Bảo vệ nền tảng tư tưởng

XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG THÌ CÓ GÌ SAI?

Gần đây, lợi dụng các vụ việc nhóm thanh niên người Việt đang cư trú tại Anh tham gia biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại London (ngày 04/5/2025) và vụ tai nạn thương tâm khiến 4 lao động Việt Nam tử vong ở Đào Viên (Đài Loan) vào cuối tháng 4/2025, các thế lực thù địch, phản động ngay lập tức đã tung ra các luận điệu xuyên tạc, bóp méo tình hình kinh tế - xã hội trong nước và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta liên quan đến lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Ảnh cắt ra từ trang facebook Chân Trời Mới Media

Chúng trắng trợn xuyên tạc rằng: “Lãnh đạo Việt Nam chi hàng nghìn tỷ đồng để tổ chức lễ kỷ niệm 30/4 trong khi người dân vẫn phải tha hương kiếm sống nơi đất khách quê người”; “Gọi là đất nước đáng sống mà người dân lại phải bỏ đi làm thuê ở các nước tư bản”; thậm chí chúng còn bóp méo phát biểu của lãnh đạo cấp cao về chính sách xuất khẩu lao động để vu khống rằng “Việt Nam nói một đằng, làm một nẻo”... Những luận điệu này không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết, mà còn là thủ đoạn cố ý gieo rắc nghi ngờ, gây chia rẽ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, lợi dụng những khó khăn mang tính giai đoạn để phủ nhận những nỗ lực và thành tựu to lớn mà đất nước ta đã đạt được.

Trước hết, cần khẳng định rằng, hai sự việc nêu trên là những tai nạn và biến cố cá biệt, không đại diện cho toàn cục. Trong vụ biểu tình ở London, chính thân nhân của nhóm thanh niên tham gia đã thể hiện sự đau xót, tiếc nuối trước hành vi bồng bột, thiếu hiểu biết của con em mình, đồng thời khẳng định bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ. Nhiều người trong số đó đã bày tỏ sự hối hận sâu sắc và mong được chuộc lại sai lầm. Điều này càng cho thấy thủ đoạn tinh vi của các thế lực phản động trong việc lợi dụng hoàn cảnh cư trú, tâm lý bất ổn để kích động, lôi kéo công dân Việt Nam ở nước ngoài vào các hoạt động chống phá đất nước.

Về chính sách đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, cần nhìn nhận một cách khách quan và toàn diện rằng: đây là một chủ trương đúng đắn và tính thiết thực của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh đất nước đang phát triển và hội nhập. Mục tiêu cốt lõi là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều 35 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định rõ: Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình. Vì vậy, việc người lao động lựa chọn ra nước ngoài làm việc là hoàn toàn chính đáng, hợp pháp và mang tính tự nguyện, không thể bị quy chụp một cách phi lý là “bỏ chạy khỏi quê hương” như những luận điệu xuyên tạc đang cố tình rêu rao.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương có tỷ lệ xuất khẩu lao động cao đã đổi thay nhanh chóng, từ những làng quê nghèo trở thành những vùng nông thôn mới khang trang, hiện đại. Mỗi năm, hàng trăm nghìn lao động mang về hàng tỷ USD kiều hối, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ vậy, người lao động còn tiếp thu được kỹ năng, kỷ luật lao động, kinh nghiệm sản xuất tiên tiến để quay về cống hiến cho quê hương.

Phú Yên nâng cao chất lượng nguồn lao động để đẩy mạnh xuất khẩu lao động. 

Từ đó có thể khẳng định rằng, chủ trương đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một giải pháp linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam hiện nay. Những luận điệu xuyên tạc, phản động nhất định sẽ bị lật tẩy và đào thải bởi sự thật khách quan, bởi sự trưởng thành của nhận thức xã hội và bởi chính ý chí kiên cường của một dân tộc đã quá quen với việc biến thử thách thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực để vươn lên.

(QN)