Lâm Hà là tên ghép từ 2 địa danh Lâm Đồng và Hà Nội do những người dân Hà Nội vào khai phá vùng đất mới này đặt tên để gắn kết 2 quê hương mới và cũ của họ.Trên cơ sở sáp nhập vùng kinh tế mới của Hà Nội ở Nam Ban, Lán Tranh cùng với một số xã khác của huyện Đức Trọng, ngày 28/10/1987, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra quyết định thành lập huyện mới Lâm Hà.
Xây dựng lán trại những ngày đầu (ảnh chụp từ Phim tài liệu: Người Hà Nội ở Lâm Hà)
37 năm qua, Lâm Hà đã từng bước ổn định về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội và nhanh chóng trở thành vùng đất giàu đẹp, nhiều tiềm năng của tỉnh Lâm Đồng.
Những người đi mở đất
Gần 40 năm trước, hàng ngàn thanh niên Hà Nội đã tạm biệt Thủ đô ngàn năm yêu dấu để vào Lâm Đồng khai hoang, lập nghiệp theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới. Hành trang của họ mang theo vừa là sức trẻ, vừa là cốt cách, nét thanh lịch của người Tràng An để vào xây dựng một Hà Nội trên vùng đất Lâm Đồng.
Lâm Hà có tổng diện tích tự nhiên 93.023 ha, có 2 thị trấn Đinh Văn, Nam Ban và 14 xã. Nhờ có vị trí đặc biệt nằm ở thềm chuyển tiếp của cao nguyên và bình nguyên với độ cao từ 800 đến 1.000 m so với mực nước biển, cùng địa hình đồi núi nối tiếp thoai thoải, nên khí hậu ở Lâm Hà mang đặc điểm của khí hậu cận ôn đới, á nhiệt đới rất mát mẻ, tạo điều kiện cho Lâm Hà có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là cây công nghiệp và du lịch sinh thái.
Đến năm 2021, dân số Lâm Hà khoảng 145,5 ngàn người; trong đó, dân gốc Hà Nội gần 88 ngàn người, chiếm gần 61%. Đây là nét đặc trưng độc đáo, tạo nên bản sắc văn hóa, góp phần làm nên tiềm năng du lịch của huyện Lâm Hà. Năm 2010, khi chúng tôi đến Lâm Hà làm phim tài liệu Người Hà Nội ở Lâm Hà nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một lãnh đạo huyện Lâm Hà nói vui: Có lẽ khó có nơi nào đặc biệt như Lâm Hà vì một vùng đất ở miền Nam mà người dân chỉ nói tiếng Hà Nội. Thậm chí có những người miền Nam tới sinh sống ở đây, sinh con ra cũng nói tiếng Bắc. Bởi Lâm Hà như một Hà Nội thu nhỏ trên cao nguyên.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội lúc bấy giờ đã chọn những cái tên như Mê Linh, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì... để đặt tên cho những đơn vị hành chính của huyện Lâm Hà, với mong muốn, đây là một phần máu thịt của thành phố Hà Nội.
Lãnh đạo huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội thăm, làm việc tại Lâm Hà. Ảnh: Phạm Hiền
Ông Nguyễn Xuân Du, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết: Về mặt ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng mà nói, đây là địa bàn trước đây bọn phản động fullro chiếm đóng, quấy phá. Nên khi chúng ta xây dựng vùng kinh tế mới ở đây thì đồng thời thực hiện được cả 2 mục tiêu, an ninh, quốc phòng và kinh tế.
Những ngày ngay sau Tết Bính Thìn 1976, hàng trăm thanh niên từ các phố phường, làng quê ngoại thành Hà Nội đã chia tay người thân, gia đình, khăn gói háo hức lên đường đi xây dựng vùng kinh tế mới. Ai vào trước thì mở đường, chặt cây, dựng tạm những chiếc lán bằng tranh tre nứa lá để người sau vào có nơi trú ngụ. Cùng năm đó, Ban Xây dựng kinh tế mới Hà Nội đã đưa người dân 4 khu Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 4 huyện Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì tiếp tục lên đường vào Lâm Hà. Năm 1977, Ban Xây dựng kinh tế mới mở tiếp vùng đất Lán Tranh bên kia sông Đạ Dâng và đón thêm hàng ngàn hộ dân của các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức vào lập nghiệp. Tới năm 1984, đã có gần 13 ngàn hộ dân Hà Nội có mặt trên quê hương mới này.
Ông Nguyễn Phương Hổ, nguyên cán bộ phụ trách Tổng đội sản xuất Đống Đa - Ba Đình, có mặt ở Lâm Hà từ tháng 10 năm 1976 nhớ lại: đường sá bấy giờ đi lại rất khó khăn, rừng ở xung quanh nhà. Đêm ngủ, nghe thú kêu, có cảm giác như mình nằm giữa rừng, dân rất vất vả. Giờ thì khác xa lắm rồi, cuộc sống người dân rất rất ổn định.
Đến tháng 10/1987, vùng kinh tế mới Lâm Hà đã hoàn thành toàn bộ các mục tiêu đề ra. Và huyện Lâm Hà thường được nhắc đến như một huyện thứ 30 của Thủ đô Hà Nội, là cửa ô thứ 6 của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Ông Phan Hữu Giản, nguyên Bí thư Huyện ủy Lâm Hà cho biết: Tôi xem thời gian công tác ở Lâm Hà là được sống, cống hiến, rèn luyện và trưởng thành, có nhiều ý nghĩa đối với tôi cũng như đồng đội, anh em. Tôi thấy hạnh phúc là được sống trong hương đất, tình người trên quê hương mới như trong 2 câu thơ mà tôi đã viết.
Một vùng đất giàu tiềm năng của Lâm Đồng
Huyện Lâm Hà hiện là vùng chuyên canh cây công nghiệp với trên 40.000 ha cà phê, trên 2.000 ha dâu và 257 ha chè. Sau nhiều nỗ lực, giờ đây, đời sống của người dân đã giàu có và sung túc hơn. Nhiệm kỳ trước, tổng thu nhập bình quân đầu người của huyện Lâm Hà đạt gần 60 triệu đồng. Hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao. Đáng chú ý, ngoài sự đầu tư của Lâm Đồng, sự giúp đỡ chí tình của thành phố Hà Nội đã giúp Lâm Hà có có sự ổn định và phát triển bền vững. Các thế hệ lãnh đạo của thành phố Hà Nội khi vào thăm Lâm Hà đều khẳng định đây là một phần máu thịt của thủ đô. Mỗi năm, thành phố Hà Nội hỗ trợ cho Lâm Hà hơn 80 tỷ đồng.
Đồi chè kết hợp du lịch của một doanh nghiệp ở Lâm Hà. Ảnh: Phạm Hiền
TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Hà có thế mạnh đặc biệt là đất phù sa và bazan màu mỡ chiếm diện tích lớn toàn huyện, do đó, rất thích hợp trồng cây công nghiệp dài ngày, rau hoa và cây ngắn ngày. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Lâm Đồng định hướng cho Lâm Hà phát triển với các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, làm tốt công tác quản lý tài nguyên, khai thác tiềm năng khí hậu, đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý. Tập trung rà soát việc cấp phép và khai thác khoáng sản theo hướng bền vững. Xác định, phân vùng kiểm soát về tác động đến môi trường đối với các khu vực: bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt đối không tác động; khu vực có thể xây dựng công trình…Thực hiện hiệu quả các phương án về quy hoạch, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Do tính chất văn hóa từng xã có nét rất riêng, nên chăng ở mỗi xã, thị trấn, huyện chọn một loại cây cảnh quan đặc trưng nhất trồng để vừa nhận diện văn hóa của xã đó và tạo ấn tượng cho người dân địa phương và du khách khi đến Lâm Hà.
Thứ hai, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước hết, huyện tập trung chăm lo công tác giáo dục đào tạo; đồng thời, thu hút các nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu, có trình độ quản trị giỏi ở các địa phương khác có tâm huyết phát triển của huyện Lâm Hà.
Thứ ba, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ. Xác định lấy khoa học công nghệ tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghệ 4.0; thực hiện tối đa chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực; tăng cường đổi mới sáng tạo trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội.
Thứ tư, phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Có giải pháp đồng bộ khai thác tối ưu tiềm năng khí hậu, đất đai để phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại và bền vững; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn.
Thứ năm, có giải pháp đồng bộ, tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước con người Lâm Hà để phát triển du lịch xanh; đa dạng hóa các loại hình du lịch có lợi thế, đặc biệt là du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch văn hóa, du lịch giáo dục, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch canh nông và du lịch dưới tán rừng… Phát triển du lịch, cảnh quan tại thác các danh lam thắng cảnh và hồ thủy điện Đồng Nai 2 và 3; khai thác tuyến du lịch thể thao mạo hiểm Tà Nung - Nam Ban. Phát triển Du lịch làng nghề dệt thổ cẩm tại xã Đạ Đờn, làng nghề dâu tằm tơ tại thị trấn Nam Ban và các nghề thủ công truyền thống tại xã Mê Linh. Tham quan, trải nghiệm mô hình nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tại thị trấn Nam Ban; mô hình trồng trọt, sản xuất, thu hoạch, chế biến chè, cà phê.
Thứ sáu, phát triển đô thị sinh thái thông minh phù hợp với xu hướng phát triển thời đại. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đô thị văn minh, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đời sống của nhân dân.
Thứ bảy, về thu hút đầu tư, trong thời gian tới, huyện Lâm Hà có giải pháp quyết liệt hơn, đồng bộ hơn quảng bá hình ảnh quê hương đất nước con người Lâm Hà nhằm thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư chiến lược tập trung dự án về các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; công nghiệp chế biến nông sản; du lịch chất lượng cao, du lịch canh nông, phát triển đô thị, phát triển khu dân cư, văn hóa và giáo dục...
Một góc Lâm Hà hôm nay. Ảnh: Phạm Hiền
Lâm Hà là vùng đất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái. Trong thời gian qua, với nỗ lực của địa phương và sự giúp đỡ nhiệt thành của thành phố Hà Nội, đảng bộ và nhân dân Lâm Hà đã biến một vùng đất hoang sơ thành một địa phương giàu đẹp, ổn định về mọi mặt. Để tương xứng tiềm năng to lớn, phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với xu thế thời đại, thời gian tới Lâm Hà cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, thỏa lòng mong ước của nhiều thế hệ người Hà Nội đã đóng góp để xây dựng một Hà Nội thu nhỏ trên đất Lâm Đồng.
Trần Thanh Hưng