Văn hóa xã hội

Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” - Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra một định nghĩa về phương thức sản xuất hoàn toàn mới. Bài viết có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh cả nước đang tập trung chuyển đổi số, một xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM 4.0) hiện nay.

Đồ họa: TS Nguyễn Tuấn Hoa, chuyên gia chuyển đổi số

Lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất theo lối truyền thống

Trong quá trình sản xuất, con người kết hợp sức lao động của mình với tư liệu sản xuất, đầu tiên là công cụ lao động, tạo thành sức mạnh để khai thác tài nhiên, tạo ra sản phẩm cần thiết cho cuộc sống của mình. Như vậy, lực lượng sản xuất là năng lực thực tiễn cải biến tự nhiên của con người nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống của mình. Nói như V.I.Lênin, lực lượng sản xuất là sự kết hợp người lao động và tư liệu sản xuất, trong đó lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là người lao động... Chính người lao động là chủ thể của quá trình lao động sản xuất, với sức mạnh và kỹ năng lao động của mình, sử dụng tư liệu lao động, tác động vào đối tượng lao động để sản xuất ra của cải vật chất.

Trong quá trình phát triển của lịch sử loài người, mỗi giai đoạn sẽ có một phương thức sản xuất riêng, áp dụng vào từng hoàn cảnh để tạo ra của cải vật chất. Cốt lõi của phương thức sản xuất là kết quả của mối quan hệ giữa hai thành phần là lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

Quan hệ sản xuất đề cập đến mối quan hệ cũng như tương tác giữa người và người trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ. Quan hệ sản xuất bao gồm các mối liên kết, tương tác và mức độ kiểm soát giữa người sở hữu sản xuất và người lao động. Nói một cách dễ hiểu, như trong một nhà máy sản xuất ô tô, chủ xưởng sở hữu các phương tiện sản xuất như máy móc, nhà xưởng và vốn đầu tư. Họ cũng kiểm soát quyết định về sản phẩm, giá cả và tổ chức lao động. Trong khi đó, công nhân là những người lao động trực tiếp, họ cung cấp sức lao động và kỹ năng để sản xuất ra chiếc ô tô. Tuy nhiên, công nhân thường không sở hữu phương tiện sản xuất và thường phải chấp nhận điều kiện lao động do chủ xưởng đề xuất.

Vì sao chuyển đổi số là động lực quan trọng, góp phần phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất?

Phương thức sản xuất là phương pháp sử dụng trong quá trình sản xuất của cải vật chất. Ảnh TL

Chuyển đổi số trong sản xuất là thay đổi phương thức làm việc thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động của mỗi đơn vị, doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức vận hành và mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu suất, tiết kiệm chi phí.

Từ khái niệm trên cho thấy, phương thức sản xuất truyền thống từ các cuộc cách mạng công nghiệp 1,2,3, sang cuộc CM 4.0, phương thức sản xuất đã được thay thế bằng phương thức sản xuất số, sản xuất tự động hóa và sản xuất thông minh. Lực lượng sản xuất cũng sẽ thay đổi bởi CNTT, công nghệ số. Máy móc, thiết bị..., được thay thế bởi Hệ thống tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI). Vật tư, nguyên liệu, năng lượng..., được thay thế bởi Hạ tầng số: Internet, IoT (vạn vật kết nối), Cloud (điện toán đám mây)… Nhà xưởng, kho bãi…, được thay thế bởi Dữ liệu, dữ liệu lớn…Trong bối cảnh ấy, đồng thời xuất hiện những yếu tố mới làm thay đổi lực lượng sản xuất.

Về xây dựng phương thức sản xuất số, cần phải thực hiện đồng thời 6 nhiệm vụ chủ yếu, bao gồm: Số hóa dữ liệu; Thiết kế quy trình sản xuất số; Xây dựng hạ tầng số; Hình thành pháp lý số; Phát triển nhân lực số; Chuyển đổi số toàn diện.

Thiết kế quy trình sản xuất số là quy trình hoàn toàn mới dựa trên công nghệ số và các công nghệ cao khác của CMCN 4.0. Qui trình đó phải giải quyết được những gì mà các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó không thể giải quyết được. Qui trình đó phải vận hành theo thời gian thực, thu thập dữ liệu tự động, tự động ra quyết định và thực hiện quyết định.

Trong chuyển đổi số, công nghệ thay đổi không ngừng nên chính sách số cũng cần điều chỉnh, liên tục.

Trong phát triển nhân lực số, lãnh đạo giữ vai trò định hướng trong việc ra chủ trương, chính sách, quyết định để đi đến thành công (vai trò tổng điều phối). Để làm được điều đó, đòi hỏi người lãnh đạo cần có kỹ năng số, tri thức số, quản trị số. Đội ngũ chuyên gia phát triển theo hướng chuyên gia ngành, chuyên gia CNTT và tự động hóa. Đội ngũ cán bộ, công nhân ( lực lượng sản xuất) cần có kỹ năng số, làm việc trong môi trường số. Đó là kỹ năng thành thạo sử dụng các thiết bị số; biết phối hợp đồng bộ trong qui trình sản xuất số, biết phát hiện và báo cáo rủi ro...

Chuyển đổi toàn diện trong chuyển đổi số bao gồm chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi cấu trúc tổ chức, chuyển đổi chính sách, quy tắc vận hành, chuyển đổi văn hóa tổ chức, doanh nghiệp...

Triển khai phương thức sản xuất số vào thực tiễn cần xây dựng mô hình mẫu (vì là vấn đề mới, chưa có tiền lệ); cần có khung pháp lý hỗ trợ; có đánh giá, điều chỉnh, rồi nhân rộng sau thí điểm; cần hình thành hệ sinh thái theo phương thức sản xuất mới; và tất nhiên là rất cần xây dựng khung pháp lý để hỗ trợ.

Chúng ta còn nhớ, ngày 05/4/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về đổi mới quan hệ sản xuất trong nông nghiệp”. Chỉ sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 10, Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực triền miên đã sản xuất được 21,5 triệu tấn lúa và lần đầu tiên xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo.

Ngày 01/7/2014, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW “Về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Đây là tiền đề để Bộ Chính trị đưa ra những Nghị quyết quan trọng, có tác động rộng lớn tới quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Sau đó, Nghị quyết được hiện thực hóa bằng các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong thời đại mới.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì xây dựng 2 Đề án trình Bộ Chính trị: Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị khoá XI “Về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” và Đề án Nghị quyết của Bộ Chính trị Về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, nghị quyết mới về chuyển đổi số sẽ là “Nghị quyết 10” về chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới. Việc điều chỉnh quan hệ sản xuất phù hợp sẽ tạo động lực mới cho lực lượng sản xuất phát triển, đưa đất nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế. Quá trình chuyển đổi số chắc chắn sẽ tạo động lực để phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, như kỳ vọng và mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm.

TTH