Sông Ba là con sông quan trọng nhất miền Trung Tây Nguyên, khởi nguồn từ đỉnh Ngọc Linh cao nhất, chảy qua nhiều tỉnh Tây Nguyên, qua quê hương của sử thi, quê hương của anh hùng Núp, rồi đổ ra biển ở cửa Đà Rằng thuộc tỉnh Phú Yên. Hành trình từ nguồn ra biển của sông Ba là một câu chuyện dài của sự kỳ vĩ, của hùng tráng và lặng lẽ, của kết nối và phát triển. Sông Ba như một chàng lực sĩ đứng giữa giang sơn, dang đôi tay từ tây sang đông, nối núi rừng Trường Sơn với biển cả bao la. Dòng sông như một con rồng, quảy đuôi reo vui với đại ngàn và ngẫng đầu nhìn thẳng ra đại dương. Dù xuôi hay ngược sông Ba, ta đều có cảm giác “lên rừng - xuống biển” - một hành trình hình thành dân tộc, xây dựng nước non. Kỳ này chúng tôi nói về nguồn lực của dòng sông.
Người dân đánh cá ở Sông Ba. Ảnh: Lê Ngọc Minh
Theo định nghĩa của Hội Địa lý Việt Nam thì “Sông” là dòng nước có lưu lượng lớn thường xuyên chảy, có nguồn cung chủ yếu là từ hồ nước, từ các con suối hay khe núi, hay từ các con sông nhỏ hơn, nơi có độ cao hơn các nguồn nước có được do nước mưa trong phạm vi lưu vực của sông và chảy trong lòng sông. Lưu vực sông Ba và phụ cận bao gồm một phần địa giới của 7 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kom Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Bình Định. Đây là vùng đất có 3 lưu vực chính: Sông Ba, sông Srépok và sông Côn. 3 lưu vực này có quan hệ về cân bằng nguồn nước sinh thái và môi trường.
Phát nguyên từ dãy núi Ngọc Rô, sông Ba có hai nhánh: Một nhánh chảy qua Tờ Kan, Pô Kô (huyện Đắc Tô) , đến Sa Thầy, Chưpăh rồi xuống Ayunpa. Nhánh thứ 2 chảy qua Kon Prẫy, K’plong, K’ban huyện K’ban rồi chảy xuống Kanax. Hai nhánh sông vòng vèo, luồn lách núi rừng rồi cũng hợp về Ayunpa. Đây là đoạn sông Ba có nhiều ghềnh thác nhất. Cây rừng mất nhiều nhưng đá núi còn nguyên nên dòng sông có nơi vẫn đậm nét hoang sơ. Chúng tôi luồn lách đủ kiểu để có thể đến gần sông Ba, nhất là những đoạn ít người qua lại. Nhiều đoạn, chúng tôi nhắm hướng theo tiếng thác chảy ầm ào mà đến. Có đoạn phải tìm cách lên thật cao để may ra có thể nhìn thấy dòng sông như một dãi lụa mỏng vắt qua sườn đồi.
Nước ta có hệ thống sông kênh rất lớn, bao gồm 2.860 con sông lớn nhỏ với chiều dài tổng số khoảng 198.000 km. Trong đó, có thể đưa vào khai thác sử dụng cho giao thông khoảng 41.000 km, tập trung chủ yếu ở hai vùng đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ, và một phần miền Trung, chủ yếu là ở hạ nguồn. Mạng lưới sông và kênh đào chạy qua hầu hết các thành phố, thị xã, các trung tâm kinh tế lớn nên sông, bản thân nó là một nguồn lực lớn. Sông, trước hết là nước, là yếu tố tối cần thiết cho sự sống con người, đến mức khi loài người thám hiểm các hành tinh khác, một trong những điều mà các nhà khoa học tìm kiếm đầu tiên là dấu vết sự hiện diện của nước ở đó. Vì vậy, một vùng lãnh thổ có được một dòng sông chảy qua là một điều may mắn cho vùng đất, cho người dân sinh sống ở nơi đó. Hai tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk và các tỉnh trong lưu vực sông Ba đã có được điều may mắn đó.
Trong lưu vực sông Ba, bình quân mỗi cư dân được hưởng một lượng nước gấp hai lần so với nguồn nước nội địa bình quân đầu người trong cả nước. Các nhà khoa học ước tình, cả nước với 2860 sông ngòi lớn nhỏ thì tổng lượng dòng chảy vào khoảng 867 tỷ m3/năm. Sông ngòi Việt Nam, đặc biệt là các dòng sông ở miền Trung nhìn chung chảy xiết và do vậy, thường làm xói mòn địa hình, cuốn đi một lượng bùn cát khá lớn, ước tính khoảng 300 triệu tấn/năm. Tuy dọc theo bờ biển có tới 112 cửa sông lớn, nhưng không phải tất cả bùn cát các dòng sông mang theo đều đổ ra biển, mà một phần được giữ lại bồi đắp nên các đồng bằng rất trẻ.
Bước sang thập kỷ thứ 3 của thiên niên kỷ mới, Việt Nam mới bắt tay vào và khởi động lại những dự án năng lượng điện hạt nhân, năng lượng gió, mà không phải chỉ dựa vào nguồn lực các dòng sông. Việc làm thủy điện trong hơn nửa thế kỷ qua đã phá đi nhiều rừng. Ước tính, khoảng 10 - 30ha rừng bị mất đi để có 1 Mêgaoát điện. Mất rừng làm giảm khả năng điều tiết lũ tự nhiên, đồng thời các bậc thủy điện nâng cao động năng dòng nước lũ xả, vì thế dòng lũ hạ lưu càng hung dữ hơn và có sức cuốn phá mạnh hơn. Và ngược lại hạn hán ở các vùng xung quanh lại càng nặng nề hơn.
Việc trồng lại rừng luôn không kịp tốc độ chặt phá. Cho dù sau khi phát quang để làm thủy điện người ta phải trồng lại rừng nhưng chắc chắn đó là một sự trao đổi rẻ mạt giữa cây tự nhiên và cây do người trồng. Khi có thuỷ điện, người ta gọi công Ba là dòng sông ánh sáng, còn trước đây, sông Ba thường được gọi là dòng sông huyền thoại, như cái cách mà người Chăm kể về sự tích hình thành núi sông, như trong các sử thi, trường ca của cư dân bản địa Đắk Lắk.
Men theo sông Ba là quốc lộ 25 nối Phú Yên với Gia Lai, Quốc lộ 29 nối Phú Yên với Đắk Lắk, đồng nghĩa với việc nối các cửa khẩu quốc gia như Đắk Ruê, Đức Cơ, Bờ Y... của Tây Nguyên với các cảng biển Vũng Rô, Bãi Gốc, Quy Nhơn…Lợi thế quan trọng ấy là điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế giữa các quốc gia Lào, Cam Pu Chia, Thái Lan với các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Bình Định, Phú Yên, kích thích và lôi kéo các ngành kinh tế của các tỉnh trong vùng phát triển. Trong không gian tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực ASEAN, thì sông Ba và Quốc lộ 29, Quốc lộ 25 là đầu mối trung chuyển Bắc – Nam và là hành lang kinh tế Đông – Tây, xa hơn là các nước vùng Bắc Á.
Sông Đà Rằng, tên gọi của sông Ba ở phần hạ nguồn có đập Đồng Cam dài 688 mét, cao 22,4m so với mặt nước biển - con đập tràn lớn nhất miền Trung - có giá trị thẩm mỹ lẫn kỹ thuật rất cao. Gần một thế kỷ qua (1932-2025), đập Đồng Cam đã đem lại một nguồn nước ổn định, bền vững để người dân Tuy Hoà trồng lúa, đồng thời đập Đồng Cam cũng trở thành một cảnh quan đẹp, điểm du lịch ấn tượng của tỉnh Phú Yên.
Thắng cảnh Quốc gia Đập Đồng Cam, Phú Yên. Ảnh: Lê Ngọc Minh
Đập Đồng Cam do kiến trúc sư trưởng Desbos cùng các cộng sự người Pháp thiết kế từ ý tưởng “dẫn thuỷ nhập điền” cổ truyền của người Chăm. Năm 1904, bản vẽ thiết kế được hoàn thành nhưng mãi đến năm 1920, kỹ sư Nordey và kỹ sư trưởng Lefèvre hoàn chỉnh lại đồ án. Bốn năm sau, công trình chính thức được thi công và hoàn thành vào năm 1932, tiêu tốn 2,1 triệu đồng Đông Dương, tương đương 262.000 tấn thóc. Trong hoàn cảnh “ma thiêng nước độc”, 5,35 triệu lượt công lao động đã “đồng cam cộng khổ” xây dựng nên đập nước hùng vĩ này.
Hàng năm vào Mùng 5 Tết, người dân Phú Yên mở lễ hội nhằm tri ân những người đã có công xây dựng, nhang khói cho hương hồn của 50 người đã chết vì sốt rét rừng và 2 người thiệt mạng trong lúc nổ mìn, đắp đê quai. Công trình trải qua thử thách của hơn 20 đợt lũ, lụt lớn trong lịch sử ngót thế kỷ qua, làm sập, đổ nhiều phần, phải thi công lại. Đập Đồng Cam có hơn 2500 hạng mục lớn nhỏ cùng hệ thống nông giang với 2 kênh dẫn nước là kênh chính bắc và nam, và khoảng 200 km kênh mương nhịp nhàng, đồng bộ dẫn nước cho cả vùng lúa Tuy Hòa rộng 220 km². Trong tâm thức của người dân Phú Yên, công trình thủy nông Đồng Cam được ví như mạch máu quê hương, nuôi dưỡng đồng lúa Tuy Hòa.
Tuy sông ngòi chằng chịt, Việt Nam chỉ có 10 con sông có thể phát triển thủy điện, trong đó có sông Ba, sông Srépok. Sông Hinh tức Hinh Hà, là một phụ lưu cấp 1 phía hữu ngạn của sông Đà Rằng, đoạn cuối của sông Ba. Sông này dài 88 km và có diện tích lưu vực là 1.040 km². Trên sông Hinh, tại địa phận xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên có công trình thủy điện sông Hinh công suất 70 MW và điện năng sản xuất là 370 KWh/năm. Giáp ranh giữa 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk, lại có thêm một thủy điện nữa là thủy điện Krông Năng. Sông Ba là con sông có độ dốc nhất miền Trung. Chính vì thế, sông Ba cũng là sông có mật độ thủy điện dày đặc nhất cả nước. Sông Ba đã được đưa vào qui hoạch là một trong 5 con sông có tiềm năng thủy điện lớn nhất cả nước. Cuối thập kỷ đầu tiên của thể kỷ 21, trên sông Ba có tất cả 5 thủy điện đang hoạt động. Trong đó, thủy điện sông Ba Hạ nằm ở cuối sông Ba, là bậc thang cuối cùng trên sông.
Chung sống với bão lũ đã trở thành tập quán của cư dân lưu vực sông Ba. Giờ đây, họ vừa nhìn ra biển trông gió bão, vừa ngó lại sau lưng nghe ngóng nước sông. Quyền lực của dòng sông đang trao cho con người để thông minh toan tính cho nó trở thành nguồn lực, cùng chung sống bền vững với con người. Hành trình ra biển của sông Ba là cả một câu chuyện dài…
--------------------
Tài liệu tham khảo:
- Tiềm năng kinh tế Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, NXB Thống kê, 1998
- Rừng người Thượng, Henri Maitre, NXB Tri thức, 2008
- Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777, Phan Khoan, NXB Đà Nẵng, 2025
Trần Thanh Hưng