Bảo vệ nền tảng tư tưởng

Thi đua yêu nước là hành động cách mạng thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa

Trong những ngày vừa qua, trên các trang mạng của các tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam ở nước ngoài đã tán phát nhiều thông tin, bài viết xuyên tạc, phủ nhận giá trị và kết quả của các phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam. Chúng cho rằng đó là “sáo rỗng và không hiệu quả”, “là chuyện tranh giành”, “ganh đua”… Rõ ràng đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, xuyên tạc, bôi đen sự thật về bản chất và kết quả của phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Đại hội Thi đua Quyết thắng LLVT tỉnh Phú Yên

Thi đua yêu nước có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong hoàn cảnh đất nước gặp vô vàn khó khăn, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; Trung ương Đảng đã thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc từ Trung ương đến địa phương và phát động phong trào thi đua để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất". Sự thành công trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta đã khẳng định giá trị đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Có thể nói, mọi thành quả của cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức hiệu quả các phòng trào thi đua yêu nước.

Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể; tạo động lực, động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, vươn lên và vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Thi đua yêu nước không chỉ mang lại lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình, mà còn mang lại lợi ích cho quê hương, đất nước và mạng lại hạnh phúc cho Nhân dân, chứ không phải là lợi dụng công tác thi đua để thực hiện mục đích cá nhân là “ganh đua”, “là chuyện tranh giành” như những gì các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc.

Những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước ở nước ta đã có sự phát triển sâu rộng ở các cấp, các ngành, các vùng miền, địa phương trên cả nước. Nội dung các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Thông qua các phong trào thi đua, nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc đã được giải quyết, nhiều công trình, mô hình được xây dựng, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên lĩnh vực kinh tế, thông qua các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”… đã góp phần đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước nghèo chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Lương y như từ mẫu”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, Không để ai bị bỏ lại phía sau”… đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, các phong trào “Thi đua Quyết thắng” trong Quân đội nhân dân, “Vì an ninh Tổ quốc” trong Công an nhân dân… đã góp phần quan trọng trong giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp và củng cố hệ thống chính trị, các phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên. Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” được nhiều bộ, ban, ngành, địa phương tích cực hưởng ứng, bước đầu tạo nên những chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động, hướng tới xây dựng một nền hành chính văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, trong phòng, chống dịch Covid-19, các phong trào thi đua đã huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, các ngành và Nhân dân tích cực tham gia, đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, đưa xã hội về trạng thái bình thường mới.

Đại hội Thi đua yêu nước Cựu chiến binh gương mẫu tỉnh Phú Yên lần thứ VII, giai đoạn 2024 - 2029

Có thể nói, thi đua yêu nước là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa là một phương thức vận động cách mạng thiết thực và hiệu quả, nhằm  phát huy năng lực và trí tuệ của mỗi người dân, tạo ra sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tiễn đã chứng minh vai trò và tác dụng đặc biệt quan trọng của các phong trào thi đua trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước trước đây cũng như hiện nay. Thi đua yêu nước là động lực tạo nên sức mạnh tổng hợp, đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 38 năm đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cũng cho thấy, qua các phong trào thi đua yêu nước đầy sáng tạo của Nhân dân, đã xuất hiện nhiều nhân tố mới tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có nhiều mô hình, cách nghĩ, cách làm mới đem lại hiệu quả cao chứ không phải là sự “sáo rỗng và không hiệu quả”, “là chuyện tranh giành”, “ganh đua” như những gì các thế lực thù địch, phản động cố tình xuyên tạc, bôi đen.

(NQ)