Văn hóa xã hội

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, tấm gương sáng ngời về y đức, y thuật

Đại danh y Lê Hữu Trác được biết đến không chỉ là một thầy thuốc lỗi lạc, một tấm gương sáng ngời, mẫu mực về y đức, có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam; mà đồng thời còn là nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học xuất sắc trong lịch sử nước ta ở thế kỷ XVIII.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã để lại cho hậu thế di sản được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay.

Đại danh y Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông (1724-1791)

Lê Hữu Trác (còn có tên là Lê Hữu Huân) sinh năm Giáp Thìn 1724, tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), trong một gia đình danh gia vọng tộc, nổi tiếng với truyền thống khoa bảng, rất nhiều người làm quan to trong triều đình. Thân phụ ông là Lê Hữu Mưu, làm quan đến chức Hữu thị lang Bộ Công, Nhập thị kinh diên. Tuy nhiên, cuộc đời ông chủ yếu lại gắn bó với quê mẹ Bùi Thị Thưởng, ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm (nay là thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Ông thường được gọi là cậu Chiêu Bảy vì là con út trong gia đình có 7 anh chị em.

Là con của tiến sỹ thị lang Bộ Công triều, Lê Hữu Trác sớm được theo cha học tập ở kinh thành Thăng Long. Có tư chất thông minh, nổi tiếng học giỏi, nhưng ông chỉ thi đậu đến bậc Sinh đồ rồi nghỉ, bắt đầu nghiên cứu binh thư, luyện tập võ nghệ và gia nhập quân đội chúa Trịnh. Sống trong một giai đoạn đầy biến động, rối ren của lịch sử dân tộc, sau mấy năm chinh chiến, nhận thấy cảnh binh đao gây ra nhiều đau thương cho người dân, khiến dân tình đói khổ, phiêu tán… nên ông muốn rời khỏi quân đội.

Năm 1746, sau khi người anh cả mất, Lê Hữu Trác viện cớ xin rời khỏi quân ngũ để chăm mẹ già và các cháu nhỏ mồ côi ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm. Tại quê mẹ, ông bị bệnh nặng, và may mắn đã được thầy Trần Độc (vốn người làng Trung Cần, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, về ở ẩn tại Thành Sơn) chữa khỏi.

Trong thời gian đến nhà thầy Trần Độc chữa bệnh và cùng bàn luận về sách "Phùng Thị cẩm nang" của Phùng Triệu Trương - danh y dưới triều nhà Thanh (Trung Hoa); thầy Trần Độc nhận thấy Lê Hữu Trác là người am hiểu lý luận âm dương của nghề thuốc, đức độ nên đã quý mến, truyền dạy tất cả các kiến thức về y dược cho ông. Vốn là người có tư chất thông minh, Lê Hữu Trác nhanh chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học. Kể từ đó, ông chuyên tâm tìm hiểu y thư, gắn bó với nghề làm thuốc, chữa bệnh cứu người. Bằng sự thông minh, lại cẩn trọng trong công việc, ông phát hiện được những kiến thức mới về y học, sinh lý học, dược học.

Năm 1758, Lê Hữu Trác lên Kinh thành Thăng Long nhằm trau dồi nghề nghiệp nhưng không tìm được thầy giỏi nên quay về đọc sách, nghiên cứu y dược, hành nghề thuốc, chữa bệnh, dạy học trò. Năm 1770 ông đã hoàn thành cơ bản bộ sách Lãn Ông tâm lĩnh (hay còn gọi là Hải Thượng y tông tâm lĩnh).

Tại quê nhà, ông làm nhà cạnh bìa rừng, đặt tên hiệu “Hải Thượng Lãn Ông”. Hải Thượng là hai chữ đầu của trấn Hải Dương, phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là thôn Bàu Thượng quê mẹ. “Lãn Ông” nghĩa là “ông già lười”, ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi và quyền thế, tự do nghiên cứu y học và thực hiện chí hướng mà mình yêu thích.

Sau nhiều năm tự học và thực hành cứu người, tên tuổi của Hải Thượng Lãn Ông vang danh khắp các vùng. Năm 1782, tiếng tăm thầy thuốc Hải Thượng Lãn Ông đã truyền tới Kinh thành, chúa Trịnh triệu Lê Hữu Trác về Kinh để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Trong thời gian ở Kinh Thành, còn có nhiều quan đại thần, danh sĩ tìm đến nhờ Lê Hữu Trác chữa bệnh, kê đơn thuốc và giao lưu thơ ca. Tuy các bài thuốc của ông có phần hiệu nghiệm nhưng do gặp phải sự đố kỵ của các Ngự y thời đó, cộng thêm bệnh tình của chúa và thế tử đều đã rất nặng nên ông không chắc chắn là chữa khỏi được. Vì thế, Lê Hữu Trác đã tìm mọi cách để cáo lui, về quê. Trong chuyến đi này, ông đã viết cuốn Thượng Kinh kí sự.

Sau khi từ Kinh thành trở về quê, Lê Hữu Trác tiếp tục hành nghề thuốc, biên soạn sách và hoàn thiện bộ sách Lãn Ông tâm lĩnh. Bộ sách gồm 28 tập, 66 quyển gồm đủ các mặt về y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng; là tâm huyết cả cuộc đời thầy thuốc của Lê Hữu Trác, phản ánh toàn bộ sự nghiệp y học và tư tưởng của Đại Danh y.

Dưới triều Nguyễn, bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh được khắc thành mộc bản. Bộ mộc bản (gồm 1.183 ván) hiện đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Bắc Ninh; đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh (phục chế) được lưu giữ tại Khu lưu niệm và nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Hải Thượng y tông tâm lĩnh là bộ bách khoa toàn thư về y học cổ truyền của Việt Nam.

Lê Hữu Trác mất vào ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791).

Hơn 40 năm ẩn cư, làm nghề thuốc, chữa bệnh cứu người, mặc dù tự nhận mình là “Lãn Ông” - ông già lười, nhưng đó là những năm tháng học tập, lao động, làm việc cần cù, tâm huyết và cũng đầy sức sáng tạo của Lê Hữu Trác.

Cùng với việc chữa bệnh cứu người, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã dành thời gian nghiên cứu sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển, tìm hiểu nền y học truyền thống dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh của mình. Nhờ đó xây dựng nên một hệ thống lý luận và phương pháp chữa bệnh mang tính thực tiễn cao và khả năng ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.

Cả cuộc đời làm thuốc của mình, Đại danh y Lê Hữu Trác đã phát hiện 305 vị thuốc nam; sưu tầm, thu thập 2.854 vị thuốc nam hay của các bậc tiền bối, nhất là Nam dược của Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Sau khi ông qua đời, các bài thuốc và sách của Lê Hữu Trác đều được lưu truyền, sử dụng rộng rãi; đến nay vẫn còn nguyên giá trị, được các thế hệ ngành y kế thừa, ứng dụng nhằm góp phần vào công cuộc chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Không chỉ để lại cho hậu thế một tàng thư y học quý giá, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn là một tấm gương sáng ngời, mẫu mực về y đức. Tư tưởng chủ đạo suốt cuộc đời làm nghề thuốc của ông đó là; “Đạo y là một nhân thuật, chuyên lo cho tính mệnh con người, phải biết lo lắng cái lo của người, cùng vui với cái vui của người, chỉ lấy việc làm sống người làm phận sự của mình, không được mưu lợi, kể công".

Lê Hữu Trác cũng đặc biệt đề cao việc học tập suốt đời trong nghề y. Ông cho rằng, y học là một ngành đòi hỏi sự học hỏi liên tục, bởi vì kiến thức về bệnh tật và cơ thể con người không bao giờ là đủ. Người thầy thuốc là người bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người dân vì vậy cần phải siêng năng, chịu khó học tập, bồi đắp kiến thức thường xuyên liên tục mới có thể hành nghề mà không dẫn đến sai sót trong chuyên môn.

Từ cuộc đời và sự nghiệp của mình, Lê Hữu Trác còn là một nhà văn hoá, một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng với những đóng góp quan trọng đối với nền văn hóa, văn học dân tộc. Ông để lại một khối lượng thơ không nhỏ, có thể phân thành hai loại: thơ “diễn ca”, được dùng như một phương tiện, cách thức để chuyển tải nội dung y học, giúp người đọc dễ nhớ, từ đó vận dụng vào phòng bệnh, chữa bệnh; thơ nghệ thuật, đó là những bài thơ sáng tác trong thời kỳ làm thuốc, loại thơ này đậm tính trữ tình, giàu cảm xúc.

Nghệ thuật thi ca rõ nét ở các bài thơ trong Thượng kinh ký sự, một tác phẩm văn học vô cùng quý giá tái hiện chân thực xã hội Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII. Thượng Kinh ký sự ghi lại những điều mà Lê Hữu Trác đã mắt thấy tai nghe trong chuyến đi từ Hương Sơn ra Thăng Long để chữa bệnh cho gia đình chúa Trịnh. Đó là bức tranh sinh động về xã hội đương thời, từ cuộc sống của giới thượng lưu đến tầng lớp bình dân, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ con người đến cảnh sắc thiên nhiên, từ sinh hoạt đến trình độ của đội ngũ thầy thuốc cung đình… Qua tác phẩm ta thấy một lối văn giản dị, gần gũi, trung thành với hiện thực, không phê phán trực diện nhưng lại vô cùng tinh tế, sâu sắc. Thượng Kinh ký sự còn gửi gắm nhiều tư tưởng, quan điểm của Lê Hữu Trác về cuộc sống, về thế sự; thông qua tác phẩm có thể thấy rõ tính cách của ông, một con người coi thường danh lợi, một người nghệ sĩ giàu cảm xúc trước thiên nhiên, tạo vật; một lương y, tất cả vì vận mệnh và số phận con người.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn nói đi đôi với làm, lý thuyết gắn liền với thực tiễn; tất cả mọi lời ông nói, mọi việc ông làm đều hướng về con người, về chân - thiện - mỹ. Ông vừa là một mẫu hình lương y tận hiến, một mẫu hình của nhà văn sáng tạo, vừa là một mẫu hình trí thức, kẻ sĩ cốt cách thanh cao, lấy nghĩa lớn và đức nhân làm trọng.

Cuộc đời, sự nghiệp của Lê Hữu Trác là một nhân cách - trí tuệ - tâm hồn lớn; là tấm gương về lao động, học tập và sáng tạo; sống vì dân, vì con người, vì nghĩa cả.

Thuyền tán được Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hưng Yên phục chế và cung tiến, trưng bày tại Khu lưu niệm và nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Để tưởng nhớ công ơn và những đóng góp của Lê Hữu Trác, nhân dân đã xây dựng các Khu Di tích Hải Thượng Lãn Ông tại làng Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là các quần thể di tích lưu giữ những tư liệu, hiện vật quý liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp khám chữa bệnh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nhiều con đường, trường học trên cả nước được đặt tên Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Tại phiên họp Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ngày 21/11/2023 ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách các "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025", trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đây chính là sự ghi nhận, tôn vinh của cộng đồng quốc tế đối với những công lao, đóng góp, cống hiến của cá nhân Đại danh y Lê Hữu Trác cho nền y học, văn học, văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như thế giới.

Ngày 26/11/2024, tại Quyết định số 1473/QĐ-TTg, Chính phủ đã xếp hạng Di tích Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác ở huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, với tài năng y học xuất chúng, những quan điểm y học mang tính nhân văn, tinh thần trách nhiệm cao cả và lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến đã dựng “Ngọn cờ đỏ thắm” trong nền y học Việt Nam, là tấm gương sáng ngời về y đức, y đạo, y thuật cho muôn đời sau noi theo. Chín điều “Y huấn cách ngôn” chính là khuôn phép, nguyên tắc của người hành nghề y dược; tám chữ: Nhân (nhân từ), Minh (sáng suốt), Đức (đức độ), Trí (trí tuệ), Lượng (sự bao dung), Thành (thành thật), Khiêm (khiêm tốn), Cần (siêng năng) mãi là kim chỉ nam về y đức cho những người thầy thuốc chân chính.

Trân trọng, kế thừa, lan toả và phát huy di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sẽ tiếp tục là nền tảng quan trọng để phát triển y học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại; mở ra những cơ hội mới hiệu quả trong công tác điều trị y khoa, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Hoài Vũ