Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và “Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức đau khổ”.
Bác Hồ chụp ảnh với đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai trong dịp Người lên thăm Lào Cai, ngày 24/9/1958
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh “nước mất nhà tan”, năm 1911, Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước để thực hiện lý tưởng của mình: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Sau ba mươi năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Người đã về nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam gặt hái từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điều Người luôn quan tâm nhất là độc lập dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
Ngay từ những ngày đầu đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm nhất quán là Chính phủ phải quan tâm đến đời sống của Nhân dân. Người nhấn mạnh, chúng ta phải thực hiện ngay 4 điều: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành. Bởi theo Người, dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc ấm.
Khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, chăm lo đời sống, hạnh phúc của Nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước ta hướng tới. Người cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, trước hết là Nhân dân lao động”. Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ… Xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt. Chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa thì quyền lợi cá nhân, quyền lợi Nhà nước và quyền lợi tập thể mới thống nhất. Vì vậy, muốn nâng cao đời sống Nhân dân, đem lại cho Nhân dân cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc không có con đường nào khác là phải tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để chăm lo tốt cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, trước hết phải xây dựng nhà nước thực sự là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Người nói: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi”. Vì vậy, cán bộ Đảng và các cấp chính quyền đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân, phải đặt quyền lợi của Nhân dân lên trên hết, với phương châm “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” và “hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc”.
Cắt băng khánh thành nhà tặng gia đình ông Đinh Minh Ánh
Trước khi về với “thế giới người hiền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong bản Di chúc : “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh… Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.
Bác chỉ tiếc là không thể phục vụ Nhân dân nhiều hơn nữa “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Thực hiện tư tưởng và lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “Dân là gốc”; mọi chủ trương, đường lối, chính sách đều phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng và hành phúc của Nhân dân; thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng”; lấy sự hài lòng, tín nhiệm của Nhân dân làm thước đo đánh giá cán bộ và hiệu quả công việc.
Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm phụng sự Nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hạnh phúc Nhân dân với tư cách là động lực, mục tiêu của cách mạng, mà còn phải thấm nhuần chân lý: Người hiến dâng nhiều nhất sẽ là người hạnh phúc nhất. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết rằng: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Nếu người cán bộ, đảng viên biết vượt lên trên cái “tôi” của mình để hiến dâng cho Nhân dân và đất nước thì họ sẽ là người hạnh phúc, vì tượng đài vững chắc nhất chính là ở trong lòng Nhân dân.
Học tập theo lời dạy của Người, trong những năm qua, tỉnh Phú Yên đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo đời sống, hạnh phúc của Nhân dân tỉnh nhà. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ngày 14/02/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã Kế hoạch số 68-KH/TU về việc triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”. Qua 10 năm thực hiện, cả hệ thống chính trị tỉnh nhà đã huy động công sức, trí tuệ của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh giúp đỡ các xã, thôn (buôn) còn khó khăn và hộ nghèo vươn lên, vượt khó, thoát nghèo. Cuối năm 2013, tỉnh Phú Yên có 31.415 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 13,03%). Năm 2014, toàn tỉnh có 19 xã miền núi đặc biệt khó khăn; 16 xã bãi ngang ven biển còn nhiều khó khăn; 27 xã nghèo, còn khó khăn. Đến 15/8/2022, toàn tỉnh còn 12 xã miền núi đặc biệt khó khăn, 11 xã còn khó khăn. Qua 10 năm phấn đấu nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà, toàn tỉnh hiện còn 6.483 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 2,44%; hộ cận nghèo còn 15.793 hộ, chiếm tỉ lệ 5,95%.
Lễ trao tặng và bàn giao nhà tình nghĩa
Bên cạnh việc thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên, toàn tỉnh đã cấp 11.964 thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, 29.588 thẻ Bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo. Đồng thời thực hiện hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất cho 1.200 hộ nghèo, 5.650 hộ cận nghèo, 10.450 hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ cho vay đối với 7.300 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, với tổng số tiền 1.022 tỉ đồng. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập và giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được an tâm, có thêm điều kiện học tập.
Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” và xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta còn có giá trị như một thông điệp về chăm lo đời sống, hạnh phúc của Nhân dân, phản ánh khát vọng mạnh mẽ của đất nước ta hiện nay. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng ra sức, phấn đấu, rèn luyện và cống hiến; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và mang lại cuộc sống hạnh phúc cho Nhân dân.
PĐH