Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, sinh thời dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người luôn quan tâm đến việc chăm lo sức khỏe, đời sống Nhân dân. Người rất quan tâm đến ngành Y tế và luôn dành cho những người thầy thuốc những tình cảm tốt đẹp nhất. Người thấy rõ tầm quan trọng đặc biệt của sức khỏe và vị trí quan trọng của ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ y tế đầu năm 1955. Ảnh sưu tầm
Ngay từ năm 1946, chỉ chưa đầy một năm sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã căn dặn mọi người rằng: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt. Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe. Vậy nên, luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được… Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”(Sức khỏe và thể dục).
Người còn nêu rõ vấn đề sức khỏe có mối quan hệ trực tiếp với cuộc kháng chiến và kiến quốc. Người nói, “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Chính vì lẽ đó, đối với tầng lớp nào, lứa tuổi nào, Người cũng luôn dặn dò mọi người phải giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Đối với các cháu thiếu nhi, Người khuyên “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang”, không những phải “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” mà còn phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”. Bác căn dặn cán bộ y tế: Đừng có ngại khó ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch, ban ơn.
Trong “Thư gửi Hội nghị Quân y”, tháng 3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Khi gặp “một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, người thầy thuốc “nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ. Người ta có câu “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”. Theo Người, thầy thuốc là phải hết lòng yêu thương, tận tình chăm sóc, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của người bệnh. Bởi để chữa trị bệnh tật tận gốc thì không chỉ nhìn vào những vết thương bề ngoài. Những vấn đề về tinh thần, tình cảm càng cần phải được quan tâm để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như y đức của người thầy thuốc.
Trong “Thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc”, tháng 6-1953, Người chỉ rõ: “Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải: thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân. “Lương y phải kiêm từ mẫu”. Từ lời dạy của Bác, chúng ta hiểu các thầy thuốc phải có lương tâm và nghĩa vụ cao cả như của người mẹ hiền đối với bệnh nhân. Có thể nói, lương tâm với người bệnh là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết của người thầy thuốc. Lời dạy này của Người đến nay đã trở thành bài học vô cùng quý giá đối với mỗi người thầy thuốc Việt Nam.
Theo Bác, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài. Vì vậy, đội ngũ thầy thuốc, về chuyên môn, cần thường xuyên “học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ”, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ như “yêu nước, yêu dân, yêu nghề… thi đua học tập, thi đua công tác”. Hơn nữa, người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại. Cụ thể, yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ Nhân dân tốt nhất.
Không chỉ chú ý đến mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, Người còn quan tâm đến mối quan hệ giữa các thầy thuốc, cán cán bộ làm công tác y tế với nhau. Trong “Thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế”, tháng 2-1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì, công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”. Đoàn kết trong ngành Y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vì bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người. Bác nhắn gửi: Người thầy thuốc phải “Thương yêu người bệnh- Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải yêu thương, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu””.
Vì ý nghĩa nhân văn, sâu sắc của bức thư này, ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam nhằm nêu cao trách nhiệm và tài đức của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp để cả xã hội thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn đến những người công tác trong ngành y tế đã dành hết sức lực và tài trí để cống hiến cho sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Vào những năm cuối đời, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng Bác vẫn luôn đau đáu nỗi niềm hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt; về cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm anh dũng chiến đấu và hy sinh cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Ngày 31/7/1967, trong “Thư khen cán bộ và nhân viên Quân y”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khoẻ của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Đây cũng là bức thư cuối cùng Người viết gửi ngành Y tế nước ta.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ trao quyết định công nhận Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đạt bệnh viện hạng I cho Ban Giám đốc bệnh viện
Thấm nhuần những lời dạy sâu sắc của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu, trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, ngành y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, để lại những dấu ấn sâu sắc. Đến nay, hệ thống y tế được mở rộng toàn diện, bao phủ mọi vùng miền của đất nước, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2024 là 94,2%. Từ chỗ thiếu thốn cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất trong những ngày đầu thành lập, đến nay mạng lưới y tế phát triển rộng khắp, với hơn 13.000 cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương, bảo đảm mọi người dân từ thành thị đến nông thôn và vùng sâu, vùng xa, đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Dịch vụ y tế cơ bản hiện đã tiếp cận được tới mọi người dân, kể cả những khu vực khó khăn nhất, như vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; những bước tiến vượt bậc trong y tế dự phòng đã giúp kiểm soát và loại trừ nhiều dịch bệnh nguy hiểm; các bệnh viện lớn trong cả nước đã làm chủ nhiều kỹ thuật y học tiên tiến; giúp nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống và tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam. Ngành y tế đã chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Tại tỉnh Phú Yên, đến cuối năm 2024, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,06%; có 9,72 bác sĩ và 31,5 giường bệnh/vạn dân. Hệ thống y tế toàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với sự phát triển về số lượng và chất lượng của đội ngũ y, bác sĩ, sự đầu tư về trang thiết bị y tế ngày càng đầy đủ, ngày 7/2/2024, UBND tỉnh công nhận Bệnh viện Đa khoa Phú Yên xếp hạng I, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân trong tỉnh và Nhân dân một số tỉnh lân cận, đánh dấu bước phát triển mới của ngành y tế tỉnh nhà.
BVĐK tỉnh Phú Yên tổ chức toạ đàm chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thầy thuốc Việt Nam
Đã 56 năm trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ kính yêu của chúng ta về với “thế giới người hiền” nhưng những tư tưởng, tình cảm, lời dạy của của Người dành cho ngành Y tế mãi mãi là ánh sáng soi đường, chỉ lối cho những người làm công tác y tế vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng và phát triển ngành; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của ngành Y tế nước nhà trong khu vực và trên thế giới.
PĐH