Bảo vệ nền tảng tư tưởng

TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH VỚI THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG CHIÊU BÀI DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN ĐỂ CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Trong chiến lước “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch luôn coi dân chủ, nhân quyền là một trong những mũi nhọn để công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Chúng triệt để lợi dụng những khó khăn, hạn chế trong quá trình phát triển đất nước cũng như các vấn đề nhạy cảm để bóp méo, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, từ đó kích động dư luận, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Do đó, việc nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch về dân chủ, nhân quyền là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên hiện nay của chúng ta.

Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh uỷ Phú Yên tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Các thủ đoạn được các thế lực thù địch, phản động thường xuyên sử dụng đó là núp bóng dưới danh nghĩa “nhà hoạt động nhân quyền”, “người yêu nước”; lợi dụng mạng xã hội để phát tán thông tin sai lệch; cổ súy các giá trị dân chủ kiểu phương Tây, tuyệt đối hóa quyền cá nhân, phủ nhận nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Không chỉ dừng ở xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chúng còn vận động, lôi kéo sự can thiệp từ các tổ chức quốc tế thiếu thiện chí, tạo áp lực ngoại giao, thậm chí đòi “quốc tế hóa” các vấn đề nội bộ của Việt Nam...

Các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá nước ta là đặc biệt nguy hiểm, được các thế lực thù địch triển khai với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Chúng tạo nên một “ma trận” tấn công đa chiều, phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng trong và ngoài nước, giữa các tổ chức phản động lưu vong và phần tử cơ hội chính trị trong nước. Tựu trung lại, các luận điệu mà các thế lực thù địch đưa ra thường được ngụy trang dưới vẻ ngoài “khách quan”, “khoa học”, thậm chí tỏ ra "tâm huyết" với vận mệnh quốc gia, dân tộc. Nhưng thực chất, đó chỉ là vỏ bọc cho hoạt động chống phá, núp bóng dưới danh nghĩa “nhà dân chủ”, “người yêu nước”.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Sơn Hòa (Phú Yên) quyết định khởi tố bị can về tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân” đối với Nguyễn Văn Trong (SN 1970, trú ở thôn Tân Thành, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa). 

Trước thực trạng đó, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền nhằm chống phá đất nước, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ, nhân quyền; làm rõ những thành tựu quan trọng, toàn diện mà Việt Nam đã đạt được trong việc bảo đảm các quyền con người, đặc biệt là các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội. Cần đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tận dụng hiệu quả các kênh ngoại giao, hợp tác quốc tế để giúp cộng đồng quốc tế, kiều bào hiểu đúng, ủng hộ chính nghĩa và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh phù hợp với bối cảnh truyền thông hiện đại. Tăng cường sử dụng các nền tảng số, mạng xã hội để truyền tải thông tin chính thống, kịp thời phản bác, bóc trần bản chất những luận điệu xuyên tạc, giả mạo. Đồng thời, chủ động tạo dựng không gian đối thoại lành mạnh, nâng cao sức miễn dịch tư tưởng trong xã hội.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người theo hướng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế nhưng phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, hành pháp, tăng cường quản lý báo chí, xuất bản, kiểm soát không gian mạng, xử lý nghiêm các hành vi phát tán thông tin xấu độc, sai sự thật về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội và an sinh bền vững. Thực hiện tốt công tác dân vận, nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là ở cơ sở, các địa bàn tiềm ẩn phức tạp. Chủ động xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, không để hình thành “điểm nóng”, bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động.

Tóm lại, bảo vệ chủ trương, chính sách của Đảng về dân chủ, nhân quyền không chỉ là trách nhiệm của hệ thống chính trị mà còn là bổn phận của mọi công dân. Đây là yếu tố then chốt để giữ gìn ổn định chính trị, tăng cường lòng tin của Nhân dân, và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

(Chính trực)