Văn hóa xã hội

122.250 tỷ đồng phát triển văn hóa trong 5 năm tới và những vấn đề mới đang đặt ra đối với văn hóa

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã quyết nghị tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng, trong đó có 77.000 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam và xu hướng chuyển đổi số có nhiều tác động đến lĩnh vực văn hóa.

Phú Yên là vùng đất sở hữu nhiều di sản văn hóa độc đáo Ảnh: Hoàng Cường

Chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong tổng vốn 122.250 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương chiếm 63% với 77.000 tỷ đồng (gồm 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 27.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp); vốn ngân sách địa phương chiếm 24,6% với 30.250 tỷ đồng; còn lại 12,4% là nguồn vốn khác (khoảng 15.000 tỷ đồng). Trong quá trình chỉ đạo thực hiện chương trình, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Quốc hội yêu cầu vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho Chương trình phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa. Theo nghị quyết của Quốc hội, việc đầu tư cần được phân cấp nhằm tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương. Một trong những cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình lần này là thực hiện đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có thể huy động sự đóng góp của người dân bằng ngày công, hiện vật… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Chương trình dự kiến bố trí vốn năm 2025 là 400 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 150 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 250 tỷ đồng/63 tỉnh, thành phố. Số vốn này hoàn toàn nằm trong khả năng cân đối của ngân sách, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội đưa nội dung này là một trong những cơ chế đặc thù trong thực hiện Chương trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tiếp thu ý kiến đại biểu, lựa chọn xây dựng trung tâm theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức, vận hành phù hợp với từng địa bàn, có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí.

Những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, từ cơ quan quản lý nhà nước, đội ngũ sáng tác, nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đánh giá rất cao và mong đợi chương trình này sớm đưa vào thực tiễn. Bởi trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam và xu hướng chuyển đổi số, đã và đang có nhiều tác động cả tich cực, tiêu cực đến lĩnh vực văn hóa. Những khái niệm mới xuất hiện trên lĩnh vực này như “đồng phục về văn hóa”, “xâm lăng văn hóa” đang rất cần sự nhận diện và phòng ngừa để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Việt Nam.

Từ năm 1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Thời gian gần đây, xuất hiện vấn đề “xâm lăng văn hóa”, nhất là trên không gian mạng với những biểu hiện như: thông qua tuyên truyền, tán phát các sản phẩm văn hóa thể hiện chuẩn mực văn hóa, đạo đức, quan điểm, lối sống phương Tây không phù hợp với văn hóa Việt Nam; cổ súy chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng để triệt tiêu tận gốc những giá trị cốt lỗi, nền tảng của dân tộc, làm lệch chuẩn giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức nhân cách con người Việt Nam. Đặc biệt, đối tượng chống phá còn tán phát các tán phẩm văn hóa xuyên tạc thành tựu đổi mới của đất nước, chống phá nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống phương Tây không phù hợp với văn hóa và lối sống của nhân dân Việt Nam. Từ sự chuyển hóa về văn hóa, rất có thể dẫn đến sự chuyển hóa về chính trị, tư tưởng, ý thức... chống lại sự lãnh đạo của Đảng, chống phá đất nước.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa còn là dân tộc còn”. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành hàng loạt nghị quyết về đường lối văn hóa, văn nghệ với tinh thần: "Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, kiên quyết đấu tranh loại bỏ các sản phẩm thông tin xấu độc, các văn hóa phẩm ngoại lai, độc hại, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị, xã hội, thuần phong, mỹ tục...”

Trước những vấn đề mới phát sinh trên lĩnh vực văn hóa, nhất là hiện tượng “đồng phục về văn hóa”, “xâm lăng văn hóa”, công tác phòng ngừa, đấu tranh phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; sự quản lý điều hành của Chính phủ. Chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng đảm bảo văn hóa phát triển đúng định hướng và sáng tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, có tầm vóc thời đại, phản ánh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước. Đồng thời tăng cường công tác giáo dục, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, khẳng định vai trò, vị thế của tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê Nin, Hồ Chí Minh về văn hóa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là trên không gian mạng. Tiếp tục đổi mới, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TTH