Từ trong lịch sử, Phú Yên và Đắk Lắk đã có mối lương duyên, gắn kết, thủy chung. Và nay, với sự hợp nhất của 2 địa phương để trở thành tỉnh Đắk Lắk mới, có cả Phú Yên trong lòng, mọi người đều kỳ vọng sẽ có bước phát triển đột phá, trên nền tảng những giá trị hàng trăm năm qua mà nhiều thế hệ tiền nhân đã vun bồi.
Khoảnh khắc đẹp trên sông Ba. Ảnh: Lê Ngọc Minh
Ngày đầu tiên Henri Maitre (tác giả của tác phẩm Rừng người Thượng nổi tiếng) đặt chân đến Tây Nguyên là ngày 7/2/1909. Ngày cuối cùng được ghi trong nhật ký hành trình ngang dọc khắp Tây Nguyên của ông là ngày 10/2/1910. Đến năm 1912, tác phẩm Rừng người Thượng được ấn bản lần đầu tại Paris. 123 năm đã trôi qua, đây vẫn là công trình khảo sát toàn diện và cơ bản nhất về Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk ngày nay. Thiên nhiên, con người Tây Nguyên, hệ thống núi non trùng điệp, hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ động thực vật hết sức phong phú, khí hậu và thời tiết, diện mạo và lịch sử con người...tất cả đều được quan sát bằng đôi mắt chăm chú, tinh tế, được mô tả vừa bao quát, vừa tỉ mỉ, chi tiết đến kinh ngạc, rất khách quan mà không dấu được một cảm xúc say mê, nhiều khi đến lãng mạn; chặt chẽ, khoa học mà lôi cuốn như một bút ký dân tộc học và một tác phẩm văn học. Chính vì lẽ đó, các nghiên cứu về Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, trên mọi phương diện, từ trước đến nay, thường xem công trình này là điểm xuất phát và là nền tảng vững chắc. Đặc biệt, nhiều dự báo của tác giả, qua thử thách hơn 1 thế kỷ, vẫn còn nguyên giá trị.
Cao nguyên Darlac nằm ở phía nam cao nguyên Jarai, là một nền đất ba-dan, theo hướng Đông Tây, bị chia cắt bởi các chi lưu của trung lưu Srépok. Đỉnh cao nguyên là đỉnh T.Boô, cao 950 mét. Diện tích của cao nguyên là 4.900 km2.
Cộng đồng dân cư bản địa ở Tây Nguyên, trong đó có cao nguyên Darlac, trước kia gồm nhiều bộ lạc, sinh sống dọc bờ biển miền Trung. Khi người Chàm, người Phù Nam làm chủ đồng bằng, với bản tính thích độc lập, họ mới định cư ở vùng cao nguyên và dọc dãy Trường Sơn.
Vào thế kỷ thứ III, khi người Chàm lập quốc, thỉnh thoảng xảy ra chiến tranh giữa người Chàm và các tộc người ở cao nguyên, do người Chàm yêu sách về kì nam, voi, ngà voi, sừng tê...Nhưng thường thì hai bên hòa hảo, thông hôn với nhau.
Đến khi người Việt thay thế người Chàm, người Việt dần dần khuất phục các tộc người ở cao nguyên. Dưới thời các chúa Nguyễn, khu vực miền núi có đặt quan, thường là một viên Cai đội để chăm nom dân chúng và thu thuế người bản địa lẫn người Việt lên mua bán. Chúa Thái Tổ Nguyễn Hoàng tiếp tục áp dụng chế độ đó tại miền núi từ Quảng Trị cho tới Bình Thuận ngày nay.
Phía Tây Phú Yên, có 2 nước Thủy Xá và Hỏa Xá với hơn 50 thôn lạc, chủ yếu là tộc người Jarai. Các chúa Nguyễn cứ 5 năm một lần sai người đem đồ vật lên biếu cho 2 vua Thủy Xá, Hỏa Xá. Vua 2 nước này cũng dâng cho các Chúa sản vật miền ngược.
Nói chung, các Chúa Nguyễn đã tỏ ra mềm dẻo và khéo léo trong chính sách đối với các bộ lạc thuộc Tây Nguyên ngày nay, nên suốt 200 năm từ Thái Tổ đến đời Thế Tông, các Chúa Nguyễn đã giữ yên khu vực rộng lớn này, đặt những nền móng đầu tiên cho mối giao thương giữa hai miền xuôi, ngược...
Thác Phú Cường tỉnh Gia Lai đầu nguồn Sông Ba. Ảnh: Lê Ngọc Minh
Năm 1923, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách Đại lý Đắk Lắk khỏi tỉnh Kon Tum để thành một tỉnh độc lập. Lúc mới thành lập, Đắk Lắk chưa chia huyện, tổng mà chỉ có đơn vị làng (còn gọi là buôn hay bon). Năm 1931, trong cuộc cải cách hành chính toàn Đông Dương, tỉnh Đắk Lắk được chia làm 5 quận, gồm: Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Đắk Song, Lắk và M’Drắk; có
440 làng.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tỉnh Đắk Lắk thuộc Trung Bộ. Sau đó, để thống nhất chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Đắk Lắk được đặt thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ, thành lập thêm các huyện Ba Roi, Ka Mil, Cheo Reo. Tháng 10/1948, thực hiện hợp nhất các quân khu trên cả nước, Khu 6 (còn được gọi là Khu Tây Nguyên) hợp nhất với Khu 5 thành Liên khu miền Nam Trung Bộ (Liên khu 5).
Về phía thực dân Pháp, ngay sau khi trở lại xâm lược miền Nam (23/9/1945), họ tổ chức 5 tỉnh ở Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đồng Nai Thượng, Lâm Viên, Pleiku, Kon Tum thành cái gọi là “Liên bang phụ trách các dân tộc sơn cước miền Nam Đông Dương", đặt trụ sở ở Buôn Ma Thuột thành một địa phận hành chính riêng gọi là “Cao nguyên miền Nam” thuộc “Hoàng triều cương thổ", ấn định một số quy định riêng cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, vùng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng do chính quyền Sài Gòn quản lý. Chính quyền Sài Gòn hủy bỏ quy chế Hoàng triều Cương thổ và đặt tỉnh Đắk Lắk cũng như các tỉnh khác thuộc cao nguyên Trung phần của “Việt Nam Cộng hòa".
Từ năm 1957 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Chính quyền Sài Gòn nhiều lần ra nghị định, sắc lệnh điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Đarlar và các vùng phụ cận. Về địa giới hành chính, theo miêu tả trong Địa phương chí tỉnh Đarlac do Tòa hành chính tỉnh Đắk Lắk thời chính quyền Sài Gòn ấn hành năm 1973 thì tỉnh Đắk Lắk được chia thành 4 quận với 48 xã, 343 ấp.
Đầu năm 1976, theo chủ trương của Trung ương, hai tỉnh Đắk Lắk và Quảng Đức được sáp nhập thành tỉnh Đắk Lắk. Lúc này, toàn tỉnh có 5 huyện (Krông Búk, Krông Pắc, Đắk Mil, Đắk Nông, Lắk) và thị xã tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột. Trong giai đoạn 1975 đến 2003, Chính phủ ban hành các nghị quyết, quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các huyện, xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Ngày 26/11/2003, Quốc hội nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua nghị quyết về việc chia tách tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Về địa danh Buôn Ma Thuột. Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là "bản hoặc làng của Ama Thuột", nó xuất phát từ tên gọi buôn của A ma Thuột - tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng - để rồi từ đây, hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột như ngày hôm nay.
----------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Rừng người Thượng, Henri Maitre, NXB Tri thức, 2008
- Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777, Phan Khoan, NXB Đà Nẵng, 2025
- Địa phương chí tỉnh Đarlac, Tòa hành chính tỉnh Đắk Lắk (VNCH), 1973
Trần Thanh Hưng