào giận dữ trong mùa lũ. Ông tự ví mình như người làm rẫy. Cứ làm dần, mỗi năm vỡ thêm một ít, rẫy thì không có bờ thẳng tắp như đồng ruộng dưới xuôi, nên phải viết lại nhiều lần, mỗi lần sửa như là viết lại cái mới. Nhà văn Y Điêng biết tiếng Pháp, tiếng Lào, giỏi nhiều tiếng đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Na, Chăm, Gia Rai, Tày… Ông đã viết: Em chờ bộ đội Awa Hồ, Ông già Khơ Rao, Hơ Giang Drai hlinh đi về phía sáng, Như cánh chim Kway, Chuyện trên bờ sông Hinh…Nhưng giá trị hơn cả, ông là người Êđê đầu tiên vượt qua khỏi văn học dân gian truyền miệng để bước tới văn học viết; ông cũng là người đầu tiên viết truyện dài bằng song ngữ Êđê - Việt, và ông cũng là người Êđê đầu tiên được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Cùng ở Sông Hinh, ông Y Điêng viết văn, còn ông Mô Lô Y Choi thì làm thơ. Hai ông sóng đôi trong làng văn học Tây Nguyên như đôi bờ con sông Hinh. Bằng thơ, ông Mô Lô Y Choi đã tạo ra một cô gái sông Ba đầu búi tóc thon, tay thoăn thoắt vót chông, miệng thánh thót hát. Ô Mô Lô Y Choi nói: “Hồi đó anh em ở miền Nam ra kể chuyện, tôi suy nghĩ viết bài “ Cô gái vót chông” đăng báo Văn Nghệ, được giải khuyến khích. Hoàng Hiệp viết nhạc, hát đến bây giờ”...
Đi tìm di sản của dòng sông, chúng tôi lại gặp một già làng, ông Oi B’lứ ở buôn K’rông, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Cả huyện chỉ còn một mình ông làm được tất cả các nhạc cụ của người Ê Đê. Nếu gọi chiếc kèn là di sản văn hoá vật thể thì âm điệu của nó phát ra là phi vật thể. Cả 2 giá trị ấy, ông Oi B’Lứ đều trân trọng bảo tồn.
Chỉ mới một đoạn nơi sông Ba chuẩn bị đổ ra biển, chúng tôi đã bắt gặp bao nhiêu “di sản sống” của dòng sông. Nếu ngược dòng về phía mặt trời lặn, chắc chắn những đồng nghiệp chúng tôi ở Đắk Lắk sẽ kể cho nghe nhiều thiên sử nữa của những Đăm San, những Nữ thần mặt trời…Những người gìn giữ di sản của dòng sông, thì bản thân họ cũng trở thành một thứ di sản. Họ tận hưởng và tạo ra di sản của dòng sông bằng cách cặm cụi ở làng, cặm cụi hít thở không khí rừng núi, đêm ngày lo cho những địa tầng văn hoá của sắc tộc mình, vốn chỉ khởi lộ trên nương rẫy, bếp lửa nhà sàn và trên những dòng sông.
Dòng sông bao giờ cũng là sự hóa thân của xứ sở, là sự hiển linh của “vũ trụ” đất trời bao la, là hiện thân của sự sống con người. Sông Ba, nối núi rừng và biển cả, nối miền ngược và miền xuôi…
-------------------
Tài liệu tham khảo:
- Tiềm năng kinh tế Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, NXB Thống kê, 1998
- Rừng người thượng, Henri Maitre, NXB Tri thức, 2008
- Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777, Phan Khoan, NXB Đà Nẵng, 2025
Trần Thanh Hưng