Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 250-KH/TU ngày 14/10/2024 về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đào tạo khoảng 45.000 người, trong đó Cao đẳng là 7.500 người, Trung cấp là 7.500 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 30.000 người; Kế hoạch đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm: (1) Mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề theo hướng hiện đại, quan tâm đến các đối tượng lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng tạo cơ hội, việc làm cho học viên sau khi học nghề. Nâng cao kỹ năng cho người lao động tự tổ chức sản xuất kinh doanh; quan tâm đến các làng nghề truyền thống, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. (2) Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đào tạo nghề nghiệp. Thực hiện đổi mới nội dung và chương trình đào tạo, dạy nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; gắn đào tạo nghề lao động nông thôn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, phát triển giáo dục nghề nghiệp của tỉnh. Trong đó, tập trung đào tạo các ngành, nghề mũi nhọn của tỉnh, bảo đảm nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động ngày càng cao của xã hội.
Đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 04 nhóm giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn. Thường xuyên chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò, chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên rà soát, nắm bắt nhu cầu học nghề và nhu cầu việc làm của đoàn viên, hội viên và Nhân dân để đề xuất với cấp ủy, chính quyền, các ngành có liên quan mở các lớp dạy nghề phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn….
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tập trung tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…
Thứ ba, đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cập nhật nghề, chuẩn hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Nghiên cứu tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm địa phương, người học….
Thứ tư, hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Rà soát, đề xuất sửa đổi và triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể khu vực nông thôn. Triển khai các chương trình, đề án đào tạo, đào tạo lại phục vụ chuyển đổi nghề cho người dân do biến đổi khí hậu và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động ở từng vùng, từng địa phương; nghiên cứu xây dựng chính sách tạo đột phá trong phát triển nhân lực, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Tiếp tục rà soát, sắp xếp và tổ chức Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp quốc gia và Quy hoạch Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050….
Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37-CT/TW và Kế hoạch này cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; cụ thể hóa, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện.
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh rà soát các cơ chế, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nghiên cứu ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy định của pháp luật liên quan công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để triển khai thực hiện, bảo đảm theo đúng thẩm quyền và quy định, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn quán triệt, tuyên truyền; chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông tăngcường tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thực hiện tốt vai trò tuyên truyền, tư vấn học nghề, vận động các tầng lớp Nhân dân, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW và Kế hoạch này.
Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này. Chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật có liên quan và nghiên cứu đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để trình cơ quan có thẩm quyền bảo đảm hiệu quả, đúng theo quy định của pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện; định kỳ tham mưu sơ kết, tổng kết, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Kim Thanh