Những thành tựu mà Việt Nam nỗ lực gầy dựng, đạt được sau 50 năm thống nhất đất nước là minh chứng rõ ràng nhất cho chiến thắng, cho lẽ phải, cho xương máu bao chiến sĩ đã đổ xuống.
Nhân dân TP Sài Gòn mít-tinh chào mừng Ủy ban Quân quản TP ra mắt ngày 7-5-1975. Ảnh: TTXVN
Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, “là thắng lợi vĩ đại nhất” của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng ta lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng này cũng đánh dấu bước ngoặt quyết định, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, xã hội chủ nghĩa; cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc và đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Thế nhưng đến tận hôm nay, đâu đó vẫn còn một bộ phận lạc điệu, nhân cơ hội này tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa xuân 1975.
*****
Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước Việt Nam, kỷ nguyên của độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, là tiền đề của những thành tựu, kết quả to lớn trên mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Đây vừa là sự thống nhất về mặt lãnh thổ vừa là sự thống nhất về mặt ý chí, tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện, đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Lẽ phải thuộc về chúng ta
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định đại thắng mùa xuân 1975 sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam. Sự kiện này cũng đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Tuy nhiên, khi cả đất nước hướng về ngày thống nhất với niềm tự hào và sự trân trọng lịch sử, còn có những ý kiến đi ngược lại với suy nghĩ, tình cảm của dân tộc. Trên một số kênh thông tin hải ngoại thiếu thiện cảm với Việt Nam, mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng xấu đã ra sức bóp méo lịch sử, xuyên tạc ý nghĩa của chiến thắng này.
Các đối tượng đã cố tình bỏ qua bối cảnh lịch sử, sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam và bản chất của chính quyền Sài Gòn mà cho rằng “giải phóng miền Nam là sự xâm lược của miền Bắc”, là cuộc “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn”, “nồi da, xáo thịt”.
Họ tìm cách đánh tráo khái niệm, tán dương chế độ cũ và khẳng định ngày 30-4-1975 là ngày “quốc hận”, đánh dấu “sự sụp đổ của chế độ tự do, dân chủ”. Không chỉ vậy, họ còn vu cáo chính quyền cách mạng đã “đàn áp, tắm máu nhân dân miền Nam”; “sau khi chiến tranh qua đi, kết quả của việc thống nhất đất nước chỉ là sự nghèo nàn, lạc hậu và “nếu không có biến động chính trị này thì đất nước sẽ phát triển hơn rất nhiều”.
Tất cả những luận điệu nêu trên đều sai trái, phản ánh ý đồ đen tối của các thế lực thù địch nhằm tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; phủ định những hy sinh, mất mát của đồng bào ta, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta; khiến nhân dân suy giảm niềm tin vào Đảng. Âm mưu này hết sức nguy hiểm, đòi hỏi mỗi chúng ta phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác, tuyệt đối không để kẻ xấu lợi dụng.
Chiến thắng 30-4-1975 là chiến thắng của lẽ phải, là khát vọng hòa bình và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng ấy không có bất cứ sự đàn áp, tắm máu nào như kẻ xấu đồn thổi.
TS Nguyễn Quỳnh Anh.
Sự giàu có, sầm uất của xã hội miền Nam Việt Nam dưới chế độ Việt Nam cộng hòa thực chất là sự giả tạo, không xuất phát từ nội lực mà trông cậy chủ yếu vào viện trợ của chính quyền Mỹ thời đó để xây dựng, nuôi sống guồng máy chiến tranh. Từ năm 1954 đến 1975, viện trợ của chính quyền Mỹ khi đó dành cho miền Nam hơn 26 tỉ USD. Nếu tính tổng các chi phí khác thì Mỹ đã bỏ vào Việt Nam khoảng hơn 160 tỉ USD.
Một chế độ xã hội mà hàng triệu người và gia đình của họ sinh sống bằng viện trợ và nhờ vào nghề cầm súng, không sản xuất, sáng tạo ra của cải thì mọi sự bóng bẩy bên ngoài chỉ nhằm che đậy những yếu kém bên trong.
Vì thế, ngay sau khi Mỹ rút lui thì vỏ bọc hào nhoáng ấy đã bị phá vỡ. Kinh tế miền Nam rơi vào khủng hoảng, lạm phát, thất nghiệp gia tăng. So với năm 1972, trong năm 1973, giá gạo tăng lên 100%, giá đường tăng lên 165%, giá dầu đun tăng gấp ba lần, giá xăng tăng sáu lần, giá phân bón, sợi, xi măng đều tăng từ 100% đến 200%; đến tháng 9-1973, miền Nam có hơn 2 triệu người thất nghiệp…
Chúng ta đều hiểu sau một cuộc chiến trường kỳ, dai dẳng, dĩ nhiên phải đối mặt với những khó khăn, thử thách để khôi phục, vực dậy nền kinh tế. Việc quy chụp, đổ lỗi, cho rằng kết quả của chiến thắng 30-4-1975 là sự “nghèo nàn, lạc hậu” và “nếu không có sự kiện này, đất nước sẽ phát triển hơn rất nhiều” thuần túy là cái nhìn sai sự thật, cực đoan, phiến diện, phi lịch sử.
Sáng 15-5-1975, hàng triệu nhân dân Sài Gòn - Gia Định đổ về quảng trường trước trụ sở Ủy ban Quân quản TP để dự lễ mừng chiến thắng. Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Chính phủ, MTTQ Việt Nam tham dự buổi lễ. Ảnh: TTXVN
Hướng tới tương lai phồn vinh, hạnh phúc
Thực tế, sau 50 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu; Việt Nam đã phá vỡ thế bao vây, cấm vận và đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng cao.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ; sẵn sàng “gác bỏ quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Quan hệ Việt - Mỹ ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Đêm 11-7-1995 theo giờ Mỹ, rạng sáng 12-7-1995 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ, thiết lập các hoạt động ngoại giao giữa hai nước.
Tháng 7-2013, Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ đối tác toàn diện và chỉ 10 năm sau đã nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện (tháng 9-2023). Nếu như năm 1995, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 450 triệu USD thì đến năm 2023 đã tăng hơn 246 lần (gần 111 tỉ USD). Từ năm 2014 về sau, Việt Nam đã trở thành nước ASEAN xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ.
Trong bài phát biểu chia tay Liên hợp quốc vào năm 2024, cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định: “Ngày nay, Mỹ và Việt Nam là đối tác và bạn bè. Đó là bằng chứng cho thấy ngay cả từ nỗi kinh hoàng của chiến tranh vẫn có một con đường phía trước. Mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp hơn”.
Nhân dân Sài Gòn vui tết đại thắng (bên trái) và các chiến sĩ giải phóng gặp gỡ nhân dân Sài Gòn trong ngày giải phóng 30-4-1975. Ảnh: TTXVN
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donal Trump cũng có những cảm tình tốt đẹp với Việt Nam. Ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên đi thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu tiên, thậm chí đã thăm tới hai lần.
Với kiều bào nước ngoài, bao gồm những người từng một thuở “phía bên kia cầm súng khác”, Việt Nam cũng mở rộng cánh tay sẵn sàng đón họ trở về, tạo điều kiện để họ chứng kiến những đổi thay tích cực của đất nước và góp phần vào việc kiến thiết quê hương. Cựu Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ - người khét tiếng “chống cộng” cũng nhiều lần về nước và đều được lãnh đạo Việt Nam tiếp đón trên tinh thần mến khách, đoàn kết, nồng hậu.
Có thể nói với những nỗ lực của mình, Việt Nam đã phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc; thiết lập và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Mỹ. Thực tế đó đã khiến những luận điệu sai trái, thù địch về ngày 30-4 trở nên lạc lõng và không có cơ sở tồn tại.
Nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước
Hiện nay, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, thứ 32 trên thế giới; quy mô nền kinh tế năm 2025 ước tính đạt khoảng 500 tỉ USD; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 4.900 USD. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 75 tuổi năm 2025; chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm trung bình cao; chỉ số hạnh phúc năm 2024 xếp thứ 54/137 quốc gia…
Song song đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia; trong đó có 12 nước đối tác chiến lược toàn diện, 10 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện. Nước ta hai lần được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hai lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu ủng hộ kỷ lục.
Những sự kiện và con số biết nói nêu trên đã phản ánh tính chính nghĩa, giá trị của chiến thắng 30-4 và những nỗ lực của Việt Nam trong việc hàn gắn các vết thương chiến tranh, xây dựng, kiến thiết đất nước.
GÓC NHÌN:Gác lại quá khứ nhưng không lãng quên lịch sửNửa thế kỷ đã trôi qua nhưng âm vang của đại thắng mùa xuân 1975 vẫn còn vọng mãi. Đó là bản hùng ca vang dội về ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết và khát vọng độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam; là biểu tượng về lòng yêu nước nồng nàn, khí phách và trí tuệ anh dũng, sáng suốt của một dân tộc đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Chiến thắng 30-4 đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bằng chiến thắng ấy, chúng ta đã góp phần vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, trở thành nguồn cảm hứng thắp sáng cho nhiều quốc gia đang đấu tranh giành độc lập và tự do, là minh chứng cho tinh thần quật cường chống ngoại xâm. Để có được thắng lợi vĩ đại trên, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua những hy sinh mất mát to lớn khi có gần 850.000 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhiều liệt sĩ cho đến nay vẫn chưa xác định được danh tính, chưa tìm được hài cốt và vẫn nằm rải rác ở đâu đó trong lòng đất mẹ. Bởi lẽ đó, khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, việc hiểu đúng những giá trị của cuộc kháng chiến chống Mỹ và đại thắng mùa xuân năm 1975 là hết sức cần thiết. Cũng trong dòng chảy 50 năm ấy, Sài Gòn - TP.HCM, bước qua chiến tranh, cùng với sự phát triển của đất nước, TP này ngày nay đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu của cả nước - biểu tượng cho sự năng động và phát triển vượt bậc. TP.HCM không chỉ là đô thị đông dân nhất nước mà còn nhiều cái nhất như năng suất lao động cao nhất, đóng góp ngân sách lớn nhất, trung tâm công nghiệp - dịch vụ lớn nhất, có khu công nghệ cao thành công nhất nước… TP.HCM còn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút hàng loạt dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, dịch vụ và du lịch. Năm 2024, tăng trưởng GRDP của TP.HCM đạt gần 7,2%; thu ngân sách cả năm lần đầu đạt 508.000 tỉ đồng, tăng hơn 13,3% so với năm 2023, đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước. TP.HCM cũng dành nguồn lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đến hết năm 2022, TP không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Năm 2024, TP huy động tổng hợp các nguồn lực thực hiện những chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo với tổng kinh phí dự kiến hơn 13.700 tỉ đồng để bảo đảm cuộc sống cho người dân, kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, không để tái nghèo. Chỉ số phát triển con người của TP đứng thứ ba trong cả nước vào năm 2022 (0,881). Trong không khí tưng bừng của ngày toàn thắng, cán bộ và nhân dân TP mang tên Bác nêu cao quyết tâm và không ngừng nỗ lực hành động, phát huy những truyền thống tốt đẹp, ý chí tự lực, tự cường để tạo thành sức mạnh tổng hợp đột phá trên mọi lĩnh vực, góp phần xây dựng TP ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Chúng ta gác lại quá khứ nhưng không hề lãng quên lịch sử. Chiến thắng ngày hôm qua sẽ giúp mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân TP.HCM thêm trân trọng nền độc lập dân tộc và phấn đấu hơn nữa để hướng tới một tương lai xán lạn, phồn vinh, hạnh phúc. TS NGUYỄN QUỲNH ANH |